Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Tam bề thọ địch?”

“Tam bề thọ địch?”

Đầu năm 2022 mà bị Mỹ hùng hổ đem tới 3 hàng không mẫu hạm lảng vảng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, gần Trung Quốc, thì dù chưa tới “tứ bề…, cũng đã là “tam bề thọ địch”. Tình cảnh này chắc chắn khiến Bắc Kinh không chỉ khó chịu mà còn tức tối.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ tại Biển Đông.

Thông tin này do trang INF News của Đài Phượng Hoàng (Hong Kong) đưa ngày 12/1/2022. Định kiến kiểu gì, vẫn phải đồng tình rằng: các vấn đề quốc tế liên quan Châu Á-Thái Bình Dương, nhà đài này thường tỏ ra khá thạo tin và đưa tin sớm. Nói cách khác, vụ 3 tàu sân bay Mỹ ở quanh Trung Quốc hẳn là có thật.
Phải kể đến đầu tiên, là tàu sân bay Carl Vinson. Vệ tinh do thám phát hiện Carl Vinson gần eo biển Balabac, nơi nối Biển Đông và Biển Sulu, một vị trí, như giới chuyên gia quốc tế nhận xét, là “rất chiến lược” trên chuỗi đảo thứ nhất. Đài Phượng Hoàng dẫn dự đoán của chuyên gia: tàu sân bay Carl Vinson sẽ được triển khai đến Biển Đông.

Như vậy, đây là chuyến mở hàng trở lại Biển Đông của một tàu sân bay Mỹ trong năm 2022. Đối với Carl Vinson, thì là chuyến thứ hai trở lại chốn cũ của nó. Tất nhiên, một tàu sân bay chẳng bao giờ bơi một mình. Cùng với nó, còn có máy bay chiến đấu F-35C và máy bay vận tải CMV-22 Osprey, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Stockdale…Nghĩa là một nhóm tác chiến thuộc loại mạnh nhất có thể.

Hai tàu sân bay kia, gồm tàu Abraham Lincoln khởi hành từ Mỹ vào ngày 3/1, hiện đã có mặt tại Thái Bình Dương, mang theo phi đội F-35C thuộc Phi đội máy bay chiến đấu số 314 của Thủy quân lục chiến Mỹ; chiếc còn lại là tàu sân bay Reagan đang được triển khai tại đây và sẽ ghé cảng Yokosuka (Nhật Bản).

Không chỉ trước kia tàu sân bay mới được coi là biểu tượng sức mạnh quân sự. Ngay cả thời hiện đại, ngoài việc luyện tập với sự phối hợp quy mô lớn, sự hiện diện của nó tại một địa điểm, khu vực, vùng biển nào, đều cho thấy, hoặc là nơi đó đang là điểm nóng, hoặc sắp “có chuyện”.

Trường hợp này thì sao?

Biển Đông thì hẳn là vùng biển nóng nhất do có tới 6 bên cùng tranh chấp chủ quyền, trong đó, Trung Quốc coi như “một bên”, 5 bên còn lại gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan. Còn biển Hoa Đông, điểm nóng nhất là khu vực quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) do tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Thực ra, thời điểm này, nói cho đầy đủ, dù không có yêu sách chủ quyền, nhưng trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, Mỹ mới là đối thủ mà Trung Quốc kình địch nhất. Lý do, ngoài việc Mỹ là siêu cường số 1 khiến việc bắt nạt của Trung Quốc trở nên vô nghĩa, còn là vì, trong con mắt Bắc Kinh, Washington ngày càng quá thể. Chưa kể cách hành xử trên thực địa Biển Đông và biển Hoa Đông, với Trung Nam Hải, Nhà Trắng y như con cá khổng lồ “cậy vây” với hàng ngàn lượt hằng năm cho tàu chiến nghênh ngang thách thức Trung Quốc, ra mặt hậu thuẫn cho các đồng minh, đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia và cả Đài Loan. Thi thoảng, Washington còn tung ra, không tuyên bố, thì báo cáo, phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” nhằm chiếm gọn Biển Đông của Trung Quốc. Gần đây nhất, ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa tung ra Báo cáo số 150 bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong con mắt Bắc Kinh, với việc bác bỏ “toàn bộ” yêu sách “đường 9 đoạn”, Báo cáo mới toe này còn tệ hơn nhiều lần Tuyên bố ngày 12/7/2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Đầu năm mà đã bị Mỹ “vây” trong “gọng kìm” 3 tàu sân bay tối tân, nói rằng, Trung Quốc “tam bề thọ địch” là thế!

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới