Sau gần 20 năm, ngày 15/12, tàu chiến Đức Bayern – một khinh hạm lớp Brandenburg với khoảng 230 thủy thủ đoàn, đã đi vào Biển Đông sau khi rời cảng Busan ở Hàn Quốc vào ngày 06/12.
Đây là một động thái cho thấy Berlin tham gia cùng các quốc gia phương Tây khác tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tham vọng khống chế độc chiếm Biển Đông. Các quốc gia khác bao gồm Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia và New Zealand cũng đang mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Việc triển khai tàu chiến đến Biển Đông và khu vực lần này cũng đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước đó, vào tháng 9/2020, chính phủ Đức dưới thời bà Merkel đã ban hành các hướng dẫn chính sách toàn diện về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó nêu rõ rằng khu vực này sẽ là “nơi hình dạng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong tương lai sẽ được quyết định”. Ngoại trưởng Đức khi đó là ông Heiko Maas đã nhấn mạnh: “Sự thịnh vượng và ảnh hưởng địa chính trị của chúng ta (Đức) trong những thập kỷ tới sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta hợp tác cùng với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Lực lượng vũ trang Đức cho biết: “Việc triển khai tàu chiến Bayern là sự đóng góp của Đức vào việc đảm bảo hành vi ‘dựa trên luật lệ’ ở khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chuyến đi này cũng nhằm chứng tỏ rằng Đức sẽ đứng về phía các đối tác quốc tế khi bảo đảm quyền tự do của các tuyến đường biển và tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực”.
Hải quân Mỹ trong những năm qua đã thường xuyên thực hiện chiến dịch “tự do hàng hải” (FONOP), cho tàu chiến đi tới gần một số cấu trúc có tranh chấp ở Biển Đông. Tuy không áp dụng cách tiếp cận như Mỹ, nhưng khi gửi tàu chiến tới khu vực, Đức đã thể hiện rõ sứ mệnh của tàu Bayern là nhằm nhấn mạnh việc Đức không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông – vùng biển 40% tổng giá trị ngoại thương của EU cần đi qua.
Trong quá trình hiện diện ở khu vực, tàu chiến Bayern đã tham gia các cuộc tập trận với Mỹ, Australia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc; đồng thời tham gia một hoạt động giám sát nhằm thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên trước khi lên đường tới Biển Đông. Sau khi vào Biển Đông, tàu Bayern thăm Singapore và ở lại trong 2 tuần để bảo dưỡng và nạp nhiên liệu. Phát biểu tại lễ đón ngày 21/12, Đại sứ Đức tại Singapore Norbert Riedel nhấn mạnh: “Việc tàu Bayern cập cảng thể hiện sự tăng cường hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực chính sách an ninh và quốc phòng”; “Chúng tôi đều tin rằng trật tự đa phương dựa trên luật lệ bao gồm trách nhiệm chung trong duy trì luật pháp quốc tế để bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế”.
Trong bài viết đăng trên tờ The Straits Times hôm 20/12/2021, Đại sứ Đức tại Singapore Norbert Riedel cho hay Đức “đặc biệt quan ngại về yêu sách hàng hải phi pháp” ở Biển Đông. Bên cạnh đó, ông cho biết Đức còn quan ngại về những hành vi “dọa dẫm và cưỡng ép tiếp diễn nhằm vào các nước khác trong khu vực”. Giới phân tích bình luận dù không nêu tên quốc gia cụ thể, song rõ ràng ông Đại sứ Đức ám chỉ các hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều này thể hiện Đức và Singapore chia sẻ nhiều điểm chung về bảo vệ an ninh, ổn định và tự do của khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng.
Sau Singapore, tàu Bayern cũng thăm Việt Nam và dự kiến sẽ ghé cảng ở Sri Lanka và Ấn Độ trước khi quay trở lại căn cứ ở Wilhelmshaven (Đức) vào tháng 2/2022.
Tàu Bayern đã không đi qua eo biển Đài Loan nhằm tránh chọc tức Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà quan sát chỉ ra rằng hành trình của tàu Bayern đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần này đã được lên kế hoạch từ thời của chính quyền Thủ tướng Merkel – người được coi là luôn né tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Thậm chí, trước chuyến hành trình đến khu vực của tàu Bayern, phía Đức còn chủ động đề nghị tàu được ghé thăm Thượng Hải, Trung Quốc nhưng bị khước từ do Berlin không chịu “giải trình” về mục tiêu tới khu vực của tàu Bayern theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Giới phân tích cho rằng “gió đã đổi chiều” sau khi ông Olaf Scholz – lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội được bầu làm Thủ tướng và mở ra một kỷ nguyên chính trị mới do phe trung tả nắm quyền. Tân Ngoại trưởng Annalena Baerbock của chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz đến từ Đảng Xanh được xem như người sẽ thi hành chính sách quyết đoán hơn đối với Trung Quốc sau 16 năm chính phủ Merkel theo đuổi chủ nghĩa thực dụng nhằm thúc đẩy thương mại.
Ngay sau khi thông qua nội các của Chính phủ mới, ngày 11/12/2021, Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi chính phủ đánh giá lại chính sách đối với Đài Loan và làm sâu sắc hơn quan hệ với Đài Bắc. Ông Christian-Ludwig Weber-Lortsch, cựu Đại sứ Đức tại một số nước Đông Nam Á cho biết: “Điều này không có nghĩa là Đức đã thay đổi chính sách của mình, nhưng do sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, tình hình trong khu vực đã thay đổi. Vì vậy, Đức đã phải điều chỉnh chiến lược”. Ông Weber-Lortsch nói thêm: “Trong thời gian làm nhiệm vụ ở các nước châu Á (Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Myanmar và Việt Nam), chưa từng thấy tình hình nguy hiểm như vậy trong khu vực”.
Chiều hướng cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc và can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông, khu vực của chính quyền mới ở Đức được phản ánh qua phát biểu của ông Kay-Achim Schonbach, Phó Đô đốc của Hải quân Đức hôm 20/12/2021 khi tàu Bayern cập cảng Singapore nhấn mạnh việc triển khai tàu Bayern “chỉ là khởi đầu”, và sẽ có thêm nhiều tàu nữa thực hiện nhiệm vụ tương tự từ năm 2023.
Đáng chú ý, liên quan đến việc tàu Bayern không đi qua eo biển Đài Loan, Phó Đô đốc Schonbach nói rằng chuyến đi đầu tiên của Hải quân Đức đến khu vực sau 19 năm không nên bắt đầu bằng “một cái búa”; nhấn mạnh: “Lần này chúng tôi bắt đầu bằng những bước nhỏ, nhưng lần sau, nếu chính phủ Đức quyết định, chúng tôi có thể sẽ đi qua eo biển Đài Loan”. Ông Schonbach bày tỏ hy vọng Đức sẽ tiến hành các chuyến hoạt động định kỳ đến khu vực trong tương lai và cho biết Đức đang bàn với các đối tác, trong đó có Singapore, về việc thành lập một trung tâm hỗ trợ hậu cần không thường trực để hỗ trợ các hoạt động sau này; khẳng định mối quan tâm then chốt của Đức trong khu vực là duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.