Từ giữa tháng chạp, làng hoa Cái Mơn được nhuộm đỏ bởi muôn vàn mảnh vườn hoa giấy. Trong nắng mai, hàng vạn chậu hoa cùng khoe sắc, tỏa hương khiến bất kỳ ai cũng phải mẩn mê, chìm đắm.
Những ngày này, trên các con đường của huyện Chợ Lách (Bến Tre) đều xuất hiện các xe tải chở hoa kiểng chạy tấp nập. Hai bên đường, những chậu hoa giấy, hoa mào gà, cúc mâm xôi… đã được nông dân xếp thành những hàng dài để chờ được chở đi tiêu thụ.
Nghề trồng hoa trong vùng vốn bắt nguồn từ làng hoa Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách). Thế nhưng nay Cái Mơn dường như đã trở thành một chợ hoa tấp nập, còn cả một vùng rộng lớn với bán kính ước chừng 10 cây số xung quanh thì trở thành những vườn cung cấp hoa cho “khu chợ” này.
Những năm gần đây, do hạn mặn nên nhiều loài hoa trở nên khó trồng, chỉ có hoa giấy chống chịu tốt hơn cả nên hàng trăm hộ nông dân đã chuyển hẳn sang chuyên trồng hoa giấy. Xã Vĩnh Thành, xã Phú Sơn (Chợ Lách) và xã Phú Mỹ (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) được biết đến như là “vương quốc hoa giấy” của cả miền Tây.
Ông Nguyễn Văn Thịnh (58 tuổi, ngụ ấp Phú Bình, xã Phú Mỹ) cho biết năm nay gia đình ông có hơn 1000 chậu hoa giấy bán tết. Vì dịch bệnh, thương lái khu vực phía Bắc không vào mua được nên giá giảm đi khoảng 20% so với các năm trước, sau khi trừ chi phí thì ông còn lời chừng 170 triệu đồng.
“Ngày xưa thì hoa giấy chỉ có một màu đỏ thôi. Nhưng nay thì mọi người trồng nhiều loại, có cả những giống nhập ngoại. Những người có nghề có thể trồng được những cây hoa 5 màu sắc khác nhau thì bán rất được giá. Tùy từng loại, chậu nhỏ thì giá một hai trăm nghìn đồng, chậu lớn thì tiền triệu, có khi hàng chục triệu cũng có”, ông Thịnh chia sẻ.
Năm nay nhà bà Nguyễn Thị Mười (52 tuổi, ngụ ấp Lân Đông, xã Phú Sơn) xuất bán hơn 1000 chậu hoa giấy, thu lãi hơn 150 triệu đồng. Bà Mười cho biết một vụ hoa mới sẽ lại bắt đầu ngay khi những chậu hoa thành phẩm của vụ cũ được bê lên khỏi ruộng.
Người nông dân mua phôi hoa giống với giá khoảng 15 nghìn đồng đem dăm ở mặt ruộng. Chăm sóc chừng 8 tháng thì bắt đầu cho hoa lên chậu để tạo dáng. Khoảng đầu tháng 10 thì hoa giấy bắt đầu ra nụ, từ đây nhà vườn phải thật cẩn thận trong khâu chăm sóc để giữ hoa nở rộ đúng dịp tết.
Người dân ở xã Phú Sơn cho biết những năm gần đây nông dân cũng đăng hình cùng thông tin bán hoa trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội. Sau khi đã “chốt đơn” thì đơn vị vận chuyển sẽ đến tận vườn đóng gói và mang đi giao cho người mua, nông dân bán được nhiều hàng hơn nhưng lại nhàn hơn. Dù hoa giấy có thể bán quanh năm nhưng ai cũng muốn bán vào dịp tết, vừa dễ hơn lại vừa được giá.
Ông Huỳnh Thanh Tâm – Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất hoa giấy ấp Lân Đông cho biết dù dịch bệnh nhưng hầu như sản phẩm của các thành viên đều đã được bán gần hết. Thương lái đã đặt hàng từ cách đây một tháng nên bà con đều an tâm, phấn khởi.
Ngoài hoa giấy, những vườn hoa cúc mâm xôi, hoa mào gà trong vùng cũng đang tất bật đóng gói sản phẩm để xuất đi tiêu thụ. Khắp các nẻo đường đều được nhuộm thắm bởi sắc hoa. Nhìn từ trên cao, cả một vùng rộng lớn đã chuyển màu sặc sỡ.
Những hình ảnh rực rỡ sắc hoa ở “khu chợ” lớn nhất Cái Mơn, Bến Tre:
T.P