Tờ Wall Street Journal hôm thứ Bảy (15/1) đưa tin, Ấn Độ sẽ cung cấp cho Philippines hệ thống tên lửa hành trình chống hạm BrahMos. Một quan chức Ấn Độ cho biết hai nước dự kiến ký hợp đồng mua bán trong tháng này.
Tờ Diplomat trước đó đưa tin, mục đích của việc Philippiness mua BrahMos là hoàn toàn nhắm vào việc đối phó với Trung Quốc tại những khu vực trên Biển Đông mà hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.
Đây là lần đầu tiên Ấn Độ xuất khẩu tên lửa chống hạm BrahMos do liên doanh Ấn Độ – Nga sản xuất.
New Delhi và Manila đã có cuộc thương thuyết kéo dài 5 năm để đạt được thỏa thuận chuyển giao BrahMos.
Ấn Độ đang mở rộng quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và các đồng minh để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong khi đó, Philippines là một đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ.
Một quan chức Ấn Độ giấu tên nói rằng, tên lửa Brahmos mà Philippines mua có tầm bắn 290 km và tốc độ bay gần gấp ba lần tốc độ âm thanh.
Quan chức Ấn Độ này cho biết: “Brahmos sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Philippines mà không tạo ra bất kỳ sự mất cân bằng nào trên Biển Đông”. Ông cũng tiết lộ thêm rằng, ngoài Philippines, Ấn Độ hiện đang đàm phán với một số quốc gia Đông Nam Á khác về thỏa thuận chuyển giao BrahMos.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, trong một dòng trạng thái đăng trên Facebook vào thứ Sáu (14/1), cho biết, các tên lửa mua của Ấn Độ sẽ được trang bị chính cho Trung đoàn Phòng thủ Bờ biển của Hải quân Philippines.
Cựu Chuẩn Đô đốc Hải quân Philippines, Rommel Jude Ong, cho biết, lô tên lửa này được thiết kế để bao gồm nhiệm vụ chống lại Trung Quốc, quốc gia tranh chấp chủ quyền với Philippines ở Biển Đông.
Ông Rommel nói rằng Philippines đã xây dựng một kế hoạch để đối phó với chiến lược Biển Đông của Trung Quốc, với các tên lửa chống hạm được phân bố trên khắp các quần đảo của Philippines từ bắc xuống nam, bao trùm bờ biển phía tây hướng ra Biển Đông.
Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc đã xây dựng bảy đảo nhân tạo ở Biển Đông và đang nhanh chóng mở rộng các khả năng và hoạt động quân sự của mình nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của họ ở vùng biển này.
T.P