Wednesday, January 22, 2025
Trang chủQuân sựViệt Nam sẽ có loại vũ khí mới nhất của Nga

Việt Nam sẽ có loại vũ khí mới nhất của Nga

Công ty Xuất khẩu Vũ khí Nhà nước Nga Rosoboronexport vừa tiết lộ danh sách 5 hệ thống vũ khí chiến đấu được săn lùng nhiều nhất trên thị trường quân sự toàn cầu.

Hình ảnh phi công Việt Nam xuất hiện trong video giới thiệu mẫu máy bay quân sự mới của Nga tại MAKS-2021.

Theo ông Alexander Mikheev – Giám đốc điều hành Rosoboronexport, những mặt hàng này gồm có: Tiêm kích hạng nhẹ Checkmate (Su-75), máy bay không người lái trinh sát – tấn công Orion-E, súng phun lửa TOS-2 Tosochka, súng trường tấn công AK-19 Kalashnikov và hệ thống tên lửa phòng không Vityaz S-350E.

MÁY BAY CHIẾN ĐẤU SU-75 CHECKMATE

Su-75, biệt danh “Checkmate” (Chiếu Tướng), là dòng máy bay chiến đấu tàng hình một động cơ đang được Sukhoi phát triển để xuất khẩu và trang bị cho Không quân Nga.

Phiên bản mô phỏng tĩnh đầu tiên về chiếc máy bay mới nhất này đã được Nga công bố tại Triển lãm hàng không MAKS năm 2021 và một nguyên mẫu của Checkmate cũng đã được trưng bày tại Triển Lãm Hàng không Dubai vào tháng 11 cùng năm.

Su-75 Checkmate có thiết kế tiên tiến, kiến trúc mở và được tích hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo độc đáo. Máy bay có khoang vũ khí bên trong dành cho tên lửa không đối không và không đối đất.

Với tốc độ Mach 1,8 và bán kính chiến đấu 3 nghìn km, dòng tiêm kích phản lực này có thể tấn công 6 mục tiêu cùng một lúc. Theo kế hoạch phát triển, Checkmate sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023.

Một chi tiết đặc biệt thu hút sự chú ý trong video quảng bá Su-75 Checkmate tại Triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2021 là sự xuất hiện của các phi công đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ấn Độ, Việt Nam và Argentina, một dấu hiệu càng khẳng định rõ xu hướng xuất khẩu của nó.

Tại MAKS-2021, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật – Quân sự Liên bang Nga Dmitry Shugayev tiết lộ với Sputnik rằng khách hàng tiềm năng của Checkmate sẽ là các quốc gia đến từ Trung Đông, Bắc Phi và Đông Nam Á.

MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI ORION-E

Orion-E là dòng máy bay không người lái (UAV) có thời gian hoạt động trên không lâu (MALE), ở trần bay trung bình. Do Công ty Kronshtadt chế tạo, Orion-E có thể mang 4 tên lửa không đối đất và đạt tốc độ 200 km/h.

Độ cao hoạt động tối đa của UAV này là 7,5 km và Orion-E có thể bay liên tục trong một ngày. Kronshtadt đang có kế hoạch trang bị tính năng tác chiến điện tử cho Orion.

Ngày 18/12/2021, Bộ Quốc phòng Nga đã trình diễn khả năng chống máy bay trực thăng không người lái của Orion khi cho nó cất cánh và phóng đi một tên lửa Kornet để tiêu diệt mục tiêu.

Phiên bản xuất khẩu của dòng máy bay không người lái này được gọi là Orion-E, tùy chọn của Nga là Inokhodets.

SÚNG PHUN LỬA HẠNG NẶNG TOS-2

TOS-2 là hệ thống súng phun lửa hạng nặng thế hệ mới dựa trên khung gầm xe tải Ural 6×6, được công bố vào năm 2020 tại buổi duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng. Các phiên bản trước của hệ thống được phát triển dựa trên khung gầm bánh xích là TOS-1 và TOS-1A.

Hệ thống phun lửa này sử dụng tên lửa được trang bị đầu đạn cháy và đạn nhiệt áp có thể tiêu diệt quân địch hoạt động trong các thành phố, boongke và đường hầm.

TOS-2 có ít đường dẫn phóng hơn (chỉ còn 18 so với 24 của TOS-1A). Theo Rostec, điều này sẽ được bù đắp bằng sự gia tăng sức mạnh và tầm bắn của đạn pháo. TOS-2 cũng có thể sử dụng các loại đạn từ hệ thống TOS-1 và TOS-1A vì có cùng cỡ nòng 220 mm.

Không giống như những phiên bản tiền nhiệm, TOS-2 được trang bị thiết bị nâng riêng nên không cần tới một phương tiện chuyên chở hỗ trợ. Hoạt động tiếp đạn cho TOS-2 diễn ra nhanh chóng, trên bất kỳ phương tiện nào và sẽ do đội của phương tiện đó cung cấp.

Ngoài ra, TOS-2 cũng được trang bị thiết bị dẫn đường hiện đại, gồm máy đo xa laser, thiết bị định vị vệ tinh, máy đo tốc độ và đo quán tính. Hệ thống có thể khai hỏa từ các vị trí chiến đấu không chuẩn bị trước, và việc nhắm, bắn và điều khiển hỏa lực được tự động hóa.

SÚNG TRƯỜNG TẤN CÔNG AK-19

AK-19 là súng trường tấn công tương đương với mẫu sử dụng đạn 5,56 × 45mm của NATO. Công ty Kalashnikov Concern thiết kế AK-19 dành cho mục đích xuất khẩu. AK-19 được phát triển từ súng trường AK-12 đã được Quân đội Nga chấp nhận đưa vào trang bị năm 2018.

“Đạn 5,56х45 mm là loại đạn phổ biến nhất trên thế giới. Việc sử dụng được loại đạn này cho phép chúng tôi tiếp cận hàng trăm thị trường đã và đang dùng súng trường của NATO”, ông Vladimir Onokoy, phát ngôn viên của Kalashnikov cho biết.

Các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của AK-12 và AK-19 không quá khác xa nhau. Cả hai đều có tầm bắn hiệu quả từ 250m – 300m. AK-19 có chiều dài 415 mm và trọng lượng là 3,3kg.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là cỡ đạn mà chúng sử dụng. AK-19 có thể sử dụng loại đạn tiêu chuẩn 5,56х45 mm của NATO. Ngoài ra, do được sản xuất hướng tới thị trường nước ngoài nên AK-19 trang bị báng súng có thể gập gọn và nhẹ hơn nhiều so với AK-12.

HỆ THỐNG TÊN LỬA PHÒNG KHÔNG S-350 VITYAZ

S-350 Vityaz 50R6 là hệ thống phòng thủ đất đối không di động mới do Công ty Quốc phòng Almaz-Antey của Nga thiết kế và sản xuất. Dự án phát triển Vityaz khởi động từ đầu những năm 1990 với một loạt hệ thống thành công trong việc tấn công các loại mục tiêu khác nhau. Hệ thống được công bố vào năm 1998.

S-350 Vityaz được thiết kế để bảo vệ các cơ sở hạ tầng dân – quân sự quan trọng trước các cuộc tấn công đường không. Hệ thống trang bị nhiều tên lửa dẫn đường hơn và có hỏa lực mạnh hơn nhờ các đầu đạn dẫn đường chủ động.

Vũ khí dành cho S-350 Vityaz 50R6 là tên lửa dẫn đường 9M96, ban đầu được thiết kế cho hệ thống S-400. Tên lửa này có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu trên không và tên lửa đạn đạo với tầm bắn từ 1,5 đến 120 km, ở độ cao từ 10 đến 30.000 m.

Tổ hợp ống phóng của S-350 Vityaz có thể hoạt động ở chế độ tự động hoàn toàn. Hệ thống phòng không này có thể tiêu diệt đồng thời 16 mục tiêu khí động học và tối đa 12 tên lửa đạn đạo. Tổ hợp có thể được triển khai trong vòng chưa đầy 5 phút.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới