Mỹ từng là tác nhân giúp cho Trung Quốc từ một nước có nền kinh tế yếu kém, lạc hậu trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc từ chỗ buộc phải ve vãn Mỹ để được Mỹ ủng hộ, mở đường cho các nước tư bản đầu tư vào Trung Quốc, cho đến nay đã có thể có thái độ trịch thượng sẵn sàng đối đầu với Mỹ trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và cả quân sự.
Trung Quốc biết rằng Mỹ có nhiều đồng minh ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines nhưng sẵn sàng tuyên bố chủ quyền phi lý ở khu vực này. Còn Mỹ, dù biết rõ những tuyên bố và hành động phi lý của Trung Quốc nhưng trong nhiều năm đã phải làm ngơ. Trước thái độ của Mỹ, có đồng minh đã phải cầu thân với Trung Quốc.
Sau khi đánh chiếm hàng loạt các đảo trên Biển Đông, tuyên bố chủ quyền ở đảo Điếu Ngư do Nhật Bản đang quản lý, Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông. Khi tòa trọng tài Quốc tế phủ nhận tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ không tỏ thái độ gì ủng hộ tuyên bố đó. Nhưng rồi, trước nguy cơ bị Trung Quốc khống chế con đường hàng hải quan trọng bậc nhất trên Thái Bình Dương và các đồng minh có thái độ quay sang thân cận với Trung Quốc thì Mỹ mới tỉnh ngộ.
Một tài liệu của Mỹ được nghiên cứu từ năm 2014, báo cáo số 150 về các ranh giới biển đã bác bỏ cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng đã không được công bố.
Mãi đến ngày 21 tháng 1 năm 2022 Cục Đại Dương, Môi trường Quốc tế và các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ mới công bố tài liệu này. Nội dung tài liệu khẳng định Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền phi pháp hoặc một số hình thức “thẩm quyền riêng” đối với hầu hết Biển Đông. Đồng thời Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc “ngừng các hoạt động trái pháp luật và cưỡng chế trên Biển Đông”. Dựa vào công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), báo cáo nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ phản bác 4 phương diện trong các “tuyên bố hàng hải” của Trung Quốc trên vùng biển gồm: Tuyên bố chủ quyền trên thực thể biển, đường cơ sở, các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng cận lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), cùng khái niệm “quyền lịch sử”.
Đây là báo cáo đầu tiên của Mỹ cung cấp các bằng chứng rõ ràng về địa lý lẫn địa chất học đối với những thực thể trên Biển Đông. Báo cáo còn đưa ra các bản đồ minh họa và số liệu chi tiết, khoa học. Đây cũng là cách Mỹ tung đòn phản bác vào các lập luận pháp lý của Trung Quốc về Biển Đông. Báo cáo này đã thể hiện: Mỹ sẽ không dễ dàng chấp nhận Trung Quốc muốn thay đổi trật tự trên biển theo cách Bắc Kinh muốn.
H.L