Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ - “Kẻ cắp già mồm”

TQ – “Kẻ cắp già mồm”

Thành ngữ “Kẻ cắp già mồm” ví hành động của kẻ làm điều xằng bậy, nhưng lại kêu la ầm ĩ như chính mình là nạn nhân hòng che đậy tội lỗi, trốn tránh trách nhiệm. Thành ngữ này, thêm một lần nữa, thật đúng với Trung Quốc sau hành vi vu khống của họ đối với Việt Nam vừa qua.

Dân quân biển Trung Quốc – mối hiểm họa trên Biển Đông

Hành vi mới đó là gì? Là việc tờ China Daily – một tờ báo Trung Quốc – vừa có bài bình luận cho rằng, Việt Nam đã và đang trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân biển và lực lượng dân quân của Việt Nam tham gia vào các cuộc đối đầu trên biển, gây mất ổn định và an toàn trên Biển Đông.

Tại cuộc họp báo quốc tế báo thường kỳ chiều 20-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, đã khẳng định trước báo giới: Những thông China Daily đưa ra là không đúng sự thật, Việt Nam hoàn toàn bác bỏ.

Cái sự dằn giọng hiếm thấy ở bà Lê Thu Hằng không chỉ thể hiện sự phẫn nộ của giới chức, mà còn là phẫn nộ của dư luận Việt Nam nói chung.

Cùng với lời bác bỏ đanh thép trên, bà Lê Thu Hằng, khẳng định: Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ. Hoạt động của các lực lượng chức năng Việt Nam tuyệt đối tuân theo pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982)…Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, an ninh, an toàn, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bà Lê Thu Hằng không cần nhiều lời tới thế, dư luận, cộng đồng quốc tế cũng biết, trong khu vực ASEAN cũng như các quốc gia liên quan tranh chấp trên Biển Đông, hơn nước nào hết, Việt Nam là quốc gia mưu cầu ổn định và khát vọng về hòa bình nhất.

Thêm vào đó, người Việt Nam còn thấm thía rằng, thời đại ngày nay, hòa bình, ổn định luôn là điều kiện sống còn để xây dựng, phát triển đất nước, đưa dải đất hình chữ S này vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Vậy nên, trong đường lối đối ngoại, quan điểm đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, là điều Việt Nam luôn đề cao và tuân thủ. Quan điểm đó cũng giúp Việt Nam, một mặt kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng; mặt khác luôn biết kiềm chế trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc, điển hình là sự kiện Giàn khoan Hải Dương 981 (tháng 5 – 2014) và sự kiện Bãi Tư Chính (giữa năm 2019).

Thế nên, việc vu khống Việt Nam “trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân biển và lực lượng dân quân của Việt Nam tham gia vào các cuộc đối đầu trên biển gây mất ổn định và an toàn trên Biển Đông” – như thông tin China Daily vừa tung ra, liệu có thể lừa được ai? Hơn thế nữa, luận điệu đó còn như một sự nhạo báng sự thật.

Nhạo báng sự thật bởi, ai cũng biết, từ nhiều năm nay, chính Trung Quốc mới là quốc gia theo đuổi chiến thuật “vùng xám” (grey zone).

“Chiến thuật vùng xám” – được hiểu là giải pháp thâm và nguy hiểm mà các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp. Cái thâm hiểm của nó, là gây sự, nhưng giữ dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự, tránh bị dư luận lên án.

Nói cách khác, đây là cách để “lách luật” nham hiểm.

Hiện thực hóa chiến thuật này, từ cách đây hơn 60 năm, Trung Quốc triệt để sử dụng lực lượng dân quân biển hay các tàu dân quân biển như các “hạm đội vũ trang” nhằm tranh giành và hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” nuốt tới hơn 90% vùng biển và các thực thể địa lý ở Biển Đông. Các chuyên gia biển quốc tế từng bóc trần một sự kiện: năm 1985, Trung Quốc đã thành lập lực lượng dân quân biển ở thị trấn Tân Môn, tỉnh Hải Nam, để tham gia chiến dịch đánh chiếm các bãi cạn ở phía Tây quần đảo Trường Sa năm 1988 và bãi cạn Scarborough năm 2012, với khẩu hiệu “Phát triển Trường Sa, đánh bắt cá đi đầu”…

Những năm gần đây, dân quân biển Trung Quốc thực sự trở thành lực lượng tiên phong “Nam tiến” Biển Đông; có những hoạt động ngang ngược, gây sự với các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia; thành nỗi đe dọa thường trực của ngư dân các nước này ngay trong các ngư trường truyền thống của họ. Sự kiện gần đây nhất, tháng 3 năm 2021, có tới 200 tàu vỏ sắt neo đậu tại bãi Ba Đầu – rạn san hô có hình chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cho dù Trung Quốc chối bai bải, cho rằng đây chỉ là “tàu cá” đang “neo đậu tránh thời tiết xấu” (?), nhưng Philippines, Việt Nam cùng nhiều cơ quan nghiên cứu quốc tế khác, đã nêu các bằng chứng khẳng định, đây chính là lực lượng “dân quân biển” trá hình tàu cá của Trung Quốc.

Số lượng cái gọi là “tàu cá” Trung Quốc nhiều một cách bất thường thời điểm đó đã khiến dư luận hết sức lo ngại. Ngày 29-3 – 2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng “Mỹ luôn sẵn sàng sát cánh cùng các đồng minh ở châu Á để bảo vệ trật tự khu vực dựa trên luật pháp”.

Một nhà nghiên cứu khác, TS Collin Kon Swee Lean, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), thì khẳng định: “Trung Quốc rõ ràng đang nỗ lực tăng cường năng lực của lực lượng dân quân biển, đặc biệt khả năng đánh bắt cá và chiến đấu song song. Có khả năng đội tàu được triển khai ở đá Ba Đầu là nhằm thử phản ứng của các nước trong khu vực cũng như Mỹ cho kịch bản Trung Quốc điều lượng lớn tàu chiến ra thực địa.”

Còn có thể nêu thêm nhiều bằng chứng nữa. Tuy nhiên, những thí dụ trên, hẳn cũng là đã đủ để dư luận và cộng đồng quốc tế thấy rõ thêm sự lộng hành, tác oai, tác quái của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông.

Thế nên, với việc tung ra luận điệu xuyên tạc sự thật vừa qua trên tờ China Daily, Trung Quốc hiện nguyên hình là “Kẻ cắp già mồm” – như lối ví von trong một thành ngữ của Việt Nam vậy !

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới