Chính phủ Mỹ ngày 24.1 đã làm rõ lý do nước này công bố báo cáo mới nhất đề cập chi tiết và bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong một cuộc họp báo ngày 24.1, các quan chức Mỹ đã nói về lý do công bố báo cáo mới nhất và thảo luận về chính sách của Mỹ liên quan đến các yêu sách ở Biển Đông.
Phát biểu trong họp báo, bà Constance Arvis, Phó trợ lý Ngoại trưởng về Đại dương, Môi trường và Các vấn đề Khoa học nói báo cáo là cơ sở để các bên phản đối yêu sách của Trung Quốc. “Nghiên cứu này là cơ sở rất quan trọng mà bạn bè và đồng minh có thể rút ra để phản đối các yêu sách. Chúng tôi hy vọng rằng đây là một phần trong nỗ lực không ngừng của các quốc gia theo thông lệ quốc tế nhằm đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của chính phủ Trung Quốc”.
Bà Arvis cũng nói thêm rằng ngoài 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), báo cáo cũng giúp các nước khác có thể công khai chỉ trích Bắc Kinh vì không tuân theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài.
“Chúng tôi chắc chắn không chấp nhận chuyện đã rồi”, bà Arvis nói thêm về các yêu sách Bắc Kinh đưa ra và những hoạt động xây dựng, cải tạo đảo đá để hỗ trợ các yêu sách đó.
Trong cùng cuộc họp báo, Trợ lý cố vấn pháp lý Robert Harris thuộc Văn phòng Cố vấn Pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói về sự ra đời của báo cáo mới nhất.
“Sau vụ kiện Philippines – Trung Quốc năm 2016, Trung Quốc đã tái khẳng định các yêu sách biển trên Biển Đông, làm rõ việc nước này có yêu sách về quyền lịch sử và đưa ra lý thuyết ‘mới lạ’ rằng các nước có thể vẽ đường cơ sở quanh các nhóm đảo ở Biển Đông”, ông Harris phát biểu.
“Vì Trung Quốc đã tái khẳng định các yêu sách đó, phân tích năm 2014 của chúng tôi không còn hoàn chỉnh. Do đó, chúng tôi đã cố gắng hiểu rõ nhất có thể yêu sách mới của Trung Quốc và đánh giá yêu sách đó để phục vụ cho luật pháp quốc tế”, ông Harris nói về tiền thân của báo cáo mới nhất.
Ngày 12.1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo mới nhất trong loạt báo cáo có tiêu đề Ranh giới trên biển.
Báo cáo xem xét các phản ứng của Bắc Kinh đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài và khẳng định hầu hết yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp. Ấn bản trước đó được công bố vào năm 2014.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, qua việc công bố nghiên cứu mới nhất, Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân theo luật pháp quốc tế, ngừng các hoạt động ép buộc và phi pháp ở Biển Đông.