Một kỹ thuật viên trẻ người Trung Quốc từng tham gia chế tạo vũ khí siêu thanh DF-17 đã đào tẩu sang phương Tây, khiến giới chức nước này sửng sốt.
Theo Eurasian Times, bất chấp việc Bắc Kinh cảnh báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc những công dân đào tẩu sang các nước khác hoặc tiết lộ bí mật quốc gia, thực tế là vẫn có nhiều người Trung Quốc đã tìm cách sang phương Tây mang theo những thông tin nhạy cảm.
Trong vụ việc mới nhất và khiến Bắc Kinh sửng sốt, một kỹ thuật viên, được cho là ở độ tuổi 30, tham gia chế tạo vũ khí siêu thanh DF-17, đã đào tẩu sang phương Tây, cung cấp những thông tin tối mật về một trong những vũ khí siêu thanh tiên tiến nhất của Bắc Kinh.
Cơ quan gián điệp MI6 của Anh bị cáo buộc đã giúp nhà khoa học cấp cao trên đào tẩu sang phương Tây, các nguồn tin tình báo tiết lộ với báo Express của Anh.
Người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc trên được cho là từng làm việc với Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC). Tại đây, công việc của anh ta là giúp phát triển một phương tiện bay tăng cường tầm trung có khả năng mang tên lửa DF-17 ở tầm bắn lên tới 3.000 km.
Các nguồn tin tiết lộ người này cũng có liên quan đến công việc về hệ thống phân phối tên lửa siêu thanh gần đây, vốn đã gây xôn xao dư luận sau khi nó có thể bay vòng quanh địa cầu và bắn trúng mục tiêu.
Lý do nhà khoa học Trung Quốc trên trốn sang phương Tây được cho là do không được thăng chức. Sau đó, anh ta liên lạc với một cơ quan tình báo của Anh tại Hong Kong vào năm 2021 và tiết lộ sở hữu thông tin chuyên sâu về phương tiện tên lửa siêu thanh của Trung Quốc.
Nhờ nguồn tin này, Anh và Mỹ đẩy nhanh các chương trình phòng thủ chống lại việc sử dụng tên lửa siêu thanh của Trung Quốc. Các nguồn tin nói với rằng, Trung Quốc có thể mất tới 2 năm để điều chỉnh các hệ thống của nước này và “khiến thông tin tình báo này không hiệu quả”.
Những vụ việc đào tẩu ầm ĩ nhất
Luật bí mật nhà nước của Trung Quốc rất nghiêm ngặt. Có nhiều hình phạt nếu một công dân bị kết tội làm rò rỉ thông tin tối mật, nhạy cảm như vậy, trong đó có cả bản án chung thân hoặc tử hình.
Ví dụ, vào năm 2016, một kỹ thuật viên máy tính người Trung Quốc tên Huang Yu đã bị kết án tử hình vì tội làm rò rỉ hơn 150.000 tài liệu mật cho một thế lực nước ngoài giấu tên.
Huang làm việc cho một bộ của chính phủ có liên quan đến việc xử lý bí mật nhà nước. Các tài liệu mà anh ta bị cáo buộc cung cấp cho thế lực nước ngoài gồm các chủ đề khác nhau, từ các vấn đề quân sự và tài chính trong nước cho đến các chi tiết về chính phủ Trung Quốc.
Đã có một vài trường hợp đào tẩu ra nước ngoài và chuyển thành công thông tin cho các thế lực nước ngoài, đặc biệt là các chính phủ phương Tây. Vào tháng 2/2016 xảy ra vụ việc gây chấn động Trung Quốc liên quan đến ông Lệnh Hoàn Thành, một kẻ đào tẩu được cho là nắm giữ “tử huyệt” khiến Trung Quốc rất lo ngại.
Ông Lệnh Hoàn Thành là em trai của ông Lệnh Kế Hoạch – cựu chánh văn phòng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ông Lệnh Kế Hoạch được xem là cánh tay phải đắc lực của ông Hồ Cẩm Đào lúc đó.
Lệnh Hoàn Thành được coi là kẻ đào tẩu gây ra nhiều điều tồi tệ nhất lịch sử Trung Quốc bởi nhiều thông tin mật được cho là đã bị tuồn sang Mỹ, thậm chí là tài liệu vũ khí hạt nhân tối mật của Bắc Kinh và cả cuộc sống cá nhân của các quan chức cấp cao Trung Quốc.
T.P