Friday, November 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhìn lại năm vượt khó của các 'quả đấm thép'

Nhìn lại năm vượt khó của các ‘quả đấm thép’

Trong bức tranh ảm đạm chung của toàn nền kinh tế, một số “quả đấm thép” trực thuộc CMSC đã có màn trình diễn khá tươi sáng trong năm 2021.

Vượt 70% kế hoạch lợi nhuận được giao

2021 tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng sự xuất hiện của các biến thể mới đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, nhiều thị trường bị thu hẹp khiến doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh và không ít doanh nghiệp thua lỗ lớn, bị bào mòn vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên trong bức tranh ảm đạm đó vẫn tồn tại những gam màu tươi sáng, tiêu biểu trong đó là kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), giúp phần nào xua tan bầu không khí căng thẳng và u ám của nền kinh tế thời dịch bệnh.

Theo báo cáo của CMSC, kết thúc năm “Covid thứ hai”, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty bám rất sát kế hoạch đề ra, ước đạt 821.295 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với năm 2020; tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.179 tỷ đồng, mặc dù giảm 7% so với cùng kỳ, song vượt tới 70% kế hoạch giao cả năm. Nhờ đó, tổng nộp ngân sách đạt mức cao với 62.443 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2020 và vượt 27% kế hoạch đề ra.

Trong đó, 13/19 doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14/19 doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14/19 doanh nghiệp hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách; 5 doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020; 4 doanh nghiệp nộp ngân sách cao so với kế hoạch và so với năm 2020.

Đặc biệt, một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt lợi nhuận vượt trội so với những năm trước, đó là Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.726 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.160 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 40.698 tỷ đồng, vượt 138% kế hoạch năm và tăng 105% so với cùng kỳ); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 2.869 tỷ đồng, vượt 204% so với kế hoạch năm và tăng 474% so với cùng kỳ)…

Chỉ có 5 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm, đa phần hoạt động trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ đại dịch, đó là Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Ngược lại, trong số 14 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách, có đến 4 “ông lớn” có mức đóng góp vượt trội trong năm 2021, tiêu biểu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước nộp ngân sách hợp nhất 102.800 tỷ đồng, vượt 65% kế hoạch và tăng 24% so với năm 2020; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, nộp ngân sách hợp nhất ước đạt 18.454 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch, xấp xỉ mức thực hiện năm 2020;

Theo sau là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nộp ngân sách hợp nhất ước đạt 5.408 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch, trong đó nộp ngân sách công ty mẹ ước đạt 4.115 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch được giao; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nộp ngân sách công ty mẹ ước đạt 9.452 tỷ đồng, vượt 186% kế hoạch và tăng 17% so với năm 2020.

Trong năm 2021, các tập đoàn, tổng công ty cũng đã tích cực triển khai các dự án đầu tư theo kế hoạch. Một số tập đoàn, tổng công ty có giá trị đầu tư thực hiện khá lớn, bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước đạt 18.194 tỷ đồng (90% kế hoạch), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam ước đạt 5.095 tỷ đồng (97% kế hoạch), Tổng công ty Viễn thông MobiFone ước đạt 6.245 tỷ đồng (80% kế hoạch)… Trong đó, nổi bật là triển khai một số dự án trọng điểm về năng lượng (các dự án nhà máy: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I); một số dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không (Long Thành, nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Cát Bi, mở rộng sân bay Điện Biên).

Giám sát chặt chẽ hiệu quả vốn nhà nước

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của CMSC và 19 tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận những nỗ lực và thành tích của CMSC trong suốt thời gian qua, mặc dù là đơn vị còn tương đối non trẻ, mới đi vào hoạt động được 3 năm nhưng CMSC đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày càng chuyên nghiệp, trưởng thành. Theo Phó Thủ tướng, CMSC và các doanh nghiệp trực thuộc đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần quan trọng trong đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, là cơ quan thường trực ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, CMSC đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp xử lý phù hợp đối với 5/12 dự án, doanh nghiệp và đưa ra khỏi danh sách Ban Chỉ đạo theo dõi, xử lý. CMSC cũng đã tích cực triển khai sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua. Cùng với các doanh nghiệp trực thuộc, đơn vị cũng năng nổ triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Bước sang năm 2022, Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh cho biết phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của CMSC là tích cực thực hiện và đóng góp hiệu quả vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Thêm vào đó, thúc đẩy, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc thông qua đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; triển khai hoạt động đầu tư, giải ngân vốn đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng, gắn với giám sát đầu tư chống thất thoát, dàn trải, lãng phí.

Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong quá trình xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; tiếp tục xử lý kết quả các “đại dự án” đang tồn đọng và xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, sắp xếp lại các đơn vị thuộc tập đoàn, tổng công ty được đặc biệt chú trọng.

Cuối cùng là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giám sát chặt chẽ hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới