Wednesday, January 22, 2025
Trang chủĐàm luậnBắc Kinh lại "lên cơn điên" vì quan hệ Mỹ-Đài

Bắc Kinh lại “lên cơn điên” vì quan hệ Mỹ-Đài

Ngày 28/1, “Phó Tổng thống Đài Loan” Lại Thanh Đức đã có cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong nửa giờ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã phản ứng quyết liệt.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) gặp ông Lại Thanh Đức, cấp phó của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại lễ nhậm chức của Tổng thống Honduras hôm 27/1

Theo Tân Hoa Xã, ngày 30/1, tại cuộc họp báo thường kỳ tổ chức tại Bắc Kinh, ông Triệu Lập Kiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi trả lời câu hỏi của một phóng viên đã tuyên bố: Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan, đã nghiêm khắc giao thiệp với phía Mỹ về cuộc họp trực tuyến giữa ông Lại Thanh Đức và các thành viên của Quốc hội Mỹ trong thời gian ông ta quá cảnh Mỹ.

Theo thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc họp báo chiều 30/1, một phóng viên nêu câu hỏi: “Ngày 28/1, Lại Thanh Đức (Lai Ching-de), người được gọi là ‘Phó Tổng thống’ của Đài Loan đã gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi qua cầu truyền hình trong chuyến “quá cảnh” Mỹ của ông ta ở San Francisco. Phía Trung Quốc có bình luận gì về sự kiện này?”.

Ông Triệu Lập Kiên trả lời: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan và đã nghiêm khắc giao thiệp với Mỹ về cuộc họp trực tuyến của Lại Thanh Đức với các thành viên Quốc hội Mỹ trong thời gian ông ta ‘quá cảnh’ Mỹ. Chúng tôi thúc giục phía Mỹ cần tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và quy định của ba bản thông cáo chung Trung-Mỹ, ngay lập tức ngừng các hành động sai trái trong việc trao đổi chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, không gửi bất kỳ tín hiệu sai trái nào tới thế lực ly khai ‘Đài Loan độc lập’ , để tránh làm tổn hại thêm quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.

Ông Lại Thanh Đức, người trúng cử cùng bà Thái Anh Văn trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, đã đến thăm Honduras, một quốc gia ở Trung Mỹ và tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Xiomara Castro hôm 27/1. Trên đường quay trở về Đài Loan, ngày 28 tháng 1, ông Lại Thanh Đức đã quá cảnh qua San Francisco và có cuộc họp qua truyền hình kéo dài nửa giờ với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.

Đây là lần thứ hai trong hai ngày liên tiếp ông Lại Thanh Đức đã gặp gỡ hai nhà lãnh đạo chính trị quan trọng của Mỹ, người ông gặp trước đó là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Giới quan sát cho rằng sự thay đổi này chắc chắn sẽ kích động khiến Bắc Kinh tức giận và làm căng thẳng thêm quan hệ Mỹ – Trung.

Truyền thông Mỹ đưa tin, ông Lại Thanh Đức, người vừa kết thúc chuyến thăm đến quốc gia Trung Mỹ Honduras, đã đến San Francisco lúc 3 giờ chiều Thứ Sáu, 28/1. Hãng thông tấn trung ương Đài Loan CNA đưa tin, cuộc gặp qua truyền hình giữa ông Lại Thanh Đức và bà Pelosi kéo dài khoảng nửa giờ. CNA dẫn lời bà Tiêu Mỹ Cầm, Trưởng đại diện của Đài Loan tại Mỹ, nói rằng bầu không khí của cuộc hội đàm là “vô cùng thân thiện” và “khá thoải mái” và “cảm giác như hai người bạn cũ gặp lại nhau.”

Bà Tiêu Mỹ Cầm nói rằng trọng tâm của cuộc trò chuyện giữa hai bên liên quan đến an ninh, kinh tế và các giá trị chung. Bà Pelosi bày tỏ ủng hộ đối với việc Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới. Bà rất ca ngợi những biểu hiện của Đài Loan trong thời gian chống đại dịch COVID-19.

Trước đó, hôm thứ Năm (27/1), ông Lại Thanh Đức đã có cuộc trò chuyện ngắn với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, người cũng có mặt dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Honduras Xiomara Castro, thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên có cuộc gặp nhau giữa hai nhà lãnh đạo cấp phó của người đứng đầu chính quyền hai bên.

Trung Quốc ngay lập tức bày tỏ “cực kì quan ngại” về cuộc gặp giữa Lại Thanh Đức và Phó Tổng thống Harris. Bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), phát ngôn viên của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra tuyên bố nhắc nhở Mỹ không gửi tín hiệu sai trái tới các thế lực đòi Đài Loan độc lập.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Harris không có kế hoạch gặp người đồng cấp Đài Loan trong chuyến thăm Honduras. Trưa ngày 27/1, ông Lại Thanh Đức và bà Harris “chỉ tình cờ gặp nhau” tại lễ nhậm chức của bà Xiomara Castro và trò chuyện ngắn “trong vài chục giây”. Theo hãng tin Anh Reuters, Kamala Harris cho biết bà và ông Lại Thanh Đức đã nói về lợi ích chung của Mỹ và Đài Loan ở Trung Mỹ, đồng thời đề cập đến chiến lược của Mỹ nhằm giải quyết cơ bản tình trạng nhập cư bất hợp pháp, nhưng hai người không nói đến Trung Quốc (!).

Kể từ khi bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) nhậm chức “Tổng thống” nhiệm kì đầu vào năm 2016 đến nay, Đài Loan đã liên tiếp mất đi tám quan hệ ngoại giao với các nước, bao gồm Sao Tome và Principe, Panama, Dominica, Burkina Faso, El Salvador, Quần đảo Solomon, Kiribati và Nicaragua.

Chuyến thăm của ông Lại Thanh Đức tới Honduras được coi là một nỗ lực mới của Đài Loan nhằm củng cố quan hệ với các nước có quan hệ ngoại giao. Hiện nay, Đài Loan chỉ còn có quan hệ ngoại giao chính thức với 14 nước. Với việc căng thẳng giữa hai bên eo biển ngày càng gia tăng, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực để lôi kéo, giành giật các nước có quan hệ ngoại giao với của Đài Loan. Vào cuối năm ngoái, Nicaragua, một quốc gia Trung Mỹ, dưới ảnh hưởng của chính sách ngoại giao tiền tệ của Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tồi tệ là mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan đã ngày càng gần gũi trong một, hai năm qua. Các phái đoàn nghị sĩ Quốc hội và các quan chức cấp cao Mỹ bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Bộ trưởng Y tế và một số cựu quan chức đã nghỉ hưu đã liên tiếp đến thăm Đài Loan, khiến Trung Quốc cảm thấy lo lắng bất an.

Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và không cho phép bất kỳ quốc gia nào có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc được phát triển quan hệ chính thức với Đài Loan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phê phán cách làm của Mỹ đã động chạm đến cơ sở chính trị của quan hệ Trung Quốc – Mỹ. Đáp lại, chính quyền Trung Quốc đã lên giọng trong việc tuyên bố về khả năng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực và và liên tục gây áp lực quân sự lên Đài Loan. Các máy bay quân sự của quân đội Trung Quốc liên tiếp bay vượt qua đường phân giới eo biển Đài Loan, áp sát và bay vòng quanh không phận Đài Loan.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới