Wednesday, January 22, 2025
Trang chủNước Việt đẹpChợ Việt xưa và nay: Chợ người Việt ở châu Âu

Chợ Việt xưa và nay: Chợ người Việt ở châu Âu

Người Việt từ bao đời nay coi chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa đơn thuần mà còn là nơi lưu giữ nét đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc.

Sử sách ghi lại từ thời nhà Lý đã có các hoạt động sản xuất thủ công và thương mại. Nhiều chợ được hình thành và buôn bán sầm uất như chợ Tây Nhai (chợ Ngọc Hà ngày nay), chợ Đông (khu vực Hàng Đường, Hàng Buồm hiện nay). Hai chợ này là nơi trao đổi giữa thành và thị. Qua các hiện vật được khai quật như đồ gốm sứ, đồng, sắt, có thể khẳng định các nghề dệt, nhuộm, vàng bạc, đúc đồng, rèn sắt… trao đổi, buôn bán đã phát triển.

Thời Trần (năm 1225 -1400), chính sử cho thấy cảnh tụ họp, buôn bán ở Vân Đồn (Quảng Ninh ngày nay) cũng rất sầm uất. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép sự kiện mùa đông năm 1360, thuyền buôn của các nước Lộ Hạc (có thể là nước La Hộc được thư tịch đời Nguyên nhắc đến, tức quốc gia Lavo ở Lopburi, Thái Lan), Trà Nha (Trà Oa, chỗ khác viết là Trảo Oa, tức nước Java, Indonesia ngày nay), Xiêm La (vương quốc Sukhuthai hình thành vào thế kỷ XIII ở Thái Lan) đến Vân Đồn buôn bán, dâng các vật lạ.

Khi tướng Trần Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, sử viết rằng tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc. Cho nên quần áo, đồ dùng đều theo tục người Bắc, nên Trần Khánh Dư đã dùng lệnh bắt đội nói Ma Lôi để kinh doanh riêng, khiến một người khách phương Bắc phải viết câu thơ: “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh) là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư mà thực chất là châm biếm ngầm. Trong “Toàn thư”, sử gia chê Khánh Dư tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Trần Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi.

Thời Trần có Vân Đồn, sang thời Lê, Phố Hiến, Đông Kinh (phần bên ngoài cung điện nhà vua) đều là những khu chợ khổng lồ. Để mô tả cảnh đông đúc, giao thương nhộn nhịp, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã gây bất ngờ lớn khi ước định về dân số Đông Kinh: “Người ta thấy rất đông dân chúng đi đi lại lại rảo khắp phố phường đụng chạm nhau… thành thử mất rất nhiều thì giờ mà chỉ tiến được chút ít”. Một người phương Tây khác, nhà thám hiểm người Anh William Dampier ước đoán rằng “Kẻ Chợ có vào khoảng 20.000 nóc nhà”.

Thời Lê sơ (năm 1428 – 1527) luật pháp đã có những định chế chặt chẽ cho cả người trông coi quản lý chợ, người buôn bán ở chợ và người đến chợ mua hàng hóa. Quốc triều hình luật, bộ luật chính thống của nhà Lê đã quy định rõ: Những người coi chợ mà sách nhiễu tiền lều chợ thì bị đánh 50 roi, biếm 1 tư (tức hạ 1 bậc phẩm cách). Nếu thu thuế chợ vượt quá quy định thì biếm 2 tư, mất chức coi chợ, ngoài ra còn bị phạt tiền để bồi thường cho hộ kinh doanh.

Ngược lại, thương nhân buôn bán trong chợ nếu làm ăn gian dối sử dụng cân, thước, thăng, đấu không đúng tiêu chuẩn của nhà nước để tư lợi sẽ bị xử tội đồ, tức bị bắt giam làm việc khổ sai. Người đến chợ mua hàng hóa cũng phải tuân thủ các quy định của nhà nước và thị trường.

Năm 1484, vua Lê Thánh Tông nhận thấy quan lại các địa phương thường cậy thế ức hiếp mua rẻ hoặc cưỡng đoạt hàng hóa của dân, vì vậy đã ban hành sắc chỉ rằng: Các nhà cường hào từ nay sắm sửa mua bán ở chợ dân gian, hàng hóa lớn nhỏ đều phải tuân theo thời giá, không được ỷ thế cậy oai mua hiếp hoặc cướp đoạt của dân sẽ bị trị tội. Thậm chí sau đó nhà vua còn ban chiếu yêu cầu các cung nhân, nô tỳ tại các phủ thân vương, công chúa, quan đại thần không được mượn tiếng công mưu lợi riêng ức hiếp mua rẻ hàng hóa bán trong chợ hoặc ỷ thế lấy bừa không trả tiền.

Vào thời Lê Trung hưng (năm 1533- 1789), cái tên Kẻ Chợ được gọi chung cả kinh đô (Hoàng Thành và phủ Chúa) hoặc Thăng Long – Kẻ Chợ để phân biệt với Thăng Long của các triều đại thời Lý, Trần.

Mạng lưới chợ thành thị ở Đông Kinh được tổ chức trên cơ sở các phường thị kiểu “buôn có bạn, bán có phường” theo từng ngành hàng riêng. Cha Marini, người Ý (năm 1666) mô tả: “Ở lối cổng vào mỗi phường có một tấm bảng đề, hoặc một tấm biển ghi rõ loại hàng và chất lượng hàng đươc bán ở đó”.

Samuel Baron (năm 1680) còn cho ta biết rõ phường buôn bán ở Kẻ Chợ chính là đầu ra của các chợ và các làng vùng thôn quê. Tất cả những phẩm vật khác nhau bán trong thành phố này đều được dành riêng cho từng phường. Mỗi phường đó lại phụ thuộc vào một hay nhiều làng và dân chúng các làng xã này được đặc quyền mở các cửa hiệu ở đấy.

Năm Bảo Thái thứ hai (1727), đời vua Lê Dụ Tông, ít nhất có thể điểm danh trên 10 chợ lớn còn thu thuế như: Chợ Cửa Đông lệ thuế đóng 318 quan 8 tiền, 100 tấm da trâu. Chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá lệ thuế là 310 quan 8 tiền 100 tấm da trâu. Chợ Vân Cử lệ thuế là 19 quan tiền 2 tiền quý, chợ Ông Nước lệ thuế là 46 quan 8 tiền… Ngoài ra, còn rất nhiều chợ khác ở các cửa ô: chợ Cầu Dền, chợ Dừa (ô Chợ Dừa), chợ Cót (ô Cầu Giấy), chợ Bạch Mã (ô Đông Hà), chợ Bác Cử. Trong đó, chợ Dừa vốn là một bến trên sông Lừ, đầu mối giao thương quan trọng ở phía Nam kinh thành khiến cho cửa ô chợ Dừa luôn sầm uất náo nhiệt.

Chợ Cửa Đông tọa lạc ở khu trung tâm Kẻ Chợ là một chợ lớn và nhộn nhịp bậc nhất kinh sư. Nằm ở phía cửa Đông Hoàng thành nên nó còn một tên khác – chợ Đông Thành. Là chợ lớn nhất kinh thành nên nó nhóm họp thường xuyên hàng ngày, song chợ vẫn có ngày phiên vào ngày 1 và ngày 5, vốn là dấu ấn từ xa xưa của cái thuở Lý Thái Tông lập chợ “Vua cho mở chợ về cửa Đông, hàng quán san sát, chen chúc sát đến bên đền Bạch Mã rất là huyên náo”.

Chợ Đông Thành đầu thế kỷ 18 còn họp bên cầu Đông trên phố Hàng Đường sau mở rộng dịch chuyển về phía tây chiếm một diện tích rộng lớn gồm phía Bắc là dãy phố Hàng Mã, phía nam là phố Bát Đàn, phía Tây là nửa phố Hàng Cót, phía Đông là phố Thuốc Bắc. Sau khi Pháp chiếm Thăng Long, lấp sông Tô Lịch quy hoạch lại khu phố chợ này được chuyển ra chợ mới tức chợ Đồng Xuân hiện nay.

Thời Nguyễn, hình luật nhà Nguyễn (Luật Gia Long) quy định: người bán hàng trong chợ không được thông đồng để ép giá kiếm lời, nếu vi phạm sẽ phạt đánh 80 gậy. Phàm những kẻ gian trá làm sai lệch thước đo do nhà nước ban hành để tư lợi bị đánh 60 gậy. Quan lại ban hành đấu hộc cân thước không đúng quy cách phạt đánh 80 gậy, thợ làm các đồ ấy cũng bị xử tội. Quan lại ở thương khố tự ý ban hành các loại cân thước không đúng quy chuẩn phạt đánh 100 gậy, hàng hóa chênh lệch bị kê biên tính vào tang vật ăn trộm.

Còn thời vua Minh Mạng, nhà vua còn ra lệnh cấm đội Thượng Thiện, tức đội quân chuyên chăm lo việc nấu ăn cho nhà vua và nhà bếp ở các nha môn không được lấy thanh thế triều đình để bắt ép mua rẻ hàng hóa của dân. Khi đi chợ phải đeo tín bài khắc hai chữ “Thượng Thiện”, hễ ai làm càn phi pháp thì bắt trị tội không tha.

Năm 1826 tức Minh Mạng thứ 7, phát hiện An Khánh công Quang, Hoàng tử thứ 12 con vua Gia Long cho tôi tớ trong phủ đi chợ ép mua rẻ hàng của dân, vua cho phạt bổng một năm. Nhân đó vua dụ bộ Hình rằng: “Nơi Kinh kỳ pháp lệnh rất nghiêm, thế mà từ trước đến nay nhiều bọn cậy thế áp bức bình dân, uy hiếp mua bán. Trước đã sai Kinh doãn bắt trị tội, nếu không nêu rõ lệnh cấm thì sao tỏ rõ pháp luật cho dân tin. Từ nay phàm nhà bếp ở sở Thượng thiện và các nha môn, cùng những kẻ côn đồ vô lại mà dám chèn ép để mua rẻ hàng hoá ở chợ thì bất luận tang vật nhiều hay ít đều tâu rõ, đem chém ngay tại chỗ cho mọi người biết. Ghi làm lệnh”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới