Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững xu hướng có thể làm thay đổi thế giới trong năm...

Những xu hướng có thể làm thay đổi thế giới trong năm 2022

Thế giới năm 2022 được dự báo sẽ bị chi phối bởi thời kỳ gọi là “hậu đại dịch Covid-19”, các mâu thuẫn địa chính trị, công nghệ số, cuộc đua không gian, tiền điện tử…

Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống thế giới và thay đổi cả tương lai chăm sóc y tế.

Ngay cả trước khi các sự kiện quan trọng của năm 2020 và 2021 xảy ra trên thế giới, các mảng kiến tạo của văn hóa, xã hội và công nghệ đã và đang dịch chuyển và định hình lại thế giới. Đại dịch đã đẩy nhanh những thay đổi đó.

Đại dịch Covid-19 và tương lai chăm sóc y tế

Dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến cả thế giới bất ngờ. Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đại dịch vào ngày 11/3/2020, rất ít người nghĩ rằng nó sẽ hoành hành lâu đến như vậy, khiến mọi việc bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp hạn chế như phong tỏa, giãn cách cùng sự gián đoạn về các hoạt động và nguồn cung.

Thế giới phần nào được bình thường hóa vào giữa năm 2021 nhưng sự xuất hiện của biến chủng Delta, sau đó là chủng Omicron đã gây ra nhiều thách thức mới. Khi thế giới bước vào năm 2022, một câu hỏi vẫn còn đó: đại dịch diễn biến thế nào tiếp theo?

Trong các lĩnh vực như công nghệ, sức khỏe, tiền bạc, phương tiện giao thông, cuộc sống gia đình và nhà cửa, con người có thể nhìn nhận thực tế: mọi thứ đang thay đổi rất nhanh. Và lại một câu hỏi được đặt ra: liệu năm 2022 có phải là năm Covid-19 chuyển từ đại dịch sang một loại bệnh đặc hữu hay không? Đây là điều mà tất cả mọi người đều hy vọng, nhưng dường như thế giới sẽ không bao giờ có thể quay trở lại thời điểm như trước năm 2019.

Chẳng hạn như trong năm 2022, nhiều quốc gia sẽ theo mô hình ở một số nước châu Á, nơi người dân có thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng.

Hệ thống chăm sóc y tế cũng sẽ thay đổi lớn sau đại dịch. Theo đó, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa sẽ trở nên phổ biến hơn khi ngày càng có nhiều người quen với việc thăm khám sức khỏe trực tuyến. Vaccine Covid-19 cũng sẽ thay đổi công cuộc nghiên cứu và phát triển vaccine hoặc các liệu pháp điều trị bệnh tiềm năng khác. Không có gì lạ khi cần phải mất 1 thập niên để phát triển vaccine mới nhưng nhờ công nghệ di truyền và mRNA, giờ đây chỉ cần 10 tháng. Đây có thể là một trong những bước đột phá y học quan trọng nhất của thế kỷ.

Làm việc từ xa và đại khủng hoảng lao động

Nơi làm việc và trường học có lẽ là những nơi bị gián đoạn nhiều nhất do đại dịch Covid-19. Cho tới nay, không ít quốc gia vẫn tiếp tục đóng cửa trường học và áp dụng hình thức học trực tuyến, trong khi nhiều nước mở cửa trở lại một cách dè dặt, hạn chế số lượng học sinh, đảm bảo việc giãn cách.

Trong lĩnh vực lao động, nhiều nhân viên quyết định họ thích sự cân bằng công việc và cuộc sống khi làm việc từ xa. Và nhiều người đã chuyển về gần gia đình hơn hoặc rời xa trung tâm thành phố để có nhiều không gian và tận hưởng không khí trong lành hơn. Nhiều người sử dụng lao động cũng thật sự thích hình thức làm việc này vì đảm bảo hiệu quả năng suất làm việc lẫn kinh doanh và còn giúp họ tiết kiệm đáng kể chi phí thuê mướn địa điểm làm việc.

Xu hướng đáng ngạc nhiên nhất trong năm 2021 nhiều khả năng tiếp tục gia tăng trong năm 2022 là làn sóng nghỉ việc ồ ạt. Thế giới đang trải qua một cuộc “đại khủng hoảng lao động” do ngày càng có nhiều lao động tự nguyện nghỉ việc hoặc nhảy việc sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hồi tháng 12/2021, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy, số người nghỉ việc tại nước này vẫn ở mức cao kỷ lục dù nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại.

Làm sao có thể trải qua một thời kỷ khủng hoảng như đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua mà không bị nó thay đổi? Làn sóng nghỉ việc ồ ạt là một ví dụ cho thấy những thay đổi đó đang hiện hữu như thế nào.

Du lịch vũ trụ và internet thế hệ tiếp theo

Một trong những cuộc đua được dự đoán đáng chú ý nhất trong năm 2022 là cuộc cạnh tranh trên vũ trụ.

Trung Quốc và Nga đang hợp tác xây dựng một trạm vũ trụ Mặt Trăng (vào năm 2030) và đưa robot lên một tiểu hành tinh (vào năm 2024). Để cạnh tranh, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố 10 phi hành gia tương lai tiếp theo vào tháng 12/2021 với tham vọng thực hiện sứ mệnh Mặt trăng trong tương lai.

Các công ty vũ trụ tư nhân SpaceX, Blue Origin và Virgin Galactic đều đã đưa phi hành đoàn dân sự vào không gian vào năm 2021. Tất cả đang vẽ ra một tương lai hứa hẹn cho ngành du lịch vũ trụ. Tham vọng này dự kiến sẽ lớn hơn vào năm 2022.

2022 sẽ là năm SpaceX có kế hoạch đưa tên lửa tái sử dụng Starship và phương tiện vũ trụ thực hiện các sứ mệnh đầu tiên của mình. Phát biểu về Starship, Giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk cho biết: “Đây là một cuộc cách mạng sâu sắc trong việc tiếp cận quỹ đạo. Chưa bao giờ có một phương tiện phóng quỹ đạo có thể tái sử dụng hoàn toàn. Đây là chén thánh của công nghệ vũ trụ. Đây là bước đột phá cơ bản cần thiết để nhân loại trở thành một nền văn minh không gian”.

Trong khi đó, StarLink và Blue Origin của SpaceX và Dự án Kuiper của Amazon sẽ phóng hàng nghìn vệ tinh quỹ đạo thấp vào bầu khí quyển vào năm 2022. Sứ mệnh mang internet băng thông rộng nhanh, đáng tin cậy với mức giá hợp lý đến mọi nơi trên hành tinh là một bước tiến đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tác dụng phụ là hàng tấn mảnh vỡ không gian có thể làm vỡ kính thiên văn của các nhà thiên văn học, va chạm với tàu vũ trụ và tạo ra một lượng rác không gian khổng lồ.

Kinh tế thế giới dự báo có tăng nhưng không nhiều

Các chuyên gia dự báo, tình trạng gián đoạn vận chuyển, thiếu nguồn cung và giá năng lượng tăng sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, mọi việc sẽ tạm lắng dịu vào nửa cuối năm khi nhu cầu hàng hóa giảm nhiệt và giao thông vận tải được bình thường hóa.

Tình trạng thiếu điện đã cản trở hoạt động sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc đại lục trong năm qua dự kiến sẽ được giải quyết vào năm 2022, nhưng các hạn chế sản xuất đối với các ngành thâm dụng năng lượng sẽ vẫn diễn ra.

Bất chấp việc đối mặt với nguy cơ lạm phát và khủng hoảng chuỗi cung ứng do đại dịch, theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), kinh tế thế giới được dự báo tăng khoảng 4% trong năm 2022. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới đưa ra hôm 25/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022 xuống mức 4,4%, thấp hơn 0,5% so với dự báo công bố tháng 10/2021. Theo nhận định của IMF, sự tác động của biến chủng Omicron là nguyên nhân cản đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong năm 2022.

Mặc dù một số quốc gia đang phải đối mặt với rủi ro về nợ gia tăng, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Argentina…, các quốc gia khác có khả năng chống chọi tốt hơn, khiến cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi toàn cầu – như năm 1998 – được dự báo khó có thể xảy ra. Và cuối cùng, định hướng chính sách toàn cầu nói chung là sẽ chuyển dần sang thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng trung ương sẽ quyết định các mức độ khác nhau.

Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang

Theo các chuyên gia, căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng vào năm 2022. Trong đó, mối quan hệ giữa hai ông lớn Mỹ – Trung vẫn đi theo xu hướng chủ đạo “căng thẳng không ngừng leo thang trên mọi mặt” trong năm 2022.

“Căng thẳng giữa Trung-Mỹ sẽ tiếp tục vào năm 2022, trong nhiều lĩnh vực như nhân quyền, địa chính trị và an ninh”, Wu Qiang, bình luận viên chính trị độc lập tại Bắc Kinh, nhận định. Theo các chuyên gia, căng thẳng Mỹ – Trung được thể hiện ngay đầu năm 2022 khi Olympic Mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 2 tới. Washington đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao sự kiện này, có nghĩa là không cử quan chức hay đại diện ngoại giao đến Bắc Kinh. Vấn đề Đài Loan cũng là điểm nóng trong quan hệ hai nước trong năm 2022.

Tình hình địa chính trị ở “chảo lửa” Trung Đông cũng không có xu hướng giảm nhiệt. Tại Afghanistan, trong năm 2022, Taliban sẽ tiếp tục có những bước đi để ổn định tình hình đất nước và bộ máy quyền lực trong bối cảnh quốc tế hoài nghi về những cam kết ân xá, đổi mới của lực lượng này. Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền Taliban nhưng một số nước như Trung Quốc, Pakistan, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp bình thường hóa quyền kiểm soát của tổ chức này.

Nền kinh tế Iran đang lao đao vì các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng quốc gia Hồi giáo này có thể khó đạt được thỏa hiệp đáng kể trong vấn đề hạt nhân. Iran đang tìm cách tăng cường quan hệ chiến lược với Trung Quốc và Nga để chống lại sức ép của phương Tây và xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2022. Không có dấu hiệu tan băng giữa các quốc gia vùng Vịnh và Iran trong các vấn đề cốt lõi, và sự đối đầu căng thẳng giữa Iran và Israel có thể sẽ tiếp tục.

Tại châu Á, mặc dù đã trải qua nhiều biến đổi về kinh tế và chính trị nhưng các vấn đề quan trọng vẫn có thể tiếp diễn trong năm 2022 như hạt nhân Iran, xung đột Syria và chiến tranh ở Yemen. Lebanon cũng đang trong tình trạng bất ổn. Nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau đã làm thay đổi bối cảnh chính trị khu vực Đông Nam Á và tiếp tục kéo dài qua năm 2022, như cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

Tại châu Âu, biên giới Ukraine tiếp tục nóng dần lên khi cả Nga và phương Tây vẫn chưa tìm được bất kỳ tiếng nói chung nào trong vấn đề này. Các bên đang có những động thái quân sự đáng lo ngại ở khu vực biên giới của nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù căng thẳng đến mấy, một cuộc chiến tranh ở Ukraine là điều không xảy ra trong năm 2022. Các bên cũng khó vượt qua “lằn ranh đỏ” đã đặt ra. Và thay vì đối đầu quân sự, các bên sẽ chủ động duy trì tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với nhau để giành ưu thế thiện chí trên dư luận quốc tế và để kiềm chế lẫn nhau sao cho tình hình quan hệ song phương và mâu thuẫn không bất ngờ vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, cuộc chạy đua vũ trang có thể trở nên gay gắt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực không gian. Căng thẳng cũng sẽ khiến chi tiêu quân sự ở các cường quốc tăng lên. Căng thẳng địa chính gia tăng cũng làm tăng nguy cơ xuất hiện các đợt biến động trên thị trường tài chính và tiền tệ trong khu vực. Rủi ro từ các biện pháp trừng phạt kinh tế, làm gián đoạn các dòng đầu tư, thương mại tăng lên.

Cuộc chỉnh đốn đối với các “ông lớn” công nghệ

Trung Quốc đang dẫn đầu công cuộc chỉnh đốn những gã khổng lồ công nghệ, vốn lâu nay vẫn làm mưa làm gió ở trong nước sau nhiều năm buông lỏng. Trong một tuyên bố gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết chính quyền sẽ tiếp tục tăng cường giám sát các “công ty nền tảng” lớn đang nắm trong tay rất nhiều dữ liệu và quyền lực thị trường của nước này.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn các công ty tập trung vào “công nghệ sâu”, mang lại lợi thế địa chiến lược thay vì những thứ phù phiếm như trò chơi hay mua sắm.

Theo CNBC, Bắc Kinh đang chuẩn bị mở rộng một chiến dịch quan trọng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của các tập đoàn tư nhân lớn, có quyền lực trong nước. Trong đó, tập đoàn Ant Group, công ty con của Alibaba của tỷ phú Jack Ma, tiếp tục rơi vào tầm ngắm. Từ năm 2021, các hoạt động kinh doanh liên quan tỷ phú Jack Ma liên tục bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt và mới nhất là Ant Group. Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã buộc họ phải tái cơ cấu sau khi đình chỉ kế hoạch phát hành cổ phiếu công khai lần đầu (IPO) trị giá 37 tỷ USD của tập đoàn vào năm 2020. Sự thay đổi này khiến cho tham vọng của ông Jack Ma không còn giống định hướng ban đầu là phát triển Ant Group thành một công ty công nghệ tài chính hàng đầu thế giới.

Ngoài Ant Group, các ông lớn công nghệ khác như Meituan, Baidu hay Didi, Tencent… cũng “mất ăn mất ngủ” lo bị sờ gáy trong năm nay sau khi hàng chục tập đoàn công đã bị Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) xử phạt vì liên quan đến 10 thương vụ thể hiện hành vi độc quyền bất hợp pháp.

Cùng với Trung Quốc, các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu cũng đã cố gắng kiểm soát những gã khổng lồ công nghệ trong nhiều năm, nhưng chưa tác động được gì vào sự phát triển hay lợi nhuận của họ. Và 2022 có thể là năm các nước tăng tốc hơn nữa chiến dịch này.

Tại Mỹ, sự phát triển, thậm chí đôi khi là sự thống trị ngày càng tăng của các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Apple, Google, Facebook… đã biến họ thành mục tiêu của các cơ quan quản lý và các nhà lập pháp. Trong năm 2022, Mỹ có thể xem xét hàng loạt dự luật nhằm giải quyết quyền lực của các công ty công nghệ thống trị này.

Trong số các “ông lớn” công nghệ, mạng xã hội Facebook đang rơi vào cảnh “ngồi trên đống lửa” khi lọt vào tầm ngắm kiềm chế của chính phủ Mỹ sau khi mạng này bị tố gây chia rẽ trong cộng đồng, gây hại cho trẻ em. Theo Khảo sát Xu hướng Toàn cầu năm 2021, phần lớn người được hỏi cho rằng các công ty truyền thông xã hội có quá nhiều quyền lực. Theo một cuộc khảo sát khác, 38% người được hỏi cho rằng nhiều khả năng các chính phủ sẽ đưa ra các quy định nghiêm ngặt đối với các công ty công nghệ lớn tại quốc gia của họ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới