Thursday, December 26, 2024
Trang chủQuân sựVì sao Anh có được thông tin về tên lửa siêu thanh...

Vì sao Anh có được thông tin về tên lửa siêu thanh của TQ

Các nguồn tin tình báo đã tung ra một thông tin đầy bất ngờ khiến giới chức Trung Quốc bàng hoàng. Thiệt hại mà nó mang lại có thể khiến Bắc Kinh khốn đốn.

Phương tiện bay siêu thanh DF-17 trong cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh năm 2019.

Giới chức Mỹ từng vô cùng bất ngờ khi một báo cáo của tờ Financial Times tiết lộ rằng Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào cuối tháng 8 năm ngoái.

Cuộc thử nghiệm đã chứng minh rằng Trung Quốc có khả năng tấn công gần như ngay tức thì
bất cứ mục tiêu nào trên Trái Đất trong khi không để cho đối phương kịp đoán biết và có thời gian chuẩn bị ứng phó.

Bản báo cáo đã khiến cho Mỹ – quốc gia cũng đang tiến hành chương trình phát triển vũ khí siêu thanh – tụt lại xa phía sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự việc ‘rúng động’ vừa được tiết lộ mới đây có thể xoay chuyển tình thế theo
cách không ngờ tới.

TIN XẤU ẬP ĐẾN TRONG ĐÊM

Tờ Daily Express của Anh đưa tin, các nguồn tin tình báo đã tung ra một thông tin đầy bất ngờ trong đêm 25/1: Một nhà khoa học cấp cao của Trung Quốc đã đào tẩu sang phương Tây, mang theo những bí mật về phương tiện bay siêu vượt âm DF-17 mới nhất do nước này phát triển.

Vụ việc đã khiến giới chức Bắc Kinh bàng hoàng và sửng sốt bởi bí mật bị thất thoát vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, luật “Bí mật nhà nước” của Trung Quốc xưa nay đều rất nghiêm ngặt. Có nhiều hình phạt nếu một công dân bị kết tội làm rò rỉ thông tin mật, nhạy cảm như vậy, trong đó có cả bản án chung thân, thậm chí tử hình. Chẳng ai ngờ người đàn ông 30 tuổi lại có “lá gan” lớn đến thế.

Đáng lưu ý, theo Daily Express, cơ quan tình báo quân sự MI6 của Anh đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đào tẩu này.

Nhân vật vừa gây rúng động Trung Quốc được mô tả là một chuyên gia kỹ thuật tên lửa, công tác tại Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Tại đây, anh ta đã tham gia phát triển chương trình phương tiện bay siêu thanh tầm trung có khả năng mang tên lửa DF-17 với tầm bắn lên tới hơn 3.000km. Phương tiện này có thể bay quanh địa cầu trước khi lao xuống từ không gian và sử dụng công nghệ dò nhiệt để tấn công bất cứ mục tiêu nào trên Trái Đất.

Các nguồn tin tình báo cho biết, bất chấp thành công trên, nhà khoa học này vẫn thấy rất bất bình vì… không được thăng chức. Anh ta đã tìm cách liên lạc với một cơ quan tình báo của Anh ở Hồng Kông vào cuối tháng 9 năm ngoái. Trong lần tiếp cận đầu tiên mang tính thăm dò, anh ta nói với người trung gian rằng mình đang nắm trong tay những thông tin chi tiết về phương tiện bay siêu vượt âm của Trung Quốc.

Hiểu rõ rằng bản thân sẽ phải đối mặt với án tử nếu bị phát hiện, nhà khoa học Trung Quốc yêu cầu cho cả gia đình (gồm vợ và con) đi tị nạn.

Một cuộc gọi đã được kết nối tới Vauxhall Cross – Trụ sở chính của Cơ quan tình báo London (thường được gọi là MI6). Tiếp đó, một nhóm 3 người – gồm 2 sĩ quan tình báo và 1 chuyên gia kỹ thuật – đã được điều tới Hồng Kông. Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng nhận được thông báo.

Sau khi xác thực được nhà khoa học này không phải là gián điệp của Trung Quốc, MI6 đã lên kế hoạch đưa gia đình anh ta tới Hồng Kông thông qua tuyến đường đặc biệt. Khi đến được địa điểm an toàn, nhà khoa học Trung Quốc phải trải qua cuộc ‘thẩm vấn’ của nhóm đặc vụ MI6 (gồm 2 người đàn ông, 1 người phụ nữ) và đội đặc vụ 2 người của CIA.

Ngoài những thông tin quan trọng ghi nhớ trong đầu, anh ta còn tiết lộ thêm về các dữ liệu kỹ thuật liên quan tới chương trình phương tiện bay siêu thanh của Trung Quốc.

Cuộc xét hỏi này kéo dài 1 ngày trước khi gia đình của nhà khoa học Trung Quốc tiếp tục được thu xếp để bay đến địa điểm an toàn hơn – đó là một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức – sau đó tiếp tục bay đến Mỹ qua Anh.

ÁN TỬ KHÔNG NGĂN ĐƯỢC CÁC VỤ ĐÀO TẨU

Theo tờ EurAsian Times, Luật “Bí mật Nhà nước” của Trung Quốc có phạm vi bao quát rất rộng và với rất nhiều hình phạt, áp dụng từ những trường hợp làm lộ dữ liệu công nghiệp cho tới những trường hợp làm lộ ngày sinh tháng đẻ chi tiết của các lãnh đạo nhà nước.

Một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất được ghi nhận vào năm 2016: Huang Yu, kỹ thuật viên máy tính người Trung Quốc, đã bị kết án tử hình vì tội làm rò rỉ hơn 150.000 tài liệu mật cho một thế lực nước ngoài giấu tên.

Trước đó, Huang làm việc cho một cơ quan của chính phủ có liên quan tới việc xử lý bí mật nhà nước. Các tài liệu mà anh ta bị cáo buộc cung cấp cho bên ngoài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các vấn đề quân sự, tài chính trong nước, cho tới các thông tin về Đảng cầm quyền.

Hình phạt khắc nghiệt là vậy nhưng Trung Quốc vẫn không ngăn chặn được hết các vụ đào tẩu và làm lộ bí mật nhà nước. Theo EurAsian Times, trước vụ việc rùm beng mới đây thì đã có một số trường hợp công dân Trung Quốc đào tẩu thành công.

Vào tháng 2/2016, đã xảy ra vụ việc gây chấn động Trung Quốc liên quan đến Lệnh Hoàn Thành – người được coi là “kẻ đào tẩu giá trị nhất”, nắm trong tay “tử huyệt” của Trung Quốc.

Ông Lệnh Hoàn Thành là em trai của ông Lệnh Kế Hoạch – cựu Chánh văn phòng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được xem là cánh tay phải của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Lệnh Hoàn Thành bị cáo buộc đã tiết lộ các thông tin chi tiết liên quan tới quy trình triển khai vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, đời tư của các quan chức cấp cao Trung Quốc… cho phía Mỹ.

Tháng 6 năm ngoái, tiếp tục có báo cáo về việc một điệp viên cấp cao của Trung Quốc, gọi là Dong Jingwei, đào tẩu sang Mỹ và đưa bằng chứng về phòng thí nghiệm Vũ Hán cho Washington.

ĐÒN GIÁNG MẠNH VÀO TRUNG QUỐC

Theo Daily Express, cuộc đào tẩu của nhà khoa học chương trình phương tiện bay siêu thanh sẽ cho phép Anh và Mỹ đẩy nhanh các chương trình phòng thủ chống lại loại vũ khí này. Các nguồn tin tình báo cho biết thêm rằng, với tổn thất lớn như trên, Trung Quốc có thể phải mất tới 2 năm để điều chỉnh các hệ thống của mình và “khiến cho thông tin tình báo bị rò rỉ trở nên không hiệu quả”.

“Trong lĩnh vực này, 2 năm là một khoảng thời gian rất dài” – Một quan chức liên quan tới chiến dịch đào tẩu cho hay.

Cùng nhận định về chủ đề này, trang tin TFI cho rằng cuộc đào tẩu trên có thể trở thành bước ngoặt lớn nhất trong cuộc chạy đua vũ khí đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi không giống như tên lửa đạn đạo truyền thống, tên lửa siêu thanh có độ cơ động rất cao nên nó cực khó bị phát hiện và đánh chặn.

TFI cho rằng, cuộc đào tẩu của nhà khoa học Trung Quốc thực sự là một yếu tố “thay đổi cuộc chơi”. Nó không chỉ khiến cho Trung Quốc thiệt hại một nhà khoa học cao cấp trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, mà sẽ còn khuyến khích các nhà khoa học khác của Trung Quốc đào tẩu khỏi nước này.

Trước đó, Trung Quốc vốn “khét tiếng” với những chiêu trò ăn cắp công nghệ và câu kéo nhân tài từ các quốc gia khác. Cuộc đào tẩu này, vì thế, không khác gì “một cái tát” vào Bắc Kinh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới