Lãnh đạo các nước thuộc nhóm Bộ tứ đạt đồng thuận đẩy nhanh vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở hơn 30 quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đây là đồng thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (QUAD) – gồm Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ – lần đầu tiên theo hình thức trực tiếp tại Washington hồi cuối tuần qua. Thông qua sáng kiến có tên gọi “Quan hệ Đối tác hạ tầng nhóm Bộ tứ”, lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cũng đi tới quyết định thành nhập nhóm chuyên gia về hạ tầng, giúp khởi động việc xác định các dự án cần rót vốn tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những dự án này sẽ do thành viên các nước nhóm Bộ tứ tài trợ vốn.
Thỏa thuận về hạ tầng được coi là ưu tiên cao thứ hai của QUAD tại kỳ thượng đỉnh này, chỉ xếp sau kế hoạch cứu trợ COVID-19, phục hồi tăng trưởng với điểm nhấn liên quan đến mở rộng sản xuất, phân phối hơn 1 tỷ liều vaccine. Theo thông cáo chung được đưa ra sau hội nghị giữa Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Yoshihide Suga, Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Scott Morrison, bốn nước đồng ý thành lập Nhóm Điều phối Hạ tầng QUAD (QICG).
QICG sẽ tiến hành các phiên thảo luận, gặp gỡ định kỳ để chia sẻ đánh giá, nhận định về nhu cầu hạ tầng và điều phối cách tiếp cận tương ứng để đầu tư, phát triển các dự án hạ tầng theo hướng minh bạch, tiêu chuẩn cao. Thông cáo cũng cho biết QUAD sẽ điều phối trợ giúp kỹ thuật, năng lực xây dựng với các đối tác trong khu vực, bảo đảm rằng những dự án này mang tính hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa hai bên, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngày một lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thúc đẩy đầu tư cho hạ tầng được coi là “nỗ lực làm mới” của nhóm Bộ tứ nhằm tạo đối trọng với BRI của Trung Quốc – một siêu dự án hạ tầng không chỉ bó hẹp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà còn rộng khắp tại thế giới đang phát triển.
Chính quyền của Thủ tướng Morrison hồi tháng 4 vừa qua đã chính thức hủy bỏ hai thỏa thuận liên quan đến BRI được ký kết giữa bang Victoria với Bắc Kinh. Quyết định này nằm trong nỗ lực của Canberra, ngăn chặn hiệu quả việc Trung Quốc mua lại mạng lưới viễn thông của tập đoàn Digicel (Australia) ở Thái Bình Dương và vùng Carribean.
Nước Mỹ cũng đưa ra chiến lược riêng có tên gọi “Buid Back Better World” (3BW, tạm dịch: Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn) có sự hợp tác với đồng minh phương Tây. Sáng kiến được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) hồi tháng 6 vừa qua tại Anh, hướng đến mục tiêu cung cấp lựa chọn hạ tầng thay thế ở các nước đang phát triển có vị trí địa chiến lược nhạy cảm.
3WB được giới chức Mỹ mô tả là dự án phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu mới của G7, mang tính bền vững, minh bạch, tiêu chuẩn cao. G7 sẽ huy động một quỹ trị giá hàng trăm tỉ USD để hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại những quốc gia có nhu cầu tiếp nhận vốn trước năm 2035.
Theo kế hoạch, thông qua Quan hệ Đối tác hạ tầng Nhóm bộ tứ, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ rót vốn cho hàng nghìn dự án, trong đó có cả đầu mục tăng cường năng lực triển khai hạ tầng, ở hơn 30 nước trên thế giới, nhằm hỗ trợ phát triển nông thôn, hạ tầng y tế, cung cấp nước ngọt, vệ sinh, năng lượng tái tạo, mạng viễn thông, mạng lưới vận tải đường bộ… Quan hệ đối tác này sẽ có đóng góp thực chất và làm sâu săc thêm quan hệ hợp tác công-tư tại khu vực.