Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐộng lực để quân đội TQ hiện đại hóa là gì?

Động lực để quân đội TQ hiện đại hóa là gì?

Sự cố mất 2 tên lửa trong cuộc thử nghiệm cách đây 26 năm khiến quân đội Trung Quốc giận dữ và quyết không để điều này tái diễn.

Sự cạnh tranh nhiều năm qua giữa Trung Quốc và Mỹ là động lực để quân đội Trung Quốc hiện đại hóa, bao gồm việc xây dựng một hạm đội hải quân tiên tiến và phát triển hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu. 

Nhưng theo các chuyên gia, bước ngoặt khiến Trung Quốc chuyển mình mạnh mẽ hơn có thể bắt nguồn từ sự cố năm 1996 khi Bắc Kinh tiến hành thử tên lửa ở vùng biển gần căn cứ quân sự Keelung của Đài Loan. 

Theo SCMP, trong quá trình Bắc Kinh triển khai diễn tập, Mỹ cử một hạm đội hải quân tới eo biển Đài Loan. 

Kết quả, cuộc thử nghiệm của Trung Quốc thất bại. Hai quả tên lửa biến mất khỏi các hệ thống theo dõi. Nhiều đồn đoán dấy lên khi đó cho rằng quân đội Mỹ đã cố tình làm gián đoạn hệ thống định vị toàn cầu (GPS) khiến Bắc Kinh không thể lần được dấu của tên lửa. 

SCMP dẫn các nguồn tin quân sự cho biết chính sự cố mất mặt này đã trở thành động lực để Trung Quốc phát triển hệ thống định vị vệ tinh của riêng mình – Beidou. Hệ thống này được hoàn thành với việc phóng tàu thăm dò cuối cùng vào tháng 6/2020.

“Trung Quốc không chỉ muốn thu hẹp khoảng cách với Mỹ mà còn muốn tận dụng lợi thế của người đi sau để tập trung phát triển các loại vũ khí thế hệ tiếp theo. Là người đi sau, Trung Quốc nhận thức rõ sự cần thiết của việc tập trung vào phát triển công nghệ vũ khí thế hệ tiếp theo. Mục tiêu cuối cùng của quân đội Trung Quốc không chỉ là hiểu các chiến lược tác chiến của Mỹ mà còn tránh để đối thủ nắm được thông tin về kế hoạch của mình”, chuyên gia Lu Li-Shih từng làm việc tại Học viện Hải quân Đài Loan phân tích.

Trung Quốc cũng chú trọng tới chương trình không gian, phát triển các mẫu máy bay, chiến hạm thế hệ mới, tên lửa siêu thanh và máy bay không người lái. 

Hải quân Trung Quốc hiện là lực lượng hải quân lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Lực lượng này hiện sở hữu 350 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm, 2 hàng không mẫu hạm đã đưa vào biên chế là Liêu Ninh và Sơn Đông vốn là bản sửa đổi của lớp tàu Kuznetsov từ thời Liên Xô.

Lớp tàu Kuznetsov vốn được trang bị 10 hệ thống tên lửa chống hạm P-700 Granit, nhưng Trung Quốc đã loại bỏ hệ thống này để giành chỗ cho tiêm kích hạm.

Andrei Chang, chủ biên chuyên trang quân sự Kanwa Defence Revire cho rằng đặc điểm này của Trung Quốc là học lại từ Mỹ. 

“Ngày nay, các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông chỉ là những hàng không mẫu hạm có bãi đáp để các tiêm kích cất và hạ cánh như các tàu sân bay Mỹ. Nhưng thiết kế ban đầu của lớp tàu Kuznetsov là một tàu tuần dương có khả năng tấn công trên biển và trên không mạnh mẽ”, Chang cho hay. 

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng các cuộc chạm trán gần đây giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc tại eo biển Đài Loan phần nào phản ánh sự cạnh tranh về quân sự và công nghệ giữa hai nước.

“Mỹ đang gia tăng sức ép lên Trung Quốc, không chỉ về vấn đề Đài Loan mà còn cả trong tranh chấp Biển Đông và nhiều vấn đề khác. Điều đó buộc quân đội Trung Quốc phải tăng cường năng lực tác chiến”, ông Song cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới