Monday, December 23, 2024
Trang chủNước Việt đẹpNgôi đình thờ 'ông Hổ' linh thiêng ở Cần Thơ và giai...

Ngôi đình thờ ‘ông Hổ’ linh thiêng ở Cần Thơ và giai thoại cứu giúp dân làng

Ở đình Bình Thủy (TP Cần Thơ) hiện có hai khu vực thờ “ông Hổ” với giai thoại giúp đỡ dân làng trong những ngày đầu các bậc tiền nhân đến khai phá vùng đất này.

Đình Bình Thuỷ, TP Cần Thơ.

Ngay từ buổi đầu đến khai phá vùng đất ĐBSCL, các bậc tiền nhân phải đối mặt với rừng rậm hoang vu đầy thú dữ, trong đó có hổ. Tuy nhiên, với người dân làng Long Tuyền (nay thuộc quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ), hổ không phải là con vật hung dữ, nguy hiểm mà trái lại còn giúp người dân có cuộc sống bình an.

Đến nay, dân địa phương còn truyền tụng nhiều giai thoại khác liên quan đến việc “ông Hổ” cứu người khi gặp hoạn nạn. Ở đình Bình Thủy (hay còn gọi là Long Tuyền Cổ Miếu) hiện có hai khu vực thờ “ông Hổ”, một là miếu thờ trong khuôn viên đình (thờ tượng hổ), một ở bên trong đình (thờ bộ da).

“Ông Hổ” bảo vệ mùa màng cho dân làng

Theo tài liệu lưu trữ tại đình Bình Thuỷ, tương truyền, sau bão lụt hoành hành vào năm Giáp Thìn (1844), người dân làng Long Tuyền lập một ngôi đình bằng gỗ, lợp lá tại vàm rạch Bình Thuỷ để cầu nguyện linh thần cho làm ăn yên ổn.

Năm 1852, dưới triều vua Tự Đức năm thứ 5, quan Khâm sai đại thần Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần qua sông Hậu thì bất ngờ gặp trận cuồng phong. Thuyền của quan Khâm sai nấp vào cù lao ngay ngã ba của một dòng kinh đổ ra sông Hậu (nay là Cồn Linh tại vàm rạch Bình Thuỷ). Điều bất ngờ là khu vực này lại yên ắng, không có sóng gió, nên thuyền của quan Khâm sai được bình an.

Sau đó, quan Khâm sai lên bờ tham quan, tìm hiểu cuộc sống của dân tình thì nhận thấy dòng kinh nước chảy êm đềm, cảnh vật tươi đẹp, người dân an cư lạc nghiệp, liền đặt tên cho nơi này là làng Bình Thủy.

Khi trở về, quan Khâm sai dâng sớ lên vua trình qua sự việc. Vua Tự Đức thuận tình phê sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng cho làng Bình Thủy vào ngày 29/11/1852.

Khi được phong sắc thần, dân làng phấn khởi, đóng góp công sức, của cải xây cất lại đình lần thứ hai. Lần này, đình được lợp ngói thay cho lá.

Năm 1904, quan Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận và cai tổng Lê Văn Noãn thấy đình sắp sập nên dời đình sang phần đất khác, rộng 2,9ha. Không may, quan Tri phủ qua đời, công việc xây dựng đình bị ngưng trệ.

Năm 1909, ông Hương cả Nguyễn Doãn Cung và Hương chủ Dương Lập Cang xây dựng lại ngôi đình tại chỗ cũ (vàm rạch Bình Thủy). Năm 1910, công trình hoàn thành và tồn tại đến ngày nay.

Ông Nguyễn Ngọc Đắc, Phó Ban Trị sự đình Bình Thuỷ cho biết, khi cư dân khai phá vùng đất Bình Thuỷ để canh tác thường xuyên bị thú rừng quấy phá.

“Người dân trong làng lúc bấy giờ có cầu trời phật phù hộ vụ mùa không bị thú rừng phá. Lúc đó có một ông Bạch hổ lớn lắm xua đuổi những con thú rừng không cho phá hoại mùa màng. Từ đó, người dân bắt đầu trúng mùa”, ông Đắc kể.

Theo ông Đắc, để tưởng nhớ công ơn của ông Bạch Hổ, ngay khi thành lập đình, người dân lập thêm miếu Sơn Quân thờ “ông Hổ”. Chính vì thế, ngôi miếu thờ “ông Hổ” đã có từ khi hình thành ngôi đình và được thờ cúng đến ngày nay.

Cũng theo ông Đắc, thời gian sau, một người dân mang bộ da hổ vào đình để thờ cúng. Sau đó, theo ý nguyện của nhiều người dân, Ban Trị sự đình quyết định lập thêm một bàn thờ bên trong đình để thờ cúng bộ da.

“Nhiều người vào vuốt da “ông Hổ” để cầu may mắn, bình an. Có người còn bứt lông mang về nên Ban Trị sự đình quyết định làm thêm một lồng kính để bảo vệ bộ da”, ông Đắc nói.

Giai thoại về “ông Hổ” cứu thai phụ

Ngoài giai thoại trên, người dân địa phương còn truyền miệng nhau một giai thoại khác về “ông Hổ” ở đình Bình Thuỷ. Tương truyền, ngày xưa ở vùng này có một con hổ tu lâu năm. Ở vàm ngã tư có người phụ nữ có chồng đi lính triều Nguyễn trấn giữ ở vùng biên cương.

Trước khi chia tay vợ, người lính đốt hương đứng trước một gốc đại thụ khấn xin Thành Hoàng, thổ địa bảo vệ người vợ trẻ để ông yên tâm làm nhiệm vụ với đất nước. Lúc này, một con hổ tu lâu năm, tính hiền, nấp sau gốc đại thụ nghe lời khấn.

Đêm nọ, hổ nghe tiếng bà vợ rên rỉ vì đau bụng chuyển dạ. Hổ chạy thẳng đến nhà một bà mụ. Bà mụ trông thấy hổ, hoảng sợ rồi ngất xỉu. Hổ tha bà mụ đến tận cửa nhà thai phụ. Khi tỉnh dậy, bà mụ giúp thai phụ vượt cạn thành công trong cơn thập tử nhất sinh.

Sáng hôm sau, khi mở cửa ra, bà mụ thấy một con heo rừng nằm chết trong sân. Trên thân heo đầy vết móng hổ. Nhớ lại chuyện đêm trước, bà mụ biết, hổ đã bắt heo trả lễ. Cho rằng, đó là “ông Hổ” bảo vệ dân làng, bà mụ và người mẹ trẻ kia cùng dựng một ngôi miếu để thờ “ông Hổ”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới