Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐất hiếm nóng trở lại

Đất hiếm nóng trở lại

“Đất hiếm” được người Nhật Bản định danh là “hạt giống của công nghệ”. Với người Mỹ, nó được đặt tên là“kim loại công nghệ”. Điều đó cho thấy, loại nguyên liệu này quan trọng như thế nào đối với nền công nghiệp hiện đại.

Tuabin gió – một sản phẩm sử dụng đất hiếm

Có người còn khái quát rằng: không thể hình dung được toàn bộ ngành công nghệ hiện đại, nếu không có đất hiếm. Chính vì thế, hiện nay, đất hiếm trở thành một vũ khí lợi hại của những quốc gia sở hữu nó. Và đương nhiên, quốc gia nào càng giàu tiềm năng, sự lợi hại càng lớn.

Về trữ lượng, thông tin được biết, tới thời điểm này, Trung Quốc chiếm vị trí số 1 với 44 triệu tấn, tương đương 62% trữ lượng toàn cầu. Vị trí tiếp theo là Việt Nam và Brazin cùng xấp xỉ 22 triệu tấn. Còn Mỹ, chỉ có trữ lượng 1,5 triệu tấn – con số quá nhỏ đối với một quốc gia có nền công nghiệp không chỉ hiện đại nhất, mà còn có quy mô hàng đầu.

Nhưng trữ lượng chỉ là một góc câu chuyện. Nền sản xuất hiện đại từng có những nước không có, hoăc trữ lượng ít, những nhờ công nghệ, họ có thể “hút” hầu hết nguồn nguyên liệu quý nào đó, để nhân lên gấp bội giá trị gia tăng và thành nhà xuất khẩu sản phẩm lớn nhất thế giới. Israel chẳng hạn. Quốc gia nhỏ bé vùng Trung Đông này nhập khẩu kim cương từ Nam Phi, chế tác thành những sản phẩm trang sức hết sức tinh xảo, bán ra quốc tế. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, người Israel vẫn nhập lượng kim cương nguyên liệu với trị giá tới 2,94 tỷ USD (tăng 91% so với các năm trước), và bán thành phẩm trị giá 3,65 tỷ USD – một con số cho thấy giá trị gia tăng được nhân lên cao tới mức nào.

Trở lại câu chuyện đất hiếm, người Trung Quốc hiện nay còn làm được hơn cả người Israel đối với kim cương. Không chỉ có nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào nhất, Trung Quốc còn là nhà sản xuất, cung ứng các sản phẩm sử dụng đất hiếm hàng đầu, đồng thời, cũng là thị trường tiêu thụ số 1 thế giới.

Ba yếu tố: trữ lượng, sản xuất, thị trường, đều hàng đầu như trên khiến khiến đất hiếm thực sự trở thành vũ khí lợi hại của Trung Quốc.

Ngón đòn lợi hại này trước hết nhằm vào Mỹ – đối thủ số 1 của Trung Hoa đại lục hiện nay. Chẳng thế mà thời điểm nóng bỏng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, đáp lại võ thuế quan cùng những lời gào thét, đe dọa của ông Trump (khi đó còn là tổng thống) chưa cần thò ra ý định cấm xuất khẩu đất hiếm, mới chỉ một động thái thăm JL Mag, một trong những nhà máy khai thác và xử lý đất hiếm lớn nhất thuộc tỉnh Giang Tây ngày 20/5/2019 của ông Tập Cận Bình cũng đã có ý nghĩa như một thông điệp cứng rắn của Trung Nam Hải gửi tới Nhà Trắng, khiến Washington phải chùn tay để tránh cho nền công nghiệp nước này, nhất là công nghiệp bán dẫn – những tổn thất nghiêm trọng.

Câu chuyện vài năm trước vừa như nguôi ngoai, thì gần đây, bỗng có chiều hướng bùng phát trở lại. Nhiều hãng truyền thông quốc tế, ngay đầu năm 2022, đã chú ý tới một động thái của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc vừa nâng hạn ngạch khai thác lô đất hiếm lần đầu tiên trong năm 2022 tăng thêm 20%, khoảng trên 100.000 tấn, so với mức khai thác lô đất hiếm đầu tiên trong năm 2021. Theo đó, hạn ngạch nấu chảy và phân tách kim loại cũng tăng lên. Lý do, theo truyền thông Trung Quốc, trong đó có tờ Thời báo Hoàn cầu, là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn đối với ngành sản xuất tuabin gió, ô tô chạy bằng năng lượng mới sạch…, góp phần tăng tốc quá trình chuyển đổi “năng lượng xanh”.

Vậy mà mục đích trách nhiệm trên của Trung Quốc lại bị coi là “đáng ngờ” và theo dư luận, có thể khiến Mỹ khó chịu? Không quá khó hiểu. Bằng việc làm này, Bắc Kinh hẳn muốn gián tiếp khẳng định rằng, lời cảnh báo của Washington về việc Trung Quốc sẽ dùng đất hiếm như một vũ khí làm “gián đoạn các chuỗi cung ứng của Mỹ”, từ đó, ảnh hưởng tới nhiều ngành sản xuất toàn cầu, cùng việc Mỹ đã hối hả tài trợ không hoàn lại để tái khởi động việc sản xuất kim loại đất hiếm ở nước này gần đây, chỉ là ngôn từ, việc làm của kẻ thiếu đứng đắn. Nội một việc gia tăng sản lượng khai thác của lô đất nêu trên, đủ thấy, Trung Quốc chưa hề có ý định làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm sử dụng nguyên liệu đất hiếm để đe dọa, tạo lợi thế trước Mỹ và các nền kinh tế khác, nhất là trong bối cảnh mọi quốc gia cần chung tay, làm tất cả để đóng góp vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau hơn hai năm bị đại dịch Covid-19 tàn phá, làm suy thoái nghiêm trọng.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới