Thursday, January 23, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tiết lộ bí kíp xây đường sắt sâu nhất thế giới:...

TQ tiết lộ bí kíp xây đường sắt sâu nhất thế giới: Ngay dưới Vạn Lý Trường Thành

Để bảo vệ và tránh làm hư hại cấu trúc của Vạn Lý Trường Thành, tuyến đường sắt và nhà ga được xây rất sâu dưới lòng đất.

Vạn Lý Trường Thành Bát Đạt Lĩnh là nhà ga ngầm sâu nhất thế giới.

Ga tàu khổng lồ bên dưới Vạn Lý Trường Thành

Từ ngay trước thềm Olympic Bắc Kinh, tàu cao tốc tự lái đầu tiên của thế giới đã đi vào hoạt động, giúp các vận động viên và quan chức di chuyển giữa 2 thành phố diễn ra Thế vận hội thông qua tuyến đường sắt liên thành Bắc Kinh – Trương Gia Khẩu.

Chỉ riêng việc đoàn tàu cao tốc này có năng lực tự hành đã là một điều đáng kể. Thế nhưng giữa hành trình kéo dài 56 phút, đoàn tàu còn băng qua một “kỳ quan”: Đó là nhà ga Vạn Lý Trường Thành Bát Đạt Lĩnh.

Được hoàn thành năm 2019, nhà ga nằm ngay gần lối vào Bát Đạt Lĩnh, đoạn trường thành được viếng thăm nhiều nhất. Để bảo vệ và tránh làm hư hại cấu trúc của di tích, tuyến đường sắt và nhà ga được xây rất sâu dưới lòng đất.

Nằm cách mặt đất 102m và bao phủ một khu vực rộng hơn 36.000 m2, cấu trúc ba tầng này được coi là ga tàu cao tốc ngầm sâu nhất và lớn nhất thế giới.

Công tác xây dựng một ga tàu phức tạp như vậy, cùng với hệ thống đường hầm dài 12km bên dưới một di sản thế giới không phải chuyện dễ dàng.

Theo truyền thông Trung Quốc, các kỹ sư đã sử dụng kíp nổ điện để căn chỉnh thời gian chính xác tới 1 phần nghìn giây. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng ở Trung Quốc và nó cho phép các công nhân duy trì vận tốc rung dưới 0,2cm/s.

Điều đó có nghĩa là mọi vụ nổ đều được tính toán chính xác để đảm bảo tác động lên Trường Thành không mạnh hơn một bước chân.

Khởi công từ năm 2016, quá trình xây dựng đường hầm và nhà ga mất 3 năm mới hoàn thành. Tuyến đường sắt cao tốc đã thu ngắn hành trình giữa Bắc Kinh và Bát Đạt Lĩnh từ 1.5 giờ (chưa tính tới trường hợp tắc đường) xuống còn khoảng 27 phút.

Nhà ga nằm cách trạm cáp treo của Trường Thành chỉ vài phút di chuyển và cách điểm khởi đầu của đoạn Bát Đạt Lĩnh khoảng 800m. Đây cũng là nơi có thang cuốn dài thứ hai Trung Quốc với 88m chiều dài và 42m chiều cao.

Do hành khách cần có thời gian di chuyển xuống sân ga nên cổng vào ga Bát Đạt Lĩnh sẽ đóng trước khi chuyến tàu cuối khởi hành 12 phút thay vì 5 phút như các nhà ga khác ở Trung Quốc.

Đường sắt sâu nhất thế giới: Trung Quốc tính toán cực khủng bên dưới Vạn Lý Trường Thành - Ảnh 3.
Thang cuốn ở nhà ga Trường Thành Bát Đạt Lĩnh.

Tàu cao tốc thế hệ mới của Trung Quốc

Tuyến đường sắt Bắc Kinh – Trương Gia Khẩu dài 173km vận hành tàu cao tốc thế hệ mới Phục Hưng do Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc phát triển. Được ra mắt từ đầu tháng 1, đoàn tàu này có thể chạy với vận tốc lên tới 350 km/h và giảm bớt thời gian di chuyển giữa 2 thành phố diễn ra Olympic từ 3 tiếng xuống còn 56 phút.

Mặc dù Phục Hưng là tàu tự động nhưng vẫn có một tài xế theo dõi thường trực trên suốt hành trình. Tàu có thể tự động chạy, dừng và điều chỉnh theo giới hạn tốc độ khác nhau giữa các ga.

Tàu có 8 toa, trang bị sóng 5G, hệ thống chiếu sáng thông minh và 2.718 cảm biến để thu thập dữ liệu thời gian thực và phát hiện các yếu tố bất thường khi hoạt động.

Đường sắt sâu nhất thế giới: Trung Quốc tính toán cực khủng bên dưới Vạn Lý Trường Thành - Ảnh 4.
Tàu cao tốc tuyến Bắc Kinh – Trương Gia Khẩu di chuyển qua Cư Dung Quan.

Các cabin đặc biệt được thiết kế phù hợp với vận động viên. Ví dụ, một số cabin có khu vực chứa đồ rộng hơn để cất dụng cụ thể thao mùa đông, sử dụng mã QR để truy cập.

Ngoài tuyến đường sắt chính, còn có hai nhánh Diên Khánh và Sùng Lễ để đưa hành khách tới 2 làng Olympic.

Kể từ 21/1, Bắc Kinh cũng đã khởi động hệ thống quản lý khép kín, hay còn gọi là “bong bóng” Thế vận hội. Những người tới Olympic sẽ không ngồi cùng cabin với hành khách khác trên tuyến đường.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới