Cho dù là hai đối tác thương mại khổng lồ, phụ thuộc lẫn nhau, nhưng cạnh tranh Mỹ – Trung, trong những năm gần đây, không vì thế mà bớt căng thẳng. Có thể nắm tay ở trên, nhưng nhiều trường hợp, dưới mặt bàn, hai bên lại có những toan tính riêng.
Tiếp theo Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới được Thượng viện thông qua nằm ngoài, toan tính riêng Mỹ mà âm thầm chuẩn bị lâu nay, là Đạo luật về Cạnh tranh ở Mỹ 2022. Truyền thông đưa tin, đạo luật quan trọng này có độ dày tới 3.000 trang đã được Tổng thống Joe Biden phê duyệt. Về nội dung, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, ngày 4/2 khẳng định: “Đạo luật Cạnh tranh Mỹ sẽ giúp đảm bảo Mỹ vượt trội về sản xuất, đổi mới và sức mạnh kinh tế, có khả năng cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào”. Bà Nancy Pelosi còn cụ thể thêm: Đạo luật sẽ thúc đẩy đầu tư vào chip, bán dẫn cũng như thúc đẩy sản xuất, nghiên cứu của Mỹ…
Rõ một điều, bóng dáng của Trung Quốc thấp thoáng trong phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Nói cách khác, một khi phát biểu như vậy, bà Nancy Pelosi hẳn đã thấy rõ bối cảnh thời điểm này: Trung Quốc, sau những tiến bộ vượt bậc về công nghệ thời gian qua, hiện đang chiếm những ưu thế đáng kể, đồng thời không giấu tham vọng những biến ưu thế đó thành vũ khí để cường quốc 1,7 tỷ dân này lật đổ vị trí thống trị của Mỹ một cách ngoạn mục, thỏa giấc mộng Trung Hoa…Và như vậy, không thể chậm hơn, Đạo luật cạnh tranh 2022 cần phải ra đời để hiện thực hóa mục tiêu Chính quyền của tổng thống Biden quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Trung Nam Hải.
Một đạo luật nhằm mục tiêu quan trọng như vậy, Trung Quốc không thể không quan tâm. Nhiều người bình luận: rất có thể, sự kiện này của người Mỹ bên Tây bán cầu sẽ khiến bên Đông bán cầu, người dân quê hương Lỗ Tấn cảm thấy ân hận.
Sao phải ân hận? Đây không là một câu hỏi khó. Dư luận, nhất là giới chuyên môn, am hiểu và theo sát diễn biến quan hệ Mỹ – Trung, nhận định: Tham vọng lộ liễu của Trung Quốc đã khiến người Mỹ nổi giận, trở nên “hung hăng” với Trung Quốc, trong đó, cuộc đối đầu gay gắt của Mỹ với Trung Quốc những năm gần đây, điển hình là cuộc chiến thương mại với những đòn ăn miếng trả miếng liên tiếp của cả hai bên nhằm vào nhau, là thí dụ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung với những bước leo thang căng thẳng, chẳng bỗng nhiên mà có. Chính sự vươn vai và tiếng gầm kinh thiên động địa đầy tham vọng của con hổ Trung Hoa đã khiến Mỹ choàng tỉnh, lo ngại địa vị thống trị thế giới của mình bị đe dọa. Không chỉ trên mặt trận kinh tế, tham vọng của Trung Quốc còn thể hiện một cách điên cuồng trên Biển Đông, điển hình là việc Bắc Kinh đơn phương áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà”, đồng thời, sẵn sàng ra dùng bạo lực đối với các quốc gia không chấp nhận.
Hoặc là bây giờ phải có ngay các biện pháp ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc; hoặc là không làm gì, để dần dần bị gã nhà giàu mới nổi này soán ngôi? Đó là bài toán đặt ra với Mỹ.
Tất nhiên, một cường quốc, tới thời điểm này, vẫn là số 1 như Mỹ, không thể chấp nhận phương án thứ hai. Thế là thời gian qua, không tính đến những động thái kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông, thế giới chứng kiến một quan hệ cặp đôi Mỹ – Trung với những xung đột, lúc bùng lên dữ dội, lúc lắng xuống tạm thời, lẩn sau những hợp tác nhiều khi có tính bề ngoài đầy nghi hoặc trên mặt trận kinh tế và công nghệ.
Tất nhiên, dù đã có những bước tiến vượt bậc sau gần 50 cải cách mở cửa, xét tổng thể, trong cuộc rượt đuổi này, để bắt kịp Mỹ, Trung Quốc vẫn còn phải chờ tới… khuya!
Giá như cứ kiên nhẫn “ẩn mình chờ thời” thêm lâu lâu, thay vì thể hiện tham vọng và sự trỗi dậy một cách sốt ruột như thời gian qua, biết đâu, người Mỹ vẫn mất cảnh giác? Nhưng khi người Trung Quốc ngộ ra được sự khôn ngoan đó, thì người Mỹ đã tỉnh giấc và… hết dại mất rồi.
T.V