Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của...

Lý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của Ukraine (P3)

Tháng 11/2021, Vladislav Surkov, nhà tư tưởng trung thành của Putin, đã chuyển sự chú ý sang câu hỏi về đế chế. “Nhà nước Nga, với tình hình nội tại nghiêm trọng và không linh hoạt, chỉ có thể tồn tại được nhờ sự mở rộng không mệt mỏi ra ngoài biên giới. Từ lâu, nó đã không còn biết cách làm thế nào để có thể tồn tại nếu không phải là một đế chế.” Ông lập luận, cách duy nhất để Nga có thể thoát khỏi sự hỗn loạn là xuất khẩu nó sang một quốc gia láng giềng. Nhưng điều ông không nói ra là, việc Putin xuất khẩu hỗn loạn và bạo lực để phục vụ mục đích ấy đã làm đứt gãy mối quan hệ giữa các quốc gia và các dân tộc Slavơ theo cách mà ngay cả sự sụp đổ của đế chế Xô-viết cũng không tạo ra.

Ngày nay, Putin gọi sự sụp đổ của Liên Xô là “Sự sụp đổ của nước Nga lịch sử dưới cái tên Liên bang Xô viết”. Nhưng ông không thể khôi phục lại đế chế xưa kia. Ukraine không phải là một tỉnh, hay một thuộc địa, mà là một quốc gia đang gặp khó khăn, đang trong một quá trình tự thức tỉnh lộn xộn và nguy hiểm. Về phần mình, Belarus là một ví dụ nghiệt ngã cho thấy lý do tại sao mọi thứ phải trở nên “nghiêm trọng và không linh hoạt” nếu muốn kiềm chế quá trình tự thức tỉnh ấy. Lukashenko đã đàn áp làn sóng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc một cách tàn bạo và có tổ chức hơn bao giờ hết – một sự mỉa mai đẫm máu khi chính ông ta là người khởi đầu nguồn cơn sự việc.

Khi Putin sáp nhập Crimea, Lukashenko lo sợ đất nước mình có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo. Vì vậy, ông quyết định củng cố bản sắc Belarus mà trước đây ông luôn cố gắng trấn áp. Đó là một quyết định sẽ khiến ông phải hối tiếc. Phương tiện truyền thông xã hội nhanh chóng giúp những người theo chủ nghĩa dân tộc tự do và đã được chuẩn bị kỹ có thể tiếp cận với một nửa dân số của đất nước. Năm 2018, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước cộng hòa Belarus, người ta chứng kiến lá cờ đỏ-trắng một lần nữa tung bay.

Năm 2020, Svetlana Tikhanovskaya, người trước đây không hề dính dáng đến chính trị, đã ra tranh cử với Lukashenko trong cuộc bầu cử tổng thống, thay cho chồng mình, người khi ấy đã bị bắt giam. Những lá cờ đỏ-trắng liên tục xuất hiện trong những buổi vận động tranh cử của bà. Khi Lukashenko ‘đánh cắp’ chiến thắng bầu cử vào ngày 09/08, những người biểu tình đã dùng chính lá cờ ấy để quấn quanh một bức tượng lớn của đất nước. Giống như Ukraine, Belarus không có lịch sử nhà nước thực sự; tất cả những gì Lukashenko tạo ra kể từ năm 1994 chỉ là sự bắt chước thô thiển quá khứ Xô Viết, chủ nghĩa phát xít với đặc trưng của chủ nghĩa Stalin. Nhưng ý tưởng về một điều gì đó tươi đẹp hơn vẫn được giữ vững.

Tuy nhiên, không giống như người Ukraine, những người biểu tình ở Belarus không có nhà tài phiệt đầu sỏ ‘thân thiện với nền độc lập’ nào đứng về phía họ. Họ không giống với những người cấp tiến ở tây Ukraine, những người đã thể hiện mình sẵn sàng giết chóc và chết trên Quảng trường Maidan. Người Belarus phải đối mặt với một tổng thống không chấp nhận đứng yên như Kuchma, cũng không sẵn sàng chạy trốn như Yanukovych. Lukashenko ra lệnh đàn mạnh tay hơn nữa, và sự tàn bạo này đã được mài dũa và hướng dẫn bởi các ‘chuyên gia’ từ Moscow.

Đối với Putin, tình hình đang đi ngược lại hoàn toàn với những gì các lãnh đạo ở Viskuli phải đối mặt cách đây 30 năm. Khi ấy, một Ukraine tự do và độc lập – và tương tự là Belarus, ở một mức độ thấp hơn – là điều kiện cần thiết cho mục tiêu mà nước Nga muốn hướng tới. Còn giờ đây, Ukraine và Belarus tự do là một sự sỉ nhục mà nước Nga hiện tại không thể chấp nhận. Tuy nhiên, đồng thời, cuộc đấu tranh của họ cũng giúp thỏa mãn mong muốn có kẻ thù của Putin. “Thực tế địa chính trị” một nước Nga cường quốc, những gì được tuyên truyền cho người dân nước này, đã trở thành một pháo đài bị bao vây. Mỹ là kẻ thù chính. Ukraine, và những người ở Belarus và ở chính nước Nga đang có khát vọng như những cá nhân từng tham gia “cách mạng phẩm giá”, đều là tay sai của Mỹ. Thật đáng khinh bỉ vì họ đã phản bội chính đồng bào của mình.

Các cơ quan tuyên truyền của Nga đang kêu gọi tiến hành chiến tranh. Nhưng điều đó không có nghĩa là Putin có kế hoạch chiếm thêm lãnh thổ mới. Ông chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền đối với phần phía tây Ukraine. Có lẽ, ông cũng nhận thức được rằng hiện số lượng những người yêu nước ở Ukraine đã đủ để chống lại sự chiếm đóng của Nga ở miền trung, thậm chí là miền đông Ukraine, và rằng đội quân mà ông tập trung ở biên giới sẽ giỏi xâm lược hơn là chiếm đóng. Nhưng ông vẫn cần có xung đột và sự phục tùng. Một Ukraine tự do, được để yên, không bị cản trở sẽ mở ra mối đe dọa hiện hữu của lựa chọn thay thế cho đế chế [tức một nước Nga dân chủ – NBT].

Các cuộc đấu tranh của Ukraine kể từ năm 2014 diễn ra rất chậm chạp, thất vọng, và lộn xộn. Theo Evgeny Golovakha, một nhà xã hội học, điều này một phần là do “người Ukraine thích thử nghiệm”. Đúng như nhận định đó, vào năm 2019, họ đã bầu Volodymyr Zelensky – diễn viên hài từng đóng vai một giáo viên lịch sử vô tình được bầu làm tổng thống – lên đảm đương vai trò này trong đời thật. Thành tựu lớn nhất của ông, cho đến nay, là củng cố khối cử tri phản đối giới tinh hoa cũ trên khắp Ukraine, làm cho bản đồ bầu cử trông gắn kết hơn so với trước đây. Nhưng điều đó không nhất thiết sẽ giúp ông giữ được ghế trong trong vòng hai năm nữa. Yulia Mostovaya, biên tập viên của Zerkalo Nedeli, một trang tin tức trực tuyến, cho biết: “Chúng tôi thấy việc thay đổi những người nắm quyền còn dễ dàng hơn là thay đổi chính mình.”

Nhưng thay đổi đang đến rất gần; và có thể được chứng kiến trong cách mà tình hình nhân khẩu học đang ngày càng làm lu mờ lòng trung thành khu vực. Ngay cả ở miền đông Ukraine, gần 60% những người sinh sau năm 1991 nhìn thấy tương lai của họ ở EU – trên toàn quốc, con số này là 75%. Tổng cộng có 90% dân số muốn Ukraine độc lập và gần 80% lạc quan về tương lai của đất nước.

Khó mà tìm được sự lạc quan tương tự ở Nga, chứ đừng nói đến Belarus còn đang hỗn loạn. Nhưng khao khát vẫn luôn tồn tại, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Đó là lý do tại sao Alexei Navalny trước bị đầu độc, sau bị bỏ tù. Với tư cách là nhà lãnh đạo của phe đối lập với Putin, ông đã ủng hộ ý tưởng một nước Nga không phải là một đế chế, mà là một quốc gia công dân: một nhà nước vì người dân. Đó là lý do tại sao Nga gần đây đàn áp nhiều hơn. Cũng là lý do tại sao Putin không thể chấp nhận một nền hòa bình thực sự tại biên giới của mình.

Không giống như người Ukraine và người Belarus, người Nga không thể tách mình ra khỏi nước Nga, vì vậy họ phải thay đổi nó từ bên trong. Họ không thể làm điều đó ở một căn nhà nghỉ dưỡng trong rừng sâu, hoặc với vài cuộc điện thoại. Nhưng chỉ qua những thay đổi như vậy, họ mới trở nên thực sự độc lập khỏi Liên Xô một thời.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới