Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm đã lĩnh án 10 năm tù về sai phạm mua sắm thiết bị chống dịch; 24 bị can đã bị khởi tố trong vụ kit test Việt Á; 4 người ở Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị khởi tố liên quan đến Covid-19.
Tháng 4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.
C03 đã khởi tố 10 bị can để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đến tháng 12/2020, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án trên ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo từ 3 năm đến 10 năm tù, trong đó bị cáo Nguyễn Nhật Cảm lĩnh án 10 năm tù.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, 6 bị cáo: Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Đào Thế Vinh, Nguyễn Trần Duy, Nguyễn Ngọc Quỳnh, đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng không được TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận.\
Khi vụ án CDC Hà Nội chưa kịp lắng xuống, thì cuối tháng 12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là kit xét nghiệm Covid) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 22 bị can và Công an TPHCM đã khởi tố 2 bị can, về các tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong số bị can này có 3 quan chức cấp Vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và 4 Giám đốc CDC các tỉnh.
Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỷ đồng, tạm giữ số tiền hơn 4,8 tỷ đồng do một số đối tượng có liên quan tự nguyện giao nộp.
Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng xác định: Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra bước đầu, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit xét nghiệm Covid do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá… để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt: Việt đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền “hoa hồng” cho các “đối tác” là gần 800 tỷ đồng, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng.
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) ngày 29/12/2021, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa vụ án Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ban Chỉ đạo yêu cầu: Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh ủy, Thành ủy có liên quan phối hợp chặt chẽ, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, thông tin, quảng cáo, tổ chức sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm, việc mua bán sản phẩm… và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan đến vụ án.
Hiện nay, Bộ Công an đang tích cực mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm ngăn chặn và loại bỏ “Biến thể Việt Á” trong tương lai.
Cũng liên quan đến đại dịch Covid-19, ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Nhận hối lộ” trong việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân, xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam cùng về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự và lệnh khám xét đối với 4 bị can, gồm: Nguyễn Thị Hương Lan – Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng – Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lê Tuấn Anh – Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Lưu Tuấn Dũng – Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm trước pháp luật. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo để các cá nhân, đơn vị có liên quan biết, chủ động liên hệ làm việc.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/1/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhận được câu hỏi về những thông tin công khai trên báo chí, phản ánh người Việt về nước theo các chuyến bay giải cứu phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn. Trong vụ việc này có hay không sự trục lợi từ các chuyến bay giải cứu?
Trước khi trả lời câu hỏi, bà Hằng khẳng định, chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Trong suốt gần 2 năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ các hãng hàng không trong nước và nước ngoài thực hiện gần 800 chuyến bay, đưa hơn 200 nghìn người từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước an toàn. Điều này được thực hiện trong bối cảnh trong nước có những lúc gặp khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các chuyến bay, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan trong nước đăng tải công khai đăng tải công khai, minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội.
Để tránh tình trạng công dân bị lừa đảo, lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan khuyến cáo công dân không liên hệ các cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không chính thống; không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới, trung gian nào.
“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng là tất cả hành vi trục lợi, tiêu cực và làm thay đổi mục đích nhân đạo của các chuyến bay phải bị lên án và chịu sự trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật” – bà Hằng nhấn mạnh.
T.P