Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ ‘tàn phá’ châu Phi trên mọi lĩnh vực

TQ ‘tàn phá’ châu Phi trên mọi lĩnh vực

Khi lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi tiếp tục tăng lên, thế giới bắt đầu nhận ra rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đã mở rộng ra hầu hết các ngóc ngách của khu vực này, và ở một số nơi, họ thậm chí có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường ở châu Phi, đồng thời xuất khẩu thiết bị giám sát với danh nghĩa xây dựng các thành phố an toàn, nhanh chóng mở rộng quyền lực trong khu vực.

Trong một loạt sự kiện gần đây do Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, Hoa Kỳ tổ chức, các nhà nghiên cứu từ các quốc gia châu Phi đã đề cập tới các cách khác nhau mà chính quyền Trung Quốc tạo ảnh hưởng ở nước họ và nêu lên lo ngại về sự hiện diện hung hăng của thế lực này trong các báo cáo của mình.

Làm sói mòn dân chủ ở Mauritius

Ngoài việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở lục địa châu Phi, Trung Quốc cũng tích cực xuất khẩu thiết bị giám sát. Quốc đảo Mauritius ở phía đông châu Phi, được ca ngợi là hình mẫu của nền dân chủ châu Phi, cũng đang trở thành nạn nhân của chính quyền Trung Quốc.

Trong một báo cáo, Roukaya Kasenally, phó giáo sư tại Đại học Mauritius và là chủ tịch của Viện bầu cử dân chủ bền vững châu Phi, đã đặt câu hỏi về sự cần thiết phải thúc đẩy các thành phố thông minh ở đảo quốc này và chỉ trích sự thiếu minh bạch của chính phủ Mauriti trong các giao dịch với Trung Quốc.

Bà viết: “Dự án Thành phố an toàn Mauritius tương tự như các dự án khác trên khắp châu Phi, và có liên kết chặt chẽ với việc giám sát và kiểm soát. Có phải mô hình Big Brother của Trung Quốc đang diễn ra ở một quốc đảo được mệnh danh là ngọn hải đăng của nền dân chủ? Tại sao thực hiện dự án này? Nó phục vụ ai? Nó có đưa tự do trở lại không?”

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương ở Mauritius, trong quá trình khai triển dự án thành phố an toàn, gần 3.000 camera giám sát video thông minh đã được lắp đặt ở gần 1.500 địa điểm khác nhau, và 140 camera đã được lắp đặt dọc theo đường cao tốc và các đường lớn khác.

Báo cáo của bà Kasenally cho thấy thỏa thuận cho vay của chính phủ Mauritius và Trung Quốc, có hiệu lực từ năm 2018, sẽ kéo dài trong 20 năm với trị giá ước tính 455 triệu USD. Các thiết bị giám sát chủ yếu đến từ các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, ZTE và Hikvision.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thông tin công khai về thời hạn của hợp đồng giữa Mauritius Telecom với cảnh sát và các công ty cho vay Trung Quốc, cũng như không rõ ai sẽ là người lưu trữ và cuối cùng là người kiểm soát dữ liệu về thông tin của công dân.

Bà Kasenally nói: “Sự thiếu rõ ràng này khiến dữ liệu bị thao túng và sử dụng sai mục đích, đó là một viễn cảnh nghiệt ngã đối với những người coi trọng quyền tự do dân sự và quyền chính trị”.

Từ năm 2017 trở đi, xếp hạng của Mauritius trên Chỉ số Dân chủ toàn cầu (GDI) đã giảm xuống, khi chính phủ nước này đưa ra một loạt biện pháp được coi là độc tài, đồng thời các nhà báo và nhà lập pháp đối lập đã bị bắt và bị trục xuất. Bà Kasenally tin rằng điều này trùng khớp với thời chính phủ Mauritius xây dựng cái gọi là “thành phố an toàn”.

Trong bối cảnh Trung Quốc có các khoản vay hấp dẫn và thúc đẩy “chủ quyền” kỹ thuật số, chương trình thành phố an toàn của Trung Quốc đang nhanh chóng khai triển ở châu Phi, với 12 quốc gia ở châu Phi đã tham gia chương trình này.

Bà Kasenally nói: “Những lời hùng biện được dàn dựng của Trung Quốc nhằm giúp châu Phi thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cần phải được nhìn nhận với sự nhiệt tình thận trọng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của châu Phi ngày càng gặp rủi ro”.

Gây ra nạn tham nhũng ở Zambia

Lĩnh vực xây dựng là một lĩnh vực chính thúc đẩy nền kinh tế Zambia, và quốc gia này tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng quy mô lớn như một phần quan trọng trong chương trình nghị sự phát triển kinh tế của mình. Lĩnh vực xây dựng địa phương thu hút sự chú ý của các công ty Trung Quốc và làm nảy sinh tệ nạn tham nhũng.

Rueben Lifuka là một nhà nghiên cứu và ủng hộ chống tham nhũng đến từ Zambia. Ông chỉ ra trong một báo cáo nghiên cứu rằng các công ty xây dựng Trung Quốc có được lợi thế cạnh tranh không công bằng thông qua trợ cấp của chính phủ và tình trạng tham nhũng phổ biến trong quá trình thực hiện dự án.

Nghiên cứu của ông Lifuka cho thấy các công ty Trung Quốc giảm giá nội địa và hoạt động với tỷ suất lợi nhuận dưới 10%, so với mức trung bình từ 15% đến 25% trong ngành xây dựng; trong một số trường hợp đặc biệt, các công ty Trung Quốc có thể giảm giá đối thủ cạnh tranh tới 50% trên tổng giá dự thầu.

Tuy nhiên, trong khi một số nhà thầu Trung Quốc đặt giá thầu thấp để giành được hợp đồng, thì số tiền hợp đồng cuối cùng thường bị tăng lên do những thay đổi sau đó và tăng giá.

Trung Quốc đã trở thành nhà “tài trợ” cơ sở hạ tầng song phương lớn nhất ở châu Phi, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng tài chính mà châu lục này đầu tư cho cơ sở hạ tầng vào năm 2018. Ở Zambia, gần 85% các dự án cải tạo đường bộ được tài trợ bởi Trung Quốc. Trong các dự án đường cao tốc lớn, việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc thường là một điều kiện để nhận được tài trợ của Trung Quốc.

Báo cáo lưu ý rằng, ngoài các khoản tài trợ cho vay được tạo điều kiện thông qua các thỏa thuận song phương, nguồn tài chính dựa trên nguồn cung (CFI) từ các công ty Trung Quốc cũng đang tăng lên.

Ông Lifuka cho biết, các nhà thầu Trung Quốc đã tích cực vận động các quan chức trong các bộ ngành và cơ quan chuyên môn của Zambia đề xuất các dự án cụ thể và hứa cung cấp các khoản vay phù hợp để thực hiện các dự án. Nhưng những dự án này thường không phải là ưu tiên quốc gia và được thiết kế quá mức và đắt đỏ.

Ông nói: “Hoạt động đầu tư ra nước ngoài chủ yếu liên quan đến các cân nhắc chính trị của chính phủ Trung Quốc hơn là các mục tiêu thương mại. Các quyết định chính về nơi đầu tư và lĩnh vực nào cần hỗ trợ dựa trên cân nhắc về việc tăng cường ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc cũng như mở rộng quan hệ thương mại quốc tế”.

Các khoản đầu tư từ Trung Quốc thường chứa đựng các điều khoản và điều kiện không xác định, khiến Trung Quốc có thể đạt được các lợi ích địa chính trị ở Zambia thông qua đầu tư và mở rộng hơn nữa ảnh hưởng chính trị của mình.

Theo báo cáo, các bên cho vay của Trung Quốc đã không tiết lộ rõ ​​ràng các điều khoản và điều kiện kèm theo, khiến các bên liên quan như truyền thông, quốc hội Zambia và xã hội dân sự không thể hiểu rõ các cam kết của chính phủ Zambia.

Zambia vào năm 2020 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên lục địa châu Phi vỡ nợ. Quốc gia này đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tìm cách nhận hỗ trợ vốn vay.

Theo phân tích dữ liệu cho vay của Viện Nghiên cứu Châu Phi Trung Quốc (CARI) vào năm ngoái, nợ của Zambia đối với chính phủ Trung Quốc và các tổ chức cho vay tư nhân là 6,6 tỷ USD.

Khai thác dầu ở Nam Sudan gây ô nhiễm

Mặc dù, sản lượng dầu chiếm hơn 90% thu nhập quốc dân của Nam Sudan, nhưng việc các mỏ dầu bị ô nhiễm từ các công ty khai thác dầu khiến người dân sống ở các vùng sản xuất dầu gặp rủi ro.

Mary Ajith Goch, Giám đốc Mạng lưới Đài phát thanh Công giáo Nam Sudan và cựu chủ tịch Hiệp hội Phát triển Truyền thông, cho biết trong một báo cáo rằng kể từ khi các công ty dầu mỏ Trung Quốc đến Nam Sudan nhiều thập kỷ trước, một số lượng lớn các mỏ dầu đã bị ô nhiễm.

Dẫn lời một nhà phân tích giấu tên, bà Goch nói: “Họ [Trung Quốc] không quan tâm đến vấn đề quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, họ muốn giá rẻ hơn và thỏa thuận không minh bạch nên tôi không biết họ đã ký gì để cung cấp dịch vụ thân thiện với môi trường”.

Nhà phân tích cũng lưu ý rằng các công ty dầu mỏ Trung Quốc miễn cưỡng tuân thủ các luật liên quan do ngành dầu mỏ ở Nam Sudan đặt ra và trốn tránh trách nhiệm về các vấn đề ô nhiễm trong cộng đồng, “Họ không muốn thực hiện các chính sách này và gần đây đã từ chối một cuộc kiểm toán môi trường toàn diện, nói đây là ý tưởng của phương Tây, ý tưởng của người Mỹ”.

Sau cuộc trưng cầu dân ý về độc lập năm 2011 của Nam Sudan, các công ty dầu mỏ của Trung Quốc tiếp tục là nhà khai thác và sản xuất dầu hàng đầu trong khu vực. Do dầu mỏ là nguồn thu kinh tế lớn nhất của chính phủ Nam Sudan, điều này đã giúp gia tăng ảnh hưởng cho Trung Quốc.

Báo cáo lưu ý rằng, cư dân địa phương ở các khu vực sản xuất dầu của Nam Sudan thiếu nhận thức về sự nguy hiểm của hóa chất và chất thải đổ trước cửa nhà của họ. Các hóa chất và chất thải này được trộn với nước giếng, ao hồ và được cộng đồng sử dụng để làm nước sinh hoạt.

Theo thống kê chưa đầy đủ của tổ chức phi chính phủ địa phương “Sáng kiến ​​Sức khỏe và Môi trường sông Nile” (Nile Health and Environment Initiative), hơn 218 trẻ em sinh ra đã bị dị tật do ô nhiễm dầu ở các bang Upper Nile và Unity thuộc các vùng sản xuất dầu của Nam Sudan.

Bà Goch cũng nói rằng, để duy trì hành vi của các công ty dầu mỏ Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc môi trường địa phương, chính phủ Trung Quốc cũng đã gây áp lực lên chính phủ Nam Sudan thông qua các biện pháp ngoại giao khi ủng hộ việc gia hạn lệnh cấm vận của Liên hợp quốc đối với Nam Sudan vào năm 2021, trong khi trước đó Bắc Kinh thường bỏ phiếu trắng đối với lệnh cấm vận này.

Đánh bắt cá quá mức ở Tây và Trung Phi

Khi nguồn cá biển ở những nơi khác đang cạn kiệt, nguồn tài nguyên phong phú của Vịnh Guinea khiến khu vực này trở nên hấp dẫn đối với các đội tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, hoạt động này hiện do các tàu Trung Quốc thống trị.

Các tàu đánh bắt cá Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối ngày càng tăng ki họ nhận được sự ưu tiên và thường đánh bắt cá một cách bất hợp pháp.

Agnes Ebo’o, một chuyên gia luật quốc gia về nhân quyền, cho biết trong báo cáo rằng đánh bắt cá theo kiểu đại trà đang đẩy hoạt động đánh bắt bán công nghiệp ở nhiều nước Tây và Trung Phi đến bờ vực sụp đổ. Các tàu đánh bắt xa bờ này ngày càng tham gia vào các hoạt động đánh bắt “bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát”. Họ cũng thực hiện các hành vi phạm tội khác như đánh bắt quá mức, gian lận thuế và rửa tiền.

Ngoài cơ sở hạ tầng, đánh bắt xa bờ là một lĩnh vực mà sự tham gia của Trung Quốc ở châu Phi đang nhanh chóng vượt qua phần còn lại của thế giới. Ước tính quy mô đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc ở châu lục này là từ 3.000 đến 6.000 tàu. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Trung Quốc là Hoa Kỳ chỉ có khoảng 300 tàu.

“Việc Trung Quốc tham lam theo đuổi sự thống trị về số lượng hơn là sự thống trị về chất lượng đã mang lại cho Trung Quốc tiếng xấu, đặc biệt là ở khu vực Vịnh Guinea thuộc Tây và Trung Phi”, bà Agnes Ebo’o nói.

Sự thống trị toàn cầu của Trung Quốc đối với hoạt động đánh bắt cá trên đại dương được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm nhu cầu lớn đối với các sản phẩm cá, ngành công nghiệp đóng tàu thương mại được nhà nước trợ cấp và trợ cấp nhiên liệu cho các đội tàu đánh cá trên biển của nước này.

Bà Agnes Ebo’o cho biết, chính phủ Trung Quốc duy trì các khoản trợ cấp không công bằng cho các tàu đánh cá của họ, mang lại lợi thế cho ngư dân đánh cá Trung Quốc so với ngư dân địa phương, những con tàu trước đây có giá hàng triệu USD, trong khi toàn bộ trang thiết bị sau này chỉ vài trăm USD.

Báo cáo lưu ý rằng, tàu đánh bắt xa bờ phải treo cờ nước mình khi hoạt động ở vùng biển nước ngoài, nhưng nhiều tàu cá có chủ Trung Quốc lại treo cờ nước sở tại.

“Chính quyền các nước đã bắt giữ tàu Trung Quốc khai thác ‘bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát’. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc dường như nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi này, ngay cả khi họ không công khai hay khuyến khích họ một cách rõ ràng”, bà Agnes Ebo’o cho biết.

Bà cũng cho biết, do Trung Quốc là nhà đầu tư lớn ở châu Phi và có nhiều ảnh hưởng trong khu vực, nhiều chính phủ của các quốc gia bị ảnh hưởng bởi tác động của hoạt động đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đã miễn cưỡng lên án hành vi của tàu đánh cá Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới