Petrolimex, PV Oil đã lên phương án nhập khẩu xăng dầu để bù đắp thiếu hụt trong nước do Nhà máy Nghi Sơn đang trong tình trạng khó khăn về tài chính.
Tồn kho xăng dầu giảm đáng kể so với thời điểm cuối quý III
Trong những ngày đầu đầu năm Nhâm Dần, tình hình cung ứng xăng dầu trên thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn, xảy ra hiện tượng khan hiếm một số nơi. Tại cuộc họp ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu lên 2 lý do dẫn đến tình trạng trên.
Đầu tiên, Việt Nam chịu ảnh hưởng của nguồn cung và giá cả của thế giới. Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định nguồn cung xăng dầu thế giới khan hiếm và giá cả có xu hướng tăng là tất yếu bởi sự phục hồi kinh tế toàn cầu dẫn đến tổng cầu tăng. Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và các quốc gia, lãnh thổ sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa và khí đốt. Bên cạnh đó, có hiện tượng đứt gãy nguồn cung xăng dầu do dứt gãy cung ứng lao động, vật tư, sản lượng khai thác do đại dịch Covid-19; các quốc gia đều tung các gói kích cầu, phục hồi kinh tế dẫn đến tình trạng lạm phát.
Ngoài biến động chung thế giới, Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng đứt gãy nguồn cung do Nhà máy Nghi Sơn đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, có hiện tượng lợi dụng tình hình trên nên găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi, gây khủng hoảng.
Theo thống kê của Người Đồng Hành, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng trong 4 kỳ điều hành gần đây theo giá thế giới. Giá xăng RON 95-IV vùng 1 tại kỳ điều hành gần nhất 21/1 đạt 24.860 đồng/lít, tăng 8% so với cuối quý III và tăng 50% so với đầu năm 2021. Dầu diesel cũng lần lượt tăng 14% và 51,3%, dầu hỏa tăng 14% và 58,3%.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng khẳng định toàn ngành Công Thương phải xác định, bảo đảm nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ hàng đầu và kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục vụ nền kinh tế.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu thị trường đến tháng 2. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có kế hoạch chạy đủ 100% công suất từ 15/3. Đồng thời, các dầu mối thương nhân như PV Oil, Petrolimex cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn trung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh đó, soi giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp xăng dầu lớn đa phần tăng so với đầu năm nhưng đã giảm đáng kể so với thời điểm cuối quý III. Nguyên nhân có thể một phần do diễn biến giá tăng và sự phục hồi nhu cầu trong quý cuối năm sau khoảng thời gian dài thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vì dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo BCTC hợp nhất quý IV/2021, giá trị hàng tồn kho của Petrolimex ( HoSE: PLX ) thời điểm cuối năm đạt 13.384 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản, tăng 12% so với cuối quý III và tăng 42% so với đầu năm.
Lọc hóa dầu Bình Sơn ( UPCoM: BSR ) ghi nhận 10.334 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm mạnh 41,6% so với quý III nhưng tăng 23% so với đầu năm. Hàng tồn kho chiếm 15,5% tổng tài sản BSR tại thời điểm cuối năm.
Tương tự, PV Oil ( UPCoM: OIL ) cũng giảm 20% giá trị hàng tồn kho so với quý III/2021 xuống 2.579 tỷ đồng cuối năm, song vẫn tăng 41% so với đầu năm.
Công ty Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu ( HoSE: PSH ) ghi nhận 5.102 tỷ đồng hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm, chiếm 52% tổng tài sản. So với cuối quý III, giá trị hàng tồn kho giảm 14% và so với đầu năm thì duy trì tương đương.
Giá dầu dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2022 do nhu cầu phục hồi
Nhìn chung, giá xăng dầu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh cũng như lọc hóa dầu. Theo SSI Research, biến động của giá dầu có thể tác động lên mức tăng/giảm doanh thu, lãi/lỗ hàng tồn kho của đơn vị phân phối như Petrolimex, PV Oil; hay ảnh hưởng đến biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho của BSR.
Giá dầu Brent đã vượt 90 USD/thùng vào ngày 3/2, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2014; tính đến nay vẫn duy trì trên mốc này. Nguyên nhân đến từ sự phục hồi nhu cầu mạnh mẽ sau dịch trong khi nguồn cung được kiểm soát thận trọng (OPEC+ trong cuộc họp ngày 2/2 đã giữ nguyên lộ trình sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày chứ không tăng nhiều hơn). Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng như tình trạng nóng lên ở Trung Đông thúc đẩy giá dầu.
SSI Research cho biết dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới lạc quan về triển vọng giá dầu năm 2022. Như Goldman Sachs trong báo cáo cuối tháng 1 dự báo giá dầu có thể đạt 100 USD/thùng vào 2 quý cuối năm 2022 và mức trung bình cả năm đạt 95,8 USD/thùng, đến năm 2023 có thể đạt trung bình 105 USD/thùng.
Theo OPEC, tổng số giàn khoan đang hoạt động trong năm 2021 đã vượt năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với 2019. Nguyên nhân là do hoạt động đầu tư đã chuyển sang hướng nhiên liệu xanh, đầu tư nhiều vào nhiên liệu hóa thanh đã giảm trong những năm gần đây. Do vậy, tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn.
Như vậy, yếu tố hỗ trợ giá dầu là nhu cầu hồi phục khi các nền kinh tế mở cửa, đặc biệt là ngành hàng không. Đồng thời, bất kỳ vấn đề nào liên quan đến bất ổn chính trị cũng có thể khiến giá dầu tăng trong ngắn hạn. Song, một rủi ro lớn cho giá dầu vẫn là dịch bệnh với biến thể Covid-19 mới.
T.P