Friday, November 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCon trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói về những vấn...

Con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói về những vấn đề tồn tại trong Đảng

Tôi tin lời hiệu triệu của Tổng Bí thư khi ông nói rằng Đảng đang sẵn sàng, trung thực đối diện với khuyết điểm và lắng nghe những góp ý, phê bình thẳng thắn nhất.

TS. Lê Kiên Thành.

Phải làm gì để được nhìn con tàu này dong buồm ra khơi, tôi mong ở cương vị của mình, Tổng Bí thư sẽ tìm ra được câu trả lời.

Khi tôi viết một bài về Đảng dịp đầu xuân năm nay, lòng tôi nặng trĩu…

Vì chỉ vài ngày trước thôi, ngay trước Tết Nguyên đán, hàng loạt các cán bộ – đảng viên nắm vị trí quan trọng trong Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao, những người có trách nhiệm bảo hộ công dân Việt Nam, đã bị bắt vì nhận hối lộ, móc nối với doanh nghiệp để trục lợi trong các chuyến bay giải cứu đưa người Việt Nam về nước trong đại dịch. Trước đó là vụ kit test Việt Á. Họ đều là Đảng viên, nhưng giẫm đạp lên xương máu đồng bào tôi để kiếm tiền trong lúc dân tộc này đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng.

Còn bao nhiêu vụ việc tương tự nữa? Tôi đoán là nhiều, nếu chúng ta có thể khui hết ra được…

Tôi còn nhớ tháng 9/2012, khi Hội nghị TW6 khóa XI chuẩn bị diễn ra, tôi đã trả lời phỏng vấn nhà báo Tô Lan Hương về sự suy thoái của Đảng, về sự lâm nguy của Đảng, về sự tồn vong của Đảng – điều mà chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã chỉ ra trong văn kiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Đó là lần đầu tiên, người đứng đầu Đảng đã can đảm thay mặt Đảng thừa nhận những tồn tại, những yếu kém trong Đảng, rằng việc có triệt để chấn chỉnh được sự suy thoái đó hay không sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Đó cũng là lần đầu tiên, khi đứng trước sự lâm nguy, người đứng đầu Đảng thừa nhận sự lâm nguy đó do chính chúng ta tạo ra, chứ không phải do bất cứ “thế lực bên ngoài” nào đe dọa.

Tôi xin được trích lại một phần nội dung Nghị quyết: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ… Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI như tôi hiểu là cuộc chiến trực diện nhất, quyết liệt nhất, nhắm vào những lực lượng ghê gớm nhất trong Đảng, lực lượng thao túng mọi vấn đề kinh tế mà bản thân việc thao túng đó đang đẩy Đảng đến nguy cơ sụp đổ. Nó thắp vào lòng những Đảng viên yêu Đảng như tôi niềm hy vọng vào sự hồi sinh của Đảng. Tôi đã thật lòng mong rằng, sự can đảm đó của Đảng và Tổng Bí thư sẽ là sự khởi đầu cho một hành động đặc biệt, chấn chỉnh lại Đảng với những suy thoái đã đến mức báo động đỏ.

Năm 2016, Đảng khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô lớn, thường được người dân gọi là chiến dịch “đốt lò”. 6 năm qua, tôi đã chứng kiến những Ủy viên Bộ Chính trị bị bắt, đã nhìn thấy những người từng là Anh hùng LLVTND đứng trước vành móng ngựa; đã thấy Trung tướng công an bảo kê cho đường dây cờ bạc bị tuyên án, đã thấy Bộ trưởng về hưu cũng không thể “hạ cánh an toàn”….

Nhưng nếu bảo tôi có vui mừng không? Tôi sẽ không thể trả lời “có”!

Tôi tin vào khát vọng và quyết tâm làm trong sạch Đảng của Tổng Bí thư, càng tin là ông sẽ còn quyết liệt hơn nữa cho đến tận khi ông kết thúc nhiệm kỳ của mình. Nhưng có lẽ nó vẫn là chưa đủ…

Mấy hôm trước, khi gặp một vị quan chức đang giữ vị trí rất cao trong Đảng, tôi đã chia sẻ: Những cuộc đốt lò của chúng ta suốt 6 năm qua, nó có thể giảm bớt được sự bức xúc của xã hội, có thể giúp người dân tìm được chỗ để xả cơn giận, nhưng không thể giải quyết được tận gốc rễ những vấn đề thực sự của Đảng. Vì 6 năm qua, không thể đếm được bao nhiều quan chức từ trung ương đến địa phương bị bắt giữ, bị xử phạt với những án tù mà dù có ở tù cả đời cũng không hết, nhưng tham quan không vì thế mà ít đi, những vụ tham nhũng không vì thế mà ít đi. Những vụ tiêu cực được vạch trần gần đây không chỉ khiến những người Đảng viên, những người dân như tôi lạnh lòng vì những quan chức – đảng viên ấy đã kiếm tiền không run tay trên xương máu đồng bào mình, mà còn bởi những vụ án đó liên quan đến không chỉ một người, mà liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, ở nhiều cấp khác nhau. Một cá nhân tham nhũng, chúng ta có thể trừng trị cá nhân đó? Nhưng khi mà sự tham nhũng đó mang tính hệ thống, thì chúng ta phải làm sao với chính hệ thống của mình? Với vấn đề này Tổng Bí thư từng nói “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”.

Mỗi khi có một quan chức bị bắt, tôi nhìn thấy sự hân hoan đâu đó trên gương mặt những người xung quanh tôi. Nhưng đến giờ, khi công cuộc đốt lò đã thực hiện được nhiều năm, tôi vẫn biết rằng, kết quả của sự nghiệp đốt lò của Đảng còn chưa đạt được những mục tiêu mà Đảng đã đề ra, còn chưa đáp ứng được mong muốn của nhân dân – những người mà niềm tin của họ vốn đang bị những tiêu cực có tính hệ thống trong Đảng nhiều năm qua làm cho bị xói mòn. Cái lò cháy mỗi ngày một to, củi mỗi ngày một nhiều, nhưng “những kẻ cơ hội” vẫn còn đó, nắm giữ những vị trí cao trong Đảng và Chính quyền. Nói như lời nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “nếu kỷ luật hết thì lấy ai mà làm việc”.

Khi tôi nhìn những quan chức bị bắt, đứng trước vành móng ngựa với tội danh rõ ràng vẫn thản nhiên cãi rằng họ “không lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi”, thì tôi hiểu rằng, kể cả có cho họ làm lại một lần nữa, họ vẫn sẽ làm thế.

Chúng ta có thể loại bỏ họ ra khỏi hàng ngũ Đảng, điều đó rất đơn giản. Nhưng nếu vứt bỏ thành phần đó mà thay bằng những con người khác, những Đảng viên khác, liệu có gì đảm bảo người sau sẽ tốt hơn người trước?

Tôi hay nhớ ba mình mỗi khi ai đó nhắc tôi về những vấn đề của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Ba tôi từng kể đi lể lại một câu chuyện khi ông còn sống và lần nào kể ông cũng khóc. Lúc ông còn trong nhà tù Côn Đảo, có một người đồng chí trước lúc chết đã đưa cho ông manh áo cuối cùng với lời trăng trối: “Ba ơi, tao muốn làm được gì cho Đảng mà không có cơ hội. Mày hãy mặc cái áo này của tao, để tao chết trần truồng, để tao có cơ hội được đóng góp cho Đảng”. Ba tôi giữ lại cái áo đó, nó nhắc nhở ông mỗi ngày rằng, việc ông còn sống, dù tù tội, cũng là hạnh phúc. Vì còn sống và còn được hy sinh cho Đảng là giấc mơ mà người bạn tù đã nằm xuống của ông không làm nổi.

Đó là cách mà những người Cộng sản thế hệ ba tôi đã sống!

Thế hệ ba tôi có cách chọn lọc tự nhiên để tìm ra những Đảng viên tốt. Khi đó Đảng mới thành lập, nếu là Đảng viên, anh phải chấp nhận đối mặt với tù đày dù chưa biết có được gì hay không. Nếu là Ủy viên Trung ương mà bị bắt thì anh cầm chắc bị xử bắn. Người nào dám chấp nhận tất cả những điều đó, thì mới là Đảng viên. Nên những người chấp nhận là Đảng viên là những người can đảm nhất, ít vụ lợi nhất, yêu dân tộc này nhất, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc này nhất.

Nhưng ngày hôm nay, điều kiện để chọn lọc tự nhiên như thế không còn nữa.

Giờ vào Đảng thì mới có cơ hội được làm lãnh đạo, mới có cơ hội thành Thứ trưởng, Bộ trưởng, hoặc cao hơn. Vào Đảng bây giờ gắn liền với quyền lợi, gắn liền với lợi ích về công danh, sự nghiệp và (sau đó) luôn là tiền bạc. Nếu giờ đất nước có chiến tranh, có tai họa lớn xảy ra, thì không có gì đảm bảo những người đó sẽ là những người hy sinh nhất, xông pha nhất… Và sự thực như chúng ta đã nhìn thấy, trong đại dịch, nhiều người đã kiếm tiền trên xương máu và sự an nguy của đồng bào.

Chúng ta không chỉ có Điều lệ Đảng mà còn có 19 điều Đảng viên không được làm. Nhưng cái cao nhất mà một người Đảng viên phải tuân theo là trung thành với đất nước, trung thành với nhân dân, xả thân vì dân tộc. Khi người Đảng viên làm được điều đó, thì không cần có 19 điều cấm kia nữa. Còn nếu họ đã không trung thành với đất nước này, với nhân dân này, nếu họ không đặt dân tộc và nhân dân lên cao hơn tất thảy, thì mọi điều họ làm đều vô nghĩa.

Năm 2018, Tổng Bí thư từng nói: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những kẻ cơ hội”. Nhưng thực tế là vẫn có không ít kẻ cơ hội đang nắm giữ những trọng trách lớn trong hệ thống của chúng ta.

Nếu chúng ta có một khu vườn với những cái cây mục ruỗng vì sâu bọ, chúng ta không thể bắt sâu và nhổ đi những cái cây đó là xong, vì mầm bệnh vẫn còn đó, sâu bọ vẫn sẽ tiếp tục sinh sôi. Chừng nào chúng ta chưa thực sự đối diện với nguyên nhân sâu xa nhất, gốc rễ nhất của vấn đề, thì khu vườn của chúng ta không thể ươm ra được những mầm cây tốt. Cho nên, “đốt lò” có thể là việc cần thiết để loại bỏ những kẻ cơ hội trong Đảng, nhưng làm thế nào để ngăn chặn Đảng viên trở thành những kẻ cơ hội, ngăn chặn nguy cơ họ sẽ thành “củi”, còn quan trọng hơn nhiều.

Để sửa đổi những vấn đề trong Đảng – điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng đã khởi xướng 10 năm qua, thì đốt lò thôi không đủ, phải thay đổi nguyên lý của Đảng. Ngay như Quốc hội, cơ quan dân cử mà lại có đến 90% Đảng viên, thì tính giám sát đối với Đảng và Chính phủ đã yếu đi rất nhiều. Cũng đã đến lúc, chúng ta phải chấp nhận những người không phải Đảng viên, nhưng có năng lực, có phẩm giá được nắm giữ những vị trí cao hơn trong chính quyền, để hai chữ “Đảng viên” không còn đi đôi với đặc quyền của nhiều quan chức.

Trong những năm qua, có những thời điểm buồn bã, tôi muốn xin ra khỏi Đảng. Một người bạn của tôi – là người giữ trọng trách trong chính quyền biết chuyện đã nói với tôi: “Lẽ nào anh sẵn lòng từ bỏ con tàu này, từ bỏ con tàu mà ba tôi và ba anh cùng nhiều người khác đã tạo nên bằng bao xương máu? Từ bỏ mà không quan tâm đến vận mệnh con tàu, mặc kệ nó sẽ giương buồm ra khơi hay chìm đi trong gió bão”.

Bạn tôi nói đúng, tôi không thể từ bỏ. Vì tôi là con của ba tôi – là nhà lãnh đạo đứng đầu Đảng Cộng sản suốt nhiều năm trời , người đã nằm tù Hỏa Lò, Côn Đảo, đã hy sinh cả cuộc đời riêng vì dân tộc. Nếu từ bỏ, thì tôi không còn xứng đáng là con của ông nữa. Tôi không có bất cứ vị trí nào trong Đảng để có thể tạo ra sự ảnh hưởng, tôi không có quyền lực để có thể tạo ra sự thay đổi. Nhưng tôi luôn nghĩ xem ở vị trí của mình, tôi có thể làm gì: điều duy nhất là lên tiếng, không ngừng lên tiếng và tiếp tục thẳng thắn nói về những vấn đề tồn tại trong Đảng mà tôi nhìn thấy. Vì tôi tin lời hiệu triệu của Tổng Bí thư khi ông nói rằng Đảng đang sẵn sàng, trung thực đối diện với khuyết điểm và lắng nghe những góp ý, phê bình thẳng thắn nhất. Phải làm gì để được nhìn con tàu này dong buồm ra khơi, chứ không phải nhìn thấy nó cứ thế chìm đi, tôi mong ở cương vị của mình, Tổng Bí thư sẽ tìm ra được câu trả lời.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới