Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ vừa bị Triều Tiên biến thành "tấm bia chắn đạn": Nước...

TQ vừa bị Triều Tiên biến thành “tấm bia chắn đạn”: Nước cờ chiến lược!

Vị trí đặt căn cứ tên lửa vừa giúp Triều Tiên tránh được nguy cơ bị tấn công phủ đầu vì đối phương có thể nã nhầm hỏa lực vào lãnh thổ Trung Quốc, vừa giúp mở rộng kho vũ khí.

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên tại một địa điểm không được tiết lộ.

Triều Tiên đã mở màn năm 2022 với hàng loạt vụ thử tên lửa gây chấn động thế giới. Nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó.

Trong báo cáo được công bố hôm 7/2, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho biết, dựa vào hình chụp từ vệ tinh thương mại của hãng Maxar ngày 21/1, một căn cứ ở Hoejung-ni, tỉnh Chagang có thể là Triều Tiên nơi đặt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Theo NYT, điều gây chú ý hơn nữa là căn cứ được cho là chỉ cách biên giới với Trung Quốc chỉ khoảng 24km.

MỘI MŨI TÊN TRÚNG HAI ĐÍCH

Đây được xem là một trong 20 căn cứ tên lửa đạn đạo bí mật của Triều Tiên, nằm bên trong một thung lũng hẻo lánh, cây cối rậm rạp thuộc tỉnh Chagang.

Các nhà phân tích cho rằng, địa điểm được chọn đặt căn cứ của Triều Tiên nằm trong tính toán chiến lược của nước này.

Thứ nhất, nó giúp ngăn chặn các cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ nhằm vào các vũ khí quan trọng nhất của Triều Tiên vì mối đe dọa có thể nã nhầm hỏa lực vào lãnh thổ Trung Quốc.

Victor Cha, Phó chủ tịch cấp cao kiêm chuyên gia về Triều Tiên tại CSIS cho biết: “Vị trí gần biên giới Trung Quốc đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn tiềm năng đối với một cuộc tấn công phủ đầu có thể ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc”.

Thứ hai, Bình Nhưỡng cũng sẽ có cơ hội tốt hơn để mở rộng kho vũ khí của mình.

Báo cáo cho biết: “Căn cứ tên lửa Hoejung-ni nhiều khả năng có thể là nơi đóng quân của đơn vị cấp trung đoàn được trang bị ICBM. Từ hình ảnh vệ tinh, các nguồn thông tin và dữ liệu ít ỏi có sẵn, căn cứ đã sẵn sàng là nơi triển khai ICBM”.

Chỉ trong tháng 1, Triều Tiên đã phóng 11 tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, khiến Mỹ kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung tại Liên Hợp Quốc. Động thái mới nhất của Bình Nhưỡng cũng làm dấy lên lo ngại họ có thể nối lại việc thử ICBM trong tương lai gần.

Triều Tiên đã tiến hành vụ thử ICBM cuối cùng vào tháng 11/2017, sau đó tuyên bố ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công bất kỳ khu vực nào của lục địa Mỹ.

Theo các nguồn tin, nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử ICBM trong năm nay, rất có thể nó sẽ từ các phương tiện được đặt trong một căn cứ như Hoejung-ni này.

Mặc dù không rõ liệu Hoejung-ni có hoạt động đầy đủ hay không, nhưng hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng một ICBM của Triều Tiên sẽ được phóng đi từ một cơ sở quân sự bí mật tương tự.

CĂN CỨ ICBM THỨ HAI CỦA TRIỀU TIÊN?

Hoejung-ni là căn cứ ICBM khả dĩ thứ hai ở Triều Tiên mà các nhà phân tích của CSIS đã xác định.

CSIS cũng từng xác định Yusang-ni, một căn cứ cách thủ đô Bình Nhưỡng 39km về phía đông bắc vào năm 2019.

Lần này, theo báo cáo của CSIS, có những dấu hiệu cho thấy Hoejung-ni đang hoạt động và được bảo trì cẩn thận theo tiêu chuẩn của Triều Tiên. Các hoạt động xây dựng quy mô nhỏ vẫn đang diễn ra ở đây.

Các hoạt động xây dựng tại Hoejung-ni và cơ sở Yeongjeo-dong gần đó được báo cáo lần đầu tiên vào năm 2018. Nhưng báo cáo mới nhất là lần đầu tiên xác nhận Hoejung-ni là một căn cứ ICBM.

Ảnh chụp ghi nhận 2 cơ sở dùng cho mục đích nạp tên lửa, bơm nhiên liệu và bảo trì.

Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng hình ảnh vệ tinh mới để cung cấp thông tin chi tiết cập nhật mới nhất.

Trong đó, cả hai có lối vào các cơ sở dưới lòng đất, các tòa nhà hỗ trợ và hầm trú ẩn cỡ lớn được xây bằng bêtông cốt thép và nằm bên trong sườn núi, với chiều dài đủ sức chứa toàn bộ các bệ phóng tên lửa di động của nước này.

NHỮNG CĂN CỨ BÍ MẬT DƯỚI LÒNG ĐẤT

Shin Jong-woo, một nhà phân tích cấp cao của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: “Triều Tiên không có lực lượng không quân hoặc hệ thống phòng không mạnh, vì vậy cách tốt nhất để bảo vệ tên lửa của mình là giấu chúng trong các cơ sở dưới lòng đất”.

Triều Tiên bắt đầu đưa các khí tài quân sự vào sâu dưới lòng đất vào năm 1962 sau khi nước này phải hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc ước tính Triều Tiên hiện có 6.000- 8.000 căn cứ ngầm, giúp Bình Nhưỡng nâng cao năng lực đối phó trong trường hợp bị tấn công bất ngờ.

Vị trí đặt các tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng là một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất trong quân đội Triều Tiên.

Việc tìm kiếm các căn cứ dưới lòng đất là một thách thức quan trọng đối với các nhà hoạch định quân sự của Mỹ và Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ, vì chúng rất khó phát hiện bằng vệ tinh. Một số được xây dựng như mồi nhử. Một số có thể được giấu dưới những ngôi nhà dân bình thường.

Hiện Triều Tiên chưa có phản ứng chính thức nào về những thông tin mới nhất của CSIS.

Khi được hỏi về báo cáo của CSIS, Trung tá Marty Meiners, phát ngôn viên của Bộ quốc phòng Mỹ cũng từ chối bình luận.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới