Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiUkraina có thể là bài học để Đài Loan tham khảo?

Ukraina có thể là bài học để Đài Loan tham khảo?

Vào đúng ngày nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tham dự lễ khai mạc Thế vận hội tại Sân vận động Quốc gia ở Bắc Kinh, còn được gọi là sân vận động “Tổ chim”, quân đội Nga đã vượt qua biên giới để phát động một chiến dịch quân sự. 

Không, đây không phải là một kịch bản có thể diễn ra vào thứ Sáu này, khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh khai mạc, mà là những gì đã thực sự xảy ra vào ngày 8 tháng 8 năm 2008, ngày khai mạc Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh. Đối thủ của Nga  lúc bấy giờ là Gruzia.

Mười bốn năm trôi qua, căng thẳng đang gia tăng ở biên giới Nga – Ukraina, nơi Nga đã điều động một số lượng quân đội đáng kể nhằm sẵn sàng chiến đấu.

Đối với Ukraina, Thế vận hội gợi lại những ký ức tồi tệ. Việc Nga sáp nhập bán đảo Krym vào năm 2014 diễn ra ngay sau lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông Sochi. 

Thế vận hội, thường được mô tả là “một lễ hội của hòa bình,” tuy nhiên lại đan xen chặt chẽ với các cuộc xung đột. Đôi khi lịch trình của Thế vận hội là yếu tố quyết định thời điểm bắt đầu của các cuộc chiến tranh.

Sự khác biệt so với 14 năm trước là sẽ không có nhà lãnh đạo của một quốc gia lớn nào tham dự – kết quả của một cuộc “tẩy chay ngoại giao” của các quốc gia như Mỹ và Anh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2008 đang giữ chức vụ phó chủ tịch nước và thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông đã trực tiếp gặp mặt các nhà lãnh đạo nước ngoài như Hoa Kỳ khi đó, tổng thống George W. Bush và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda.

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Bắc Kinh vào ngày 10 tháng 8 năm 2008. © Xinhua / Kyodo

Mối quan hệ với Nhật Bản đã trở nên xấu đi. Hôm thứ Ba, khi Trung Quốc tổ chức Tết Nguyên đán, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền nghiêm trọng ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Tây Tạng, Khu tự trị Nội Mông và Hồng Kông.

Trong khi Hạ viện tránh nêu tên Trung Quốc một cách trực tiếp, nhưng mục tiêu lại rất rõ ràng. Xâm phạm tự do tôn giáo và bắt giam không tự nguyện cũng được nêu rõ trong nghị quyết.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Tập, người đã thay thế Hồ Cẩm Đào làm chủ tịch Trung Quốc, là nguyên nhân khiến cho môi trường quốc tế trở nên bất lợi đối với Trung Quốc. 

Khi đặt mục tiêu cho nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc tại đại hội toàn quốc thường niên tiếp theo của đảng vào mùa thu này, ông Tập cần lấy lại vị trí đã mất.

Trên trường quốc tế, các nhà phân tích đối ngoại đang theo dõi xem liệu mối quan hệ đối tác Trung – Nga đang tăng cường có tác động gì đến vấn đề Đài Loan hay không.

Một nguồn tin ngoại giao NATO cảnh báo: “Việc Nga xâm lược Ukraina có thể trở thành hiện thực. Chúng ta cần suy nghĩ về tác động mà nó sẽ gây ra đối với Trung Quốc và Đài Loan, dù ở khoảng cách rất xa”.

Nếu căng thẳng về Ukraina kéo dài, hoặc nếu nổ ra chiến tranh, Trung Quốc có thể “như được mở cờ”. Hoa Kỳ sẽ không thuận lợi nếu họ phải thực hiện một chiến lược hai hướng là đối phó với Nga về vấn đề Ukraine và với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Trong một kịch bản như vậy, Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dành một phần lớn lực lượng của mình cho Ukraina và sẽ không thể tập trung hoàn toàn vào Trung Quốc.

Bắc Kinh đã sẵn sàng tấn công

“Hoa Kỳ nên ngừng can thiệp vào Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, đừng đùa với lửa về vấn đề Đài Loan và ngừng tạo ra các nhóm nhỏ chống Trung Quốc khác nhau”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một cuộc điện đàm vào ngày 27 tháng 1, sử dụng một cụm từ thú vị.

Thuật ngữ “bè phái nhỏ” có một ý nghĩa đặc biệt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các nhóm không có lợi và đi ngược lại với Ban Chấp hành Trung ương đảng, với ông Tập Cận Bình làm nòng cốt, thì bị gán cho là “bè phái nhỏ”. Họ thường xuyên là mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng có chữ ký của ông Tập.

Ông Vương cũng đề cập đến tình hình căng thẳng ở Ukraina, nói rằng, “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giữ bình tĩnh và kiềm chế không làm tăng căng thẳng hoặc thổi phồng cuộc khủng hoảng.

Ông Vương cũng không quên bênh vực Nga, nhấn mạnh sự cần thiết của “các mối quan ngại về an ninh chính đáng” của Nga phải được “xem xét và giải quyết một cách nghiêm túc.” Những lời này có thể là một cái gật đầu cho Putin, trước chuyến thăm Trung Quốc của ông.

Bên trái: Bà Thái Anh Văn, nhậm chức Tổng thống Đài Loan tháng 5 năm 2016. Bên phải: Thành tích đáng chú ý của Tập Cận Bình với vấn đề Đài Loan là cuộc gặp với người tiền nhiệm của bà Thái, ông Mã Anh Cửu, vào tháng 11 năm 2015 (Ảnh nguồn Reuters)

Trong khi đó, điều mà Đài Loan lo ngại là khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực với hòn đảo này, lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Ukraina.

Một nguồn tin ngoại giao châu Á chuyên về tình hình Đài Loan cho biết: “Tùy thuộc vào diễn biến trong tương lai, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện các bước quân sự mạo hiểm, bao gồm cả việc chiếm các đảo xa của Đài Loan”. 

Điều mà ông Tập thiếu là một số thành tích hữu hình về Đài Loan, điều này báo hiệu cho ông khi ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba.

“Nghị quyết lịch sử lần thứ ba” được thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 19 vào tháng 11 đã thổi bùng hội nghị thượng đỉnh vào năm 2015 giữa ông Tập và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu của Đảng Quốc dân Trung Quốc là một thành tựu của ông Tập.

Nhưng thành tích đó khá lỗi thời. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn của Đảng Dân chủ Tiến bộ ủng hộ độc lập hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.

Một nguồn tin của đảng cho biết: “Điều cần nhất ở một nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là một thành tích có thể nhìn thấy được liên quan đến lãnh thổ hoặc biên giới quốc gia.

Mao Trạch Đông là cha đẻ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và Đặng Tiểu Bình được tôn vinh là nhà lãnh đạo giành được bàn giao Hồng Kông từ Anh. Việc phân định biên giới dài với Nga, vốn là một vấn đề lâu dài, đã đạt được trong thời kỳ của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Một cách tự nhiên, ông Tập cần phải nhanh lên. 

Nếu chính quyền Biden bận tâm đến Ukraina và không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm bớt lực lượng dành cho các vấn đề liên quan đến Đài Loan, thì Trung Quốc rất có thể sẽ tấn công, ngay cả khi điều đó không có nghĩa là một cuộc xâm lược đảo chính của Đài Loan. Có thể hình dung được nhiều tình huống khác nhau.

Một trong những lựa chọn được cho là tấn công chớp nhoáng quần đảo Đông Sa và các đảo xa xôi khác nằm dưới sự kiểm soát của Đài Loan. Quần đảo Đông Sa chiếm một vị trí chiến lược ở phần phía bắc của Biển Đông.

Liệu bất kỳ hành động nào như vậy sẽ ngay lập tức dẫn đến một cuộc chiến toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không vẫn chưa rõ ràng. Nhưng chắc chắn rằng Mỹ và các đồng minh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, giáng một đòn nghiêm trọng vào Trung Quốc.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, chính quyền ông Tập không thể đưa ra quyết định như vậy một cách tùy tiện.

Vào tháng 12, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi đình chiến trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Nghị quyết được đồng bảo trợ bởi 173 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, nhưng các thành viên Bộ tứ Quad – Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ – không tham gia.

Một cái bắt tay giữa ông Tập và ông Putin tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sẽ như một lời nhắc nhở về mối liên hệ giữa vấn đề Đài Loan và Ukraina. Nó cũng sẽ tượng trưng cho bản chất đáng lo ngại của nền chính trị quốc tế hiện tại.

Chừng nào ngoại giao Olympic còn tồn tại như một công cụ cho chính trị quốc tế, thì việc chính trị hóa Thế vận hội là không thể tránh khỏi.

Theo Nikkei Asia
Văn Sơn biên dịch

RELATED ARTICLES

Tin mới