Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngCác đảo nhân tạo của TQ châm ngòi khủng hoảng toàn cầu...

Các đảo nhân tạo của TQ châm ngòi khủng hoảng toàn cầu ở Biển Đông?

Hiện tại, 6 quốc gia giáp Biển Đông với khoảng 530 triệu cư dân đang bị ảnh hưởng bởi 7 hòn đảo nhân tạo do chính quyền Trung Quốc xây dựng và sử dụng để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

Biển Đông đã trở thành một điểm nóng toàn cầu đáng chú ý.

Mặc dù các công trình đảo nhân tạo không giúp hợp pháp hóa việc thực thi chủ quyền lãnh thổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn từng bước tăng cường quân sự hóa khu vực biển rộng lớn xung quanh các đảo này, thậm chí còn cấm các quốc gia khác đi vào các khu vực mà nó tuyên bố có chủ quyền.

Một tỷ lệ lớn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới vận chuyển qua khu vực Biển Đông, bao phủ hàng triệu km vuông. Trị giá giao dịch thương mại lên tới hàng nghìn tỷ USD. Trữ lượng dầu và khí thiên nhiên hóa lỏng khổng lồ dưới đáy Biển Đông đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia láng giềng. Tất cả những điều này khiến Biển Đông trở thành một điểm nóng toàn cầu đáng chú ý.

Chế độ cộng sản Trung Quốc can thiệp quân sự vào khu vực các đảo nhân tạo này với lời biện bạch rằng “chủ yếu vì mục đích tự vệ”, đồng thời bác bỏ rất nhiều cáo buộc pháp lý khác cho rằng các tuyên bố của phía Trung Quốc là “không có cơ sở pháp lý”, dựa theo một cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) về Các vấn đề Đại dương, Ngư nghiệp và Địa cực, trong một tuyên bố ngày 12 tháng 1.

Cuộc điều tra này chỉ ra rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ hàng hải chung quanh các đảo nhân tạo là không tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Theo một thông cáo báo chí giới thiệu tài liệu này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, “Nghiên cứu gần đây nhất, báo cáo số 150 trong loạt bài về các ranh giới trên biển, kết luận rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đang khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp ở đa phần Biển Đông, kể cả yêu sách các quyền lịch sử cũng là phi pháp”.

Trung Quốc còn khẳng định các yêu sách chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên việc coi mỗi nhóm đảo trên Biển Đông mà nước này yêu sách chủ quyền là “một thực thể đơn nhất”. Điều này “không được luật pháp quốc tế cho phép”.

Báo cáo kết thúc với lời kêu gọi CHND Trung Hoa rằng hãy “…điều chỉnh các yêu sách hàng hải của mình sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế như đã được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, đồng thời tuân thủ phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực, và chấm dứt các hoạt động cưỡng chế và trái pháp luật trên Biển Đông”.

Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay phán quyết rằng yêu sách của Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý”, cũng ám chỉ đến Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà Bắc Kinh là thành viên. Phán quyết này là kết quả của vụ kiện của Philippines, quốc gia đã phản đối quyền sở hữu của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa trước tòa. Quần đảo này nằm giữa Philippines và Việt Nam, bao gồm khoảng 100 rạn san hô và đảo nhỏ, cung cấp ngư trường phong phú, các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn.

Hơn nữa, các công trình mà CHND Trung Hoa tuyên bố chủ quyền không đáp ứng định nghĩa quốc tế về “đảo”. Không những vậy, chúng nằm ngoài lãnh hải hợp pháp, không phù hợp với luật pháp quốc tế. Những điều này khiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác không thể công nhận những khẳng định của Trung Quốc.

Luật pháp quốc tế cũng không công nhận chủ quyền của các quốc gia đối với các thực thể chìm hoàn toàn như Bãi ngầm James, Bãi ngầm Tư Chính và Bãi ngầm Trung Sa, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đoạt. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các thực thể chỉ xuất hiện khi nước thủy triều xuống như Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây cũng chỉ là tuyên bố đơn phương.

Cuộc xâm lược của Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc mở màn sự bành trướng trên biển của mình bằng việc phân định một vùng rộng lớn trên bản đồ Biển Đông mà nó gọi là “đường 9 đoạn”, song con đường này không được xác định rõ ràng cả về cơ sở pháp lý lẫn tọa độ địa lý và đã gây ra tranh chấp với các quốc gia láng giềng bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Trước bối cảnh này, Indonesia đã không tuyên bố chủ quyền mặc dù ĐCSTQ đã đánh dấu một khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia là của riêng nó.

Các đảo nhân tạo được xây dựng trong khu vực được đánh dấu bằng 9 đoạn, có tổng diện tích hơn 1.300ha, là nơi hỗ trợ đắc lực nhất cho quân đội Trung Quốc – Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Hành động này đã khiến cán cân quyền lực trong khu vực nghiêng về phía ĐCSTQ.

Trước những ảnh hưởng lâu dài và các hành động quân sự ngày càng gia tăng, một số quốc gia đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc có hành vi gây hấn và ép buộc, trái ngược hoàn toàn với hành vi cung cấp tài chính cho các quốc gia cúi đầu trước tham vọng bành trướng hàng hải của nó trên Biển Đông.

Trung Quốc dùng lập luận quyền lịch sử để phân định đường 9 đoạn nhằm bành trướng hàng hải. Tuy nhiên, Philippines đã khởi kiện và tòa đã ra phán quyết có lợi cho họ. Tòa Trọng tài đã bác bỏ tham vọng của chính quyền Trung Quốc trong phán quyết ngày 12/07/2016 về Biển Đông được trích dẫn ở trên.

Phản ứng lại phán quyết trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng: “Sự tồn tại [của trọng tài] là bất hợp pháp và bất kỳ phán quyết nào mà nó đưa ra đều vô hiệu, không có hiệu lực ràng buộc nào”, mặc dù Trung Quốc đã là một bên ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), theo The Diplomat.

Mặc dù lãnh đạo ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình, đã tuyên bố vào năm 2015 rằng “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông”, song trên thực tế, các căn cứ quân sự đã được thiết lập trên các đảo nhân tạo. Phán quyết của trọng tài rằng các tuyên bố của chính quyền Trung Quốc đối với khu vực biển đó là thiếu cơ sở pháp lý đã bị phớt lờ.

Thậm chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tháng 2 năm 2016 còn tuyên bố rằng “Việc Trung Quốc triển khai các cơ sở quốc phòng hạn chế trên lãnh thổ của mình (quần đảo Trường Sa) là thực hiện quyền tự vệ mà một quốc gia có chủ quyền được hưởng theo luật pháp quốc tế. Nó không liên quan gì đến quân sự hóa”. Tuyên bố này là trái với luật pháp quốc tế.

Trước đó, vào năm 2002, Trung Quốc ký kết với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhất trí tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình.

Các hiệp ước này đã thiết lập sự kiềm chế trong các hành động có thể dẫn đến xung đột leo thang. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã bỏ qua tất cả các cam kết đa phương này bằng cách liên tục thúc đẩy các cuộc xâm phạm lãnh thổ ở Biển Đông.

Một sự kiện khác khiến tranh chấp quyền thống trị các vùng lãnh hải ngày càng leo thang, là việc chính quyền Trung Quốc ban hành Luật Cảnh sát biển Trung Quốc (Luật Hải cảnh hay luật CCG) vào ngày 01/02/2021, sử dụng thuật ngữ “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” thay vì “đường chín đoạn”. Sau đó, vào ngày 08/03/2021, ông Lật Chiến Thư, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, đã tuyên bố trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ rằng Luật GCC đã được ban hành “để thực hiện tư tưởng Tập Cận Bình về củng cố quân đội, đáp ứng nhu cầu phát triển quốc phòng và quân đội trong thời kỳ mới”.

Trung Quốc đã cho hạ cánh máy bay dân sự xuống khu vực Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn lần đầu tiên vào năm 2016 và một máy bay vận tải quân sự tại Đá Chữ Thập để sơ tán nhân viên. Tương tự như vậy, nó đã xây dựng các cảng, cơ sở quân sự và đường băng hầu hết trên các quần đảo Hoàng Sa, với 20 tiền đồn và Trường Sa, với 7 tiền đồn.

Nó cũng đã quân sự hóa đảo Phú Lâm (đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa) với máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và hệ thống radar. Các nhà phân tích đã thấy rõ rằng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) hay còn gọi là Hải cảnh, đã cấu thành một lực lượng hải quân thứ hai, minh chứng cho việc quân sự hóa Biển Đông.

Còn một sự cố khác liên quan đến việc thả neo của 200 tàu Trung Quốc gần Đá Ba Đầu của Philippines. Nó đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, tuyên bố trong một thông cáo rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc rõ ràng có ý định chiếm nhiều khu vực hơn nữa ở Biển Đông. Nhật Bản và Đài Loan đã ủng hộ các tuyên bố này với những cáo buộc tương tự.

“Sự xuất hiện liên tục của các lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định của họ nhằm chiếm thêm (các khu vực) ở Biển Tây Philippines”, ông Lorenzana cho biết trong một tuyên bố vào ngày 4/4.

Theo như Reuters đã đưa tin, đây là tuyên bố thứ hai của Lorenzana trong vòng hai ngày, khi ông lặp lại lời kêu gọi của Philippines đối với các tàu Trung Quốc rằng hãy rời khỏi nơi mà Manila gọi là the Julian Felipe Reef (Đá Ba Đầu), nằm trong phạm vi 200 dặm từ lãnh thổ có chủ quyền của họ.

Nhà chức trách ĐCSTQ đã lấy cớ rằng các con tàu đang trú ẩn trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, ông Lorenzana đã lên tiếng:“Tôi đâu có ngốc. Suốt thời gian qua cho đến hiện tại, thời tiết đều rất tốt, vì vậy họ không có lý do gì để ở lại đó cả”.

Ông Lorenzana tiếp tục công kích các hành động của chính quyền cộng sản Trung Quốc, tố cáo rằng: “Họ đã làm điều này (chiếm các khu vực tranh chấp) trước đây ở Bãi ngầm Panatag, còn gọi là Bajo de Masinloc, và tại Đá Vành Khăn, vi phạm trắng trợn chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines theo luật pháp quốc tế”.

Tầm quan trọng của Biển Đông

Biển Đông có diện tích 3,5 triệu km vuông ở Đông Nam Á. Đây là tuyến đường thủy quan trọng chiếm 1/3 lưu lượng vận chuyển của thế giới và gần 40% lượng thương mại LNG của thế giới, cũng như 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc. Nó cũng là một ngư trường phong phú. Giá trị thương mại hàng năm qua vùng biển này ước tính khoảng 5 nghìn tỷ USD.

Theo các ước tính chính thức của Hoa Kỳ, Biển Đông cũng chứa các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên dồi dào không kém Mexico, còn theo các ước tính chưa được xác minh khác, có thể nó chỉ đứng sau Saudi Arabia. Các ước tính chỉ ra rằng, Biển Đông có trữ lượng dầu cỡ 11 tỷ thùng và trữ lượng khí đốt tự nhiên là 190 nghìn tỷ feet khối (tương đương khoảng 5.380 tỷ mét khối).

Do đó, theo tạp chí chuyên ngành China Power, giả sử nếu có một cuộc phong tỏa ở eo biển Malacca vì bất cứ lý do gì, có thể sẽ tạo ra sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bắt đầu với các tuyến đường thương mại liên vùng và các trung tâm sản xuất đa quốc gia có liên kết địa lý với Biển Đông.

Nguy cơ khủng hoảng toàn cầu

Các cuộc xâm lược gây tranh cãi của Trung Quốc trong khu vực nhạy cảm này, việc xây dựng các đảo nhân tạo bất hợp pháp của nó, cùng với lực lượng quân sự lớn hỗ trợ các hành động trên, chính là nguyên nhân gây ra sự quan ngại của khu vực và quốc tế về nguy cơ tiềm ẩn của một khủng hoảng nguồn cung toàn cầu nếu ĐCSTQ ngăn cản quá trình vận chuyển nhiên liệu và hàng hóa.

Tiến sĩ Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao về Chiến lược và Năng lực Quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, chỉ ra một số hàm ý của các quyền được ĐCSTQ tuyên bố ở khu vực Đông Nam Á này.

Đối với Davis, những công trình xây dựng này mang lại cho Trung Quốc quyền lực áp đảo trong việc kiểm soát việc vận chuyển phần lớn thương mại hàng hải của thế giới. Hơn nữa, quyền lực này sẽ cho phép nó cô lập và ép buộc Nhật Bản trong một cuộc khủng hoảng, giống như xung đột quân sự do chính quyền Trung Quốc khởi xướng đối với Đài Loan, theo kênh truyền thông 9News của Úc ngày 26/11.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông, đồng nghĩa với việc tất cả các hoạt động di chuyển trên không được đề xuất trong khu vực đều sẽ cần có sự cho phép của nó.

Theo South China Morning Post đưa tin, trên thực tế, vào tháng 8, Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải của ĐCSTQ đã áp đặt các quy tắc mới cho hàng hải qua khu vực đó. Các quy định mới yêu cầu các tàu nước ngoài đi vào cái gọi là “lãnh hải” của Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa cho cơ quan hàng hải Trung Quốc, bắt đầu từ thứ Tư ngày 01/09/2021.

Hơn nữa, tàu ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu/hóa chất/khí hóa lỏng/các chất độc hại khác, cũng như các tàu khác được coi là mối đe dọa đối với sự an toàn của giao thông hàng hải của Trung Quốc, cũng bị yêu cầu báo cáo, theo thông báo do chính quyền ban hành vào thứ Sáu, ngày 27/08/2021.

Thông báo của chính quyền bao gồm nghĩa vụ báo cáo thông tin kênh và các yêu cầu khác, chẳng hạn như tên tàu nước ngoài, hô hiệu, vị trí và bất kỳ hàng hóa nguy hiểm nào trên tàu.

Nguy cơ tắc nghẽn giao thông toàn cầu do ĐCSTQ gây ra đã thúc đẩy các nước quan tâm tiến hành các hoạt động diễn tập quân sự trong khu vực như một phần của chiến lược răn đe nhằm vào chính quyền Trung Quốc. Có thể kể đến cuộc tập trận kéo dài 10 ngày do lực lượng hải quân của Hoa Kỳ, Úc, Canada, Đức và Nhật Bản tiến hành ở Biển Philippines, ngoài khơi bờ biển phía nam Nhật Bản vào tháng 11 vừa qua.

Theo VOA đưa tin, Hải quân Hoa Kỳ giải thích rằng một trong những mục tiêu tham gia của các quốc gia đó là “nâng cao kỹ năng giao tiếp hàng hải, hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, hoạt động tác chiến trên không, bổ sung trên biển, hoạt động bay xuyên boong và diễn tập can thiệp hàng hải”.

Trong bối cảnh đó, Đại tá Hải quân Mỹ đã về hưu, đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, ông Grant Newsham, đã ám chỉ đến các mối đe dọa từ Trung Quốc, nói rằng: “Tổng cộng 34 tàu chiến từ 5 nước đã tiến hành một cuộc tập trận kéo dài 10 ngày, chứng tỏ tầm quan trọng của cuộc tập trận này”.

Ông nói thêm rằng mặc dù các cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng “chính bối cảnh rộng hơn mà cuộc tập trận đang diễn ra đã khiến tình hình càng thêm cấp bách” khi mà “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngày càng hung hăng và đe dọa khắp khu vực”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới