Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhật trải thảm đỏ đón ứng viên "Thủ tướng Campuchia tương lai":...

Nhật trải thảm đỏ đón ứng viên “Thủ tướng Campuchia tương lai”: Nhắm đến TQ

Các chuyên gia cho biết Nhật Bản muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Campuchia để kiềm chế ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Hun Manet (trái) và Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi tại Tokyo hôm 14/2.

Nhật Bản tiếp đón con trai của nhà lãnh đạo Campuchia Hun Sen giữa lúc đang nỗ lực “cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc” trong khu vực.

Từ ngày 14/2, tướng Hun Manet, con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen và cũng là người kế nhiệm tương lai, đã bắt đầu chuyến thăm đến Nhật Bản và có những cuộc hội đàm quan trọng với các giới chức cấp cao nước chủ nhà.

Chuyến thăm của tướng Hun Manet diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn với Campuchia để kiểm soát chiến lược mở rộng ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.

Chuyến thăm được chào đón

Tại thủ đô Tokyo, ông Hun Manet có cuộc gặp Ngoại trưởng chủ nhà Yoshimasa Hayashi, trong đó cả hai đồng ý hợp tác về cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang diễn ra ngày càng tồi tệ ở Myanmar.

Theo tờ SCMP, chi tiết về việc hai bên sẽ đạt được mục tiêu trên như thế nào không được đưa ra.

Nhưng hồi tháng trước, ông Hun Manet, chỉ huy quân đội Campuchia, đã tháp tùng cha mình tới thủ đô Naypyidaw, “đàm phán” với các tướng lĩnh nắm quyền vào tháng 2/2021 trong nỗ lực khôi phục hòa bình tại Myanmar.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài đến Myanmar kể từ khi đảo chính xảy ra, và được đặt nhiều kỳ vọng.

Campuchia là Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay và bắt đầu tổ chức cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao vào ngày 17/2 tại Siem Reap.

Ngoại trưởng Hayashi đã ca ngợi động thái của Hun Sen là một phần trong nỗ lực tìm kiếm bước đột phá trong vấn đề Myanmar.

Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi hoan nghênh mối quan hệ bền chặt giữa Nhật Bản và Campuchia, sự hợp tác chặt chẽ của hai nước về tình hình Myanmar, cùng các vấn đề khu vực khác.

Mục tiêu kiềm chế Trung Quốc?

Các chuyên gia cho biết, Nhật Bản muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Campuchia như một phần trong nỗ lực của Tokyo nhằm kiềm chế ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Campuchia phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc – khoảng 43% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm 2019 đến từ Trung Quốc, trong khi 70% các dự án cơ sở hạ tầng của nước này do các công ty Trung Quốc tài trợ, theo Hiệp hội Chính sách Châu Á-Thái Bình Dương.

Giảng viên Astrid Norén-Nilsson tại Trung tâm Nghiên cứu Đông và Đông Nam Á tại Đại học Lund, Thụy Điển, cho biết, chuyến thăm Nhật Bản của ông Manet trùng với dịp kỷ niệm 30 năm hoạt động gìn giữ hòa bình của Nhật Bản tại Campuchia.

“Nhật Bản tìm cách củng cố vị thế là một đồng minh thân thiện của Campuchia, dựa trên vai trò lịch sử của nước này trong việc gìn giữ hòa bình, để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc”, chuyên gia Norén-Nilsson nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh thêm rằng, chuyến thăm lần này cũng có thể được coi là “sự ủng hộ của Nhật Bản đối với tương lai của ông Hun Manet trên vai trò lãnh đạo của Campuchia”.

Ông Hun Manet thăm Tokyo lần gần nhất vào năm 2018, lúc đó ông đã có cuộc hội đàm với thủ tướng lúc bấy giờ Shinzo Abe.

Ông Manet đang là phó tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) và tham mưu trưởng liên quân. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point tại Mỹ năm 1999.

Vào tháng 12/2021, ông Hun Manet được Ủy ban Trung ương đảng Nhân dân Campuchia (CPP) bầu chọn là ứng viên thủ tướng tiếp theo của đất nước.

Charles Dunst, một cộng sự tại The Asia Group và đồng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, chuyến thăm của ông Hun cũng nhằm mục đích nâng cao hình ảnh trước công chúng của ông ở quê nhà.

“Phương pháp tiếp cận mềm” của Nhật Bản

Trong khi đó, Bunna Vann, một nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia lưu ý, Tokyo thường theo đuổi “cách tiếp cận mềm” trong giao tiếp với Phnom Penh.

Kimkong Heng, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phát triển Campuchia, một tổ chức tư vấn ở Phnom Penh, cho biết, do ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Campuchia, việc hợp tác với ông Manet là “một chiến lược hợp lý” của Nhật Bản, một đối tác phát triển quan trọng của Campuchia.

Chuyên gia Dunst cho biết, Nhật Bản cũng là một trong số ít các quốc gia tạo điều kiện đầu tư và cung cấp trợ giúp kinh tế cho Campuchia.

Chen Heang, một nhà nghiên cứu cấp cơ sở và điều phối viên dự án tại Diễn đàn Tương lai, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Phnom Penh, cho biết, Tokyo muốn kiềm chế việc mở rộng an ninh khu vực của Trung Quốc và cũng cân bằng ảnh hưởng quân sự của Bắc Kinh ở Campuchia.

Thống kê từ Bộ Quốc phòng Campuchia cho thấy, nước này đã nhận được 84 triệu USD từ Trung Quốc trong năm 2019 trong các khoản trợ giúp quân sự.

Trước đại dịch, Trung Quốc cũng đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường niên với Campuchia.

“Tôi nghĩ chuyến thăm này là cơ hội để ông Hun Manet đạt được một số trợ giúp an ninh phi truyền thống với Nhật Bản.

Cả hai bên cũng có thể thảo luận về Hiệp định thương mại tự do (FTA)”, chuyên gia Chen lưu ý.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới