Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐằng sau việc TQ đàn áp “bành trướng tư bản vô trật...

Đằng sau việc TQ đàn áp “bành trướng tư bản vô trật tự”

Vụ bắt giữ đầu tiên tại Trung Quốc vì lý do “bành trướng tư bản vô trật tự” đã gây ra một làn sóng chấn động.

Không khí lễ hội của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vẫn không thể cản trở cuộc chiến chính trị tại Trung Quốc.

Thứ Sáu tuần trước (11/02/2022), nhà chức trách nước này đã chính thức công khai vụ bắt giữ Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), 54 tuổi, cựu quan chức cấp cao nhất của thành phố Hàng Châu. Với dân số 12 triệu người, nơi này là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang ở miền đông và là quê hương của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba.

Thứ ngôn ngữ khác thường được dùng để mô tả hành vi phạm tội của Chu đã tạo ra làn sóng chấn động. Hai cơ quan chống tham nhũng cấp quốc gia – Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng và Ủy ban Giám sát Quốc gia – công bố rằng, một cuộc điều tra cho thấy Chu “giả vờ tuân thủ các quyết định và sắp xếp của Ủy ban Trung ương [Đảng Cộng sản] trong khi hành động chống lại những quyết định này.”

“Chu cũng bị phát hiện đã thông đồng với một số phần tử tư bản và hỗ trợ việc mở rộng tư bản thiếu kiểm soát,” các cơ quan chống tham nhũng này cho biết.

Điều đó khiến Chu trở thành quan chức cấp cao đầu tiên ở Trung Quốc bị cáo buộc tiếp tay cho việc “bành trướng tư bản vô trật tự.” Nó có nghĩa là trường hợp của ông không đơn thuần là tham nhũng – mà là một “tội lỗi chính trị” vì đã bất tuân các mệnh lệnh của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm ngăn chặn sự “bành trướng tư bản vô trật tự.”

Chu đã phạm tội này như thế nào, điều đó vẫn chưa được làm rõ. Nhưng có thông tin cho rằng công ty liên quan tới Ant Group trực thuộc Alibaba đã được mua giảm giá hai lô đất ở Hàng Châu sau khi mua cổ phần tại hai doanh nghiệp thanh toán di động do em trai Chu làm chủ.

“Không nên đánh giá thấp tác động của vụ bắt giữ này,” một nguồn tin Trung Quốc quen thuộc với các vấn đề của “phái Chiết Giang,” một nhóm phụ tá thân cận của ông Tập, cho biết. “Ngay cả khi nhân vật bị bắt chỉ là con cá nhỏ, điều này vẫn sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai,” nguồn tin nói thêm.

“Các quan chức địa phương sẽ không thể liên kết với các công ty tư nhân như họ đã từng làm.”

Sau chuyến “Nam tuần” nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình năm 1992, các công ty tư nhân ở Chiết Giang đột nhiên phát triển mạnh. Nhà cựu lãnh đạo đã hồi sinh chính sách “cải cách và mở cửa” nổi tiếng của mình, và Chiết Giang, vốn dĩ không phải là nơi đóng trụ sở các công ty nhà nước có ảnh hưởng, đã hưởng ứng lời kêu gọi.

Các khu vực như Chiết Giang đã đưa Trung Quốc tiến lên vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhưng một cuộc điều tra quy mô lớn về quan hệ giữa chính trị và kinh doanh đã được tiến hành ở Hàng Châu vào năm ngoái. Cuộc điều tra nhắm vào khoảng 25.000 người, bao gồm cả các quan chức địa phương.

Điều đó khiến thành viên của các công ty tư nhân lo lắng, họ sợ chính quyền có thể cũng sẽ đàn áp họ.

Một vấn đề khác cần lưu ý là Chu là một cán bộ đảng tương đối trẻ, người đã thăng tiến tại Chiết Giang, thành trì chính trị của Tập.

Chu đã bị cho ngã ngựa dù ông thuộc phái Chiết Giang, còn được gọi là phái “Chiết Giang tân quân.” Tác động của việc Tập nhắm vào một trong những đồng minh của chính mình là rất lớn.

Hơn 9 năm đã trôi qua kể từ khi Tập trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Nếu ông vẫn tiếp tục giữ chức vụ của mình sau Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản vào mùa thu năm nay, những người còn hiện diện xung quanh ông đều sẽ là những phụ tá thân cận do chính Tập tuyển chọn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trợ lý thân cận đều có thể nhận được vị trí công việc tốt, đơn giản vì số lượng các vị trí đó là có hạn. Một số thành viên của cái gọi là “Tập phái”, trong đó phái Chiết Giang là nòng cốt, chắc chắn sẽ thua cuộc.

Chu có thể chính là nạn nhân đầu tiên của cuộc đấu tranh nội bộ liên quan đến vấn đề này.

Việc Tập xuống tay khắc nghiệt với một thành viên của phe mình, là một thông điệp rằng các lực lượng chính trị không thân cận với ông sẽ còn bị trừng phạt nặng tay hơn, nếu họ vi phạm pháp luật.

Kể từ khi “bành trướng tư bản vô trật tự” trở thành cụm từ được chú ý vào năm ngoái, đã xảy ra một cuộc đàn áp khốc liệt chống lại những gã khổng lồ công nghệ và các công ty giáo dục tư nhân.

Một số nhà kinh tế đã lo ngại rằng các chính sách như vậy có thể dẫn đến việc phủ nhận “tư bản” (vốn) là một chức năng của nền kinh tế. Họ đặt câu hỏi liệu “tư bản” giờ có phải là kẻ thù của Trung Quốc hay không?

Một bài bình luận được xuất bản ngày 08/02 trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, đã cố gắng làm rõ vấn đề. Bài báo trích dẫn một tuyên bố được đưa ra sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương gần đây, trong đó nói rằng, “Ngăn chặn tình trạng bành trướng tư bản vô trật tự không có nghĩa là cắt bỏ vốn hoàn toàn.”

Bài báo cho biết Trung Quốc nên khuyến khích “sự phát triển có trật tự” của nguồn vốn.

Nhưng phát triển có trật tự là gì và nó khác với phát triển vô trật tự như thế nào? Điều đó căn bản là tùy thuộc vào ý định thay đổi liên tục của Đảng Cộng sản.

Gần như có một hệ thống ‘đèn giao thông’ dành riêng để kiểm soát vốn. Đèn đỏ có nghĩa là dừng, đèn xanh có nghĩa là đi, và hệ thống này được vận hành bởi Đảng Cộng sản dưới thời Tập. Chẳng có quy tắc nào được chỉ định trước.

Một trí thức Trung Quốc am hiểu lịch sử phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của nước này cho biết: “Tư bản nào tốt, tư bản nào xấu sẽ được xác định dựa trên quan điểm chính trị trong tương lai. Tập muốn nhuộm màu sắc cá nhân của mình lên cả những lĩnh vực như vốn.”

Tư bản theo đuổi lợi nhuận, và không nên phân biệt tư bản tốt hay tư bản xấu. Nhưng đó không phải là câu chuyện ở Trung Quốc. Các chi bộ của Đảng Cộng sản được thành lập ngay cả trong các công ty tư nhân, cho phép đảng kiểm soát mọi thứ.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan đã bắt giữ Chu, thường được cho là cơ quan giải quyết những vụ vượt đèn đỏ. Nếu có “thông đồng với tư bản” thì đèn đỏ sẽ sáng lên.

Một tổ chức đáng chú ý khác là Cục Quản lý Không gian Mạng (CAC).

CAC gần đây đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về sự phát triển lành mạnh và bền vững của mạng Internet, với sự tham dự của các quản lý hàng đầu từ 27 công ty công nghệ lớn, bao gồm Alibaba, JD.com và ByteDance.

Có mặt tại hội nghị chuyên đề còn có các quan chức cấp cao của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia. Tiền thân của Ủy ban này là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, cơ quan có nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa.

Các yếu tố của nền kinh tế bị kiểm soát, hay nền kinh tế kế hoạch hóa, hiện đã bắt đầu thâm nhập thế giới Internet.

Hôm thứ Ba, Trung Quốc đưa ra các quy định mới, yêu cầu bất kỳ công ty Internet nào có dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng đều phải tham gia một cuộc đánh giá bảo mật của cơ quan chức năng, trước khi niêm yết ở nước ngoài.

Chuyến “Nam tuần” của Đặng Tiểu Bình kéo dài từ ngày 18/01 đến ngày 21/02/1992. 30 năm kể từ ngày đó, mức độ tự do trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đã tăng dần qua ba đời lãnh đạo liên tiếp – Đặng, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Nhưng, hiện nay, dưới thời Tập, sự tự do đó đang đứng trước một bước ngoặt lớn.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới