Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ đẩy mạnh bán tàu ngầm để tiếp cận quân sự khắp...

TQ đẩy mạnh bán tàu ngầm để tiếp cận quân sự khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương

Trung Quốc đang tận dụng việc bán tàu ngầm để giành quyền tiếp cận quân sự tới một số cảng và căn cứ hải quân trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo Asia Times.

Việc Trung Quốc bàn giao 2 tàu ngầm như đã cam kết đóng cho Thái Lan, hiện đang được lắp ráp tại Vũ Hán, có thể không sớm thành hiện thực. Nguyên nhân vì Đức từ chối bán các động cơ liên quan cho Trung Quốc vì các tàu này được bán cho nước thứ ba.

Theo Asia Times, bỏ qua cái cớ hạn chế xuất khẩu sang một bên, lý do thực sự có thể là do Đức, cũng như Thái Lan, đang ngày càng cảnh giác với nỗ lực ngoại giao tàu ngầm mới nổi của Trung Quốc.

Năm 2017, Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự đầu tiên và duy nhất cho đến nay ở nước ngoài: cơ sở hải quân ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi. Điều này làm dấy lên đồn đoán Bắc Kinh đang xây dựng “Chuỗi ngọc trai” quân sự trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nhưng giờ đây, rõ ràng là Trung Quốc có một cách tiếp cận quân sự khôn ngoan hơn nhiều để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực: bán tàu ngầm cho các nước trong khu vực. Và cùng với đó là việc đào tạo nhân viên hải quân và duy trì sự có mặt của các kỹ thuật viên Trung Quốc tại những nước mua hàng.

Nếu Trung Quốc và các đối thủ trong khu vực như Mỹ và Ấn Độ leo thang căng thẳng, rõ ràng Bắc Kinh có thể tiếp cận các căn cứ nước ngoài nơi mà họ đã có sẵn nhân lực mà không cần phải thiết lập bất kỳ căn cứ riêng nào.

Những diễn biến như vậy đang được tiến hành ở các mức độ khác nhau ở Campuchia, Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan và các nước khác.

Khu vực Đông Nam Á

Trong trường hợp của Thái Lan, nhiều người lo ngại khi thỏa thuận tàu ngầm được chính phủ thời hậu đảo chính ký với Trung Quốc vào năm 2015. Theo quan điểm của hải quân Thái Lan, tàu ngầm Trung Quốc sẽ giúp nước này theo kịp các nước láng giềng đã có tàu ngầm khác.

Tuy nhiên, Vịnh Thái Lan có độ sâu trung bình là 58 m và tối đa chỉ 85 m, điều này khiến nó không phù hợp cho các tàu ngầm như vậy. Theo một nguồn tin theo dõi diễn biến hải quân trong khu vực, Vịnh Thái Lan quá cạn, một tàu ngầm ở đó có thể dễ dàng bị máy bay dò tìm phát hiện.

Nhưng khi hoặc nếu các tàu ngầm thực sự được chuyển giao, Trung Quốc sẽ có thể cử lực lượng đến Sattahip ở phía đông nam Bangkok, căn cứ lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Thái Lan, để huấn luyện các đối tác Thái Lan cũng như thực hiện các hoạt động sửa chữa, nâng cấp.

Một số khóa đào tạo đã được tổ chức, nhưng hiện tại là ở Trung Quốc. Theo một nhà quan sát hải quân: “Trung Quốc đang đào tạo các đơn vị Hải quân Hoàng gia Thái Lan về cách sử dụng tàu ngầm và một số lượng lớn các sĩ quan cấp dưới đang học tiếng Quan Thoại khi ở Trung Quốc. Và có vẻ như người Trung Quốc đang có kế hoạch giúp người Thái xây dựng nhiều cơ sở bảo dưỡng và cầu cảng hơn những gì cần thiết hiện nay “.

Vào tháng 10/2017, Tư lệnh hạm đội hải quân Trung Quốc, Chuẩn Đô đốc Shen Hao, đã đến thăm Thái Lan và giám sát cuộc tập trận chung của 4 tàu với hơn 800 binh sĩ.

Trong khi đó, tại Campuchia, Trung Quốc đang hỗ trợ nâng cấp căn cứ hải quân Ream gần cảng Sihanoukville. Báo Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, thỏa thuận giữa Campuchia và Trung Quốc sẽ cho phép quân đội, vũ khí và tàu Trung Quốc tiếp cận trong 30 năm, với việc tự động gia hạn cứ sau 10 năm. Các quan chức Campuchia bác bỏ các thông tin đó. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đã thừa nhận Trung Quốc đang giúp xây dựng cơ sở hạ tầng trong và xung quanh căn cứ hải quân Ream nhưng “không có ràng buộc nào”. Mỹ trước đó đã giúp xây dựng các cấu trúc trên căn cứ, nhưng một số đã bị phá dỡ gần đây.

Ngày 21/1 vừa qua, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, một dự án thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, đã báo cáo rằng các tàu nạo vét của Trung Quốc được phát hiện qua ảnh vệ tinh tại hải quân Ream.

Báo cáo lưu ý rằng việc nạo vét như vậy là cần thiết để tạo ra một cảng nước sâu cho các tàu quân sự cập cảng lớn hơn so với khả năng tiếp nhận của căn cứ hiện tại. Ba tòa nhà mới đã được xây dựng ở cơ sở này gần đây, một số khu vực được dọn sạch sẽ và một con đường mới dẫn vào đang được xây dựng, báo cáo cho biết.

Campuchia vẫn chưa được cung cấp bất kỳ tàu ngầm nào của Trung Quốc, nhưng vào tháng 12/2021, Myanmar đã nhận một tàu ngầm Type-035 Ming 2.100 tấn từ Trung Quốc.

Sự kiện lan truyền trên mạng xã hội với video cho thấy tàu ngầm đang di chuyển trên sông Yangon được hộ tống bởi tàu tấn công nhanh Type 5 của Hải quân Myanmar.

Không rõ tàu ngầm đã hướng đến đâu nhưng có thể nó đã được neo đậu tại căn cứ hải quân cũ ở Money Point để bảo dưỡng và rất có thể sau này sẽ được chuyển đến một trong những căn cứ hải quân chính của Myanmar.

Căn cứ Kyaukphyu trên đảo Ramree ở bang Rakhine sẽ là một nơi đáng để quan sát vì nó là căn cứ kép, được sử dụng vì mục đích dân sự và quân sự.

Kyaukphyu là điểm cuối trên biển của Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Myanmar, chạy từ tỉnh Vân Nam phía nam của Trung Quốc đến Vịnh Bengal và là một thành phần của sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc.

Trung Quốc đã tham gia liên doanh xây dựng cảng biển nước sâu và đặc khu kinh tế gần đó tại Kyaukphyu kể từ đầu năm 2007. Dưới thời chính phủ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đã bị lật đổ, dự án đã bị trì hoãn vì chính phủ tiền nhiệm của cựu tướng Thein Sein đã trao 85% cổ phần cho nhà phát triển Trung Quốc, thuộc sở hữu nhà nước CITIC.

NLD đã quản lý để tăng thị phần của Myanmar lên 30% và cũng giảm quy mô và chi phí của dự án trong bối cảnh lo ngại cuối cùng có thể bị mắc vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh. Dự án ban đầu được định giá 9-10 tỷ USD nhưng sau thu hẹp xuống còn khoảng 1,5 tỷ USD.

Kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2/2021, chính quyền quân sự đã cố gắng thúc đẩy Kyaukphyu và các dự án khác do Trung Quốc tài trợ. Vào tháng 6/2021, Tướng Soe Win, Phó Tổng thống chính quyền mới, tuyên bố rằng việc thực hiện thành công dự án Kyaukphyu sẽ “tăng cường hợp tác Trung Quốc – Myanmar, do đó tạo ra việc làm và giúp bang Rakhine phát triển”.

Ngay cả khi tàu ngầm Trung Quốc có thể không đóng ở đó, việc giao hàng chắc chắn đã góp phần “tăng cường” quan hệ giữa Bắc Kinh và Naypyitaw.

Các nước Nam Á

Theo Asia Times, giống Myanmar, Bangladesh đã tham gia BRI của Trung Quốc nhưng phải thận trọng bước đi vì áp lực từ nước láng giềng Ấn Độ.

Trong một dự án BRI, Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cấp cảng ở Chittagong, một cơ sở thương mại gần căn cứ hải quân BNS Issa Khan chính của Pakistan.

Năm 2015, Reuters dẫn lời một quan chức Bangladesh nói rằng đất nước ông “chưa bao giờ tiếp đón tàu hải quân từ Trung Quốc và cũng không có kế hoạch nào”. Nhưng sau đó, vào tháng 1/2016, ba tàu Trung Quốc gồm các khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Liễu Châu và Tam Á và tàu tiếp liệu Qinghaihu đã cập cảng Chittagong.

Chuyến thăm kéo dài 5 ngày là chuyến thăm đầu tiên kiểu này ở Bangladesh và diễn ra vài tháng sau khi Trung Quốc hạ thủy một tàu khu trục nhỏ được chế tạo đặc biệt cho Hải quân Bangladesh.

Tại Sri Lanka, cảng tại Hambantota là một liên kết chiến lược khác trong BRI của Trung Quốc. Giai đoạn đầu tiên của dự án cảng được khánh thành vào tháng 11/2010 và Ngân hàng Exim Trung Quốc cho vay 306,7 triệu USD, tương đương 85% tổng chi phí của dự án. Khi chi phí tăng, sự tham gia của Trung Quốc cũng vậy.

“Vương miện ngọc” trong cái gọi là “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc chắc chắn là cảng Gwadar ở Pakistan. Cảng này nằm trên bờ biển Arab, gần với các tuyến đường thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi, Trung Đông và đến Djibouti, Biển Đỏ, Kênh đào Suez.

Gwadar chịu sự kiểm soát hành chính của Bộ trưởng Hàng hải Pakistan và kiểm soát hoạt động của Công ty Cổ phần Cảng Hải ngoại Trung Quốc. Cảng là một thành phần quan trọng của Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), một liên kết chính trong BRI.

Vào cuối năm 2015, khoảng 2.000 mẫu đất đã được cho Công ty China Overseas Port Holdings Limited thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc thuê trong 43 năm để phát triển khu vực hiện được gọi là Đặc khu kinh tế Gwadar.

Vào tháng 6/2020, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một số khu phức hợp mới đã được xây dựng ở Gwadar. Những hình ảnh và an ninh cực kỳ chặt chẽ xung quanh các cấu trúc cho thấy giai đoạn đầu của một dự án xây dựng căn cứ hải quân.

Tháng 1/2021, Cố vấn An ninh Quốc gia Pakistan Moeed Yusuf đã bác bỏ tuyên bố rằng nước ông đã cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại Gwadar. Mặt khác, căn cứ này có lẽ sẽ không phải do Bắc Kinh chính thức điều hành mà phù hợp với mô hình ngoại giao tàu ngầm của nước này.

Nhưng đến tháng 2/2021, Pakistan thông báo sẽ mua 4 khinh hạm hiện đại và 8 tàu ngầm lớp Hangor từ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới