Điểm nóng Ukraine hiện thời đang như phép thử ngoại giao khắc nghiệt đối với các quốc gia. Là một trong những cường quốc hàng đầu, phản ứng của Trung Quốc trước sự kiện này càng được dư luận chú ý.
Liên quan sự kiện Ukraine, “hai dòng nước” ngược đụng nhau, tung bọt dữ dội trong thời điểm này: một bên là “Gấu Nga” lừng lẫy một thời, một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây như Anh, Pháp, Đức…
Câu chuyện càng trở nên căng thẳng sau quyết định của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, thực hiện điều Kremlin dền dứ từ lâu, là công nhận độc lập cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, hai khu vực ly khai gọi chung là Donbass, ở miền Đông Ukraine.
Mỹ và các quốc gia đồng minh lập tức lồng lên, cáo buộc Nga hành động như một kẻ hiếu chiến; rằng: với hành động đó, Moscow đang dọn đường cho việc công khai gửi quân đội vào Donbass với lập luận là đồng minh giúp bảo vệ Donbass trước Ukraine. Để gia thuyết phục dư luận và cộng đồng quốc tế, Mỹ và phương Tây công bố các tấm ảnh cho thấy các đoàn xe quân sự của Nga đang tiến về vùng Donetsk; một số lực lượng, thậm chí, chỉ cách biên giới Ukraine 5km. Điều đó cũng có nghĩa là “việc rút quân” trước đó, như Kremlin tuyên bố, chỉ là động tác giả. Kèm theo đó, Mỹ, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) ban hành các trừng phạt nhằm vào Nga để đáp trả các động thái mới nhất của Nga liên quan đến Ukraine mà họ cho là đang ngày một hung hăng, nguy hiểm.
Chuyện bên Tây, nhưng nhiều người không thể không chú ý, theo dõi sát các động thái của một nước bên Đông – nước đó là Trung Quốc.
Dễ hiểu, bàn cờ chính trị thế giới, có chuyện gì mà các cường quốc không xen vào. Thậm chí, để khẳng định vị thế, tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi, họ còn đòi mình phải là người “chơi cờ”, bất luận “quân cờ” là các nước nhỏ, gánh chịu hậu quả nghiêm trọng, thảm khốc như thế nào.
Liên quan Trung Quốc, nhiều người nhớ hình ảnh thân thiện giữa ông Tập Cận Bình với ông Putin trong cuộc gặp trước khi khai mạc Olympic Bắc Kinh mùa đông gắn với những tuyên bố đầy hữu hảo giữa hai nhà lãnh đạo về quan hệ hai nước. Hai ông này còn nhất trí kêu gọi NATO hãy từ bỏ cách tiếp cận theo hướng “chiến tranh lạnh” trong các vấn đề quốc tế. Riêng ông Tập Cận Bình to tiếng ủng hộ các yêu cầu của Matxcơva rằng liên minh quân sự NATO không nên kết nạp các thành viên mới…
Họ cũng không thể quên “sự im lặng đáng ngờ” của Bắc Kinh trước diễn tiến ngày càng căng thẳng tại Ukraine.
Tuy nhiên, vẻ như diễn biến ngày một căng thẳng hơn đã khiến Bắc Kinh buộc phải tính toán lại. Cụ thể, ngày 17/2, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macro, ông Tập nói rằng: các bên liên quan nên bám sát định hướng chung, tận dụng các nền tảng đa phương bao gồm định dạng Normandy và tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho vấn đề Ukraine thông qua đối thoại và tham vấn. Nhà lãnh đạo Trung Nam Hải cũng “ca ngợi hành động của Pháp, Đức trong khuôn khổ định dạng Normandy và nhắc lại sự ủng hộ hoàn toàn của ông đối với việc thực hiện Nghị định thư Minsk”.
Tiếp theo ông Tập, phát ngôn gần đây của giới chức ngoại giao Trung Quốc càng thể hiện rõ hơn chiều hướng mới trong quan điểm của Bắc Kinh về điểm nóng Đông Âu này. Tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại sứ Trung Quốc Trương Quân đưa một tuyên bố dài những… 6 dòng dè dặt một cách bí ẩn, tại cuộc họp cuối ngày 21/2: “Tình hình hiện nay ở Ukraine là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp. Trung Quốc luôn đưa ra lập trường của mình, tuỳ theo tính chất của từng vấn đề” (?!)
Cuối tuần qua, tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi, “Tất cả các bên đều có quyền nêu lên mối quan ngại của họ. Những quan ngại hợp lý của Nga cũng cần được tôn trọng và chú ý”. Nhưng cũng chính ông khẳng định chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào cũng cần được tôn trọng và bảo vệ”, kèm theo đó là lời chỉ trích phương Tây “gây hoảng sợ”.
Không khó để hiểu, sự “lựa lời” của nhà ngoại giao “cáo già” này của Bắc Kinh không ngoài mục tiêu “ngư ông đắc lợi”: Không muốn mếch lòng Nga, nhưng cũng không muốn làm căng thẳng thêm với Mỹ và các cường quốc phương Tây. Thậm chí, miệng kêu gọi hai bên kiềm chế, nhưng trong bụng, rất có thể, Bắc Kinh chỉ muốn một cuộc tranh hùng khốc liệt diễn ra khiến cả Mỹ cùng đồng minh và Nga cùng suy yếu để đến thời bá chủ của Trung Quốc.
Đ.T