Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThuế giá trị gia tăng: Nơi giảm, nơi thờ ơ

Thuế giá trị gia tăng: Nơi giảm, nơi thờ ơ

Không thể phủ nhận rằng chính sách giảm thuế 2% giá trị gia tăng (VAT) sẽ giúp các doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn về kinh tế, tuy nhiên, sau gần 1 tháng kể từ khi chính sách này có hiệu lực, việc thực hiện còn nhiều vướng mắc, vẫn còn một số nơi chưa thực hiện.

Nhiều hệ thống siêu thị đã thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng.

Mua hàng ở chợ chưa thấy giảm thuế

Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử VOV tại một số siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn Hà Nội như GO!, Big C, Tops Market, Saigon Co.op… nhiều hệ thống siêu thị đã giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP. Người tiêu dùng khi mua sắm tại đây đều có thể kiểm tra thông tin thuế VAT mới trên hóa đơn với mức thuế đã giảm từ 10% xuống còn 8%.

Trên hoá đơn của chị Nguyễn Thị Hương (Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội) mua ở siêu thị Co.opFood, các mặt hàng như giấy ăn, sữa, hàng gia dụng, mì chính… đều ghi rõ mức VAT 8%; các nhóm hàng VAT 5% thì vẫn giữ nguyên. Với hóa đơn mua hàng khoảng 1.000.000 đồng, chị được giảm thuế VAT 20.000 đồng.

“Việc giảm thuế VAT dù không lớn nhưng đó là sự hỗ trợ cần thiết cho người dân, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn như hiện nay”, chị Hương nói.

Bên cạnh các hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn đã thực hiện công khai, rõ ràng trong việc giảm thuế VAT thì vẫn có một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích cộng gộp thuế vào giá sản phẩm nên người dùng chưa rõ mức hưởng lợi cụ thể thế nào. Chị Hoàng Minh Yến (ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị vừa mua các loại trái cây và một số đồ dùng thiết yếu tại siêu thị Winmart tổng cộng hết 705.000 đồng. Trên hóa đơn bán hàng mà siêu thị xuất cho chị chỉ “giá đã bao gồm thuế GTGT” nên chị cũng không biết được số tiền thuế bao nhiêu.

“Tôi cũng nghe báo chí nói giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% nhưng mua hàng thấy nhiều cửa hàng họ cộng gộp giá tiền sản phẩm và VAT nên cũng không rõ là đã giảm thuế hay chưa”, chị Hoàng Minh Yến băn khoăn.

Trong khi đó tại các chợ dân sinh, hộ kinh doanh truyền thống, hầu hết người bán hiện nay không xuất hóa đơn, cả người bán lẫn người mua đều không biết và cũng không quan tâm đến thuế VAT. Người mua chỉ quan tâm giá món hàng đó có tăng, giảm so với trước hay không. Chị Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương bán tạp hóa tại chợ 8-3, quận Hai Bà Trưng cho hay, chị bán hàng dựa theo giá vốn và tiền công lãi chứ không bao gồm tiền gì nữa.

“Mình chỉ biết lấy giá vốn bao nhiêu thì bán ra cộng tiền lời lên nữa là được chứ cũng không ai quan tâm thuế VAT tăng giảm như thế nào. Ra tết thậm chí nhiều hàng nhập vào còn tăng do đầu vào tăng, giá xăng tăng”, chị Hòa nói.

Tại nhiều chợ dân sinh, giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ không giảm, thậm chí còn tăng so với trước Tết. Chị Linh Chi (ở Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, hầu hết giá rau xanh đều tăng từ 15-20% do thời tiết mưa lạnh, ngay cả bún cũng tăng giá, trước tết 1kg bún có giá 10.000 đồng, sau Tết 1kg bún tăng lên 12.000 đồng.

“Đi ăn sáng ở gần nhà tôi sau Tết giá bún cá đã tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/bát, phở bò cũng tăng từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng/bát. Rau xanh thì loại nào cũng tăng giá. Thịt, cá ở chợ giá cũng như trước Tết, không thấy giảm. Chắc chỉ có trong siêu thị họ giảm thuế VAT chứ ở đây giảm thuế cũng không tác động gì đến khu vực này”, chị Linh Chi cho hay.

Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng trong thực hiện

Không thể phủ nhận rằng chính sách giảm 2% VAT sẽ giúp các doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn về kinh tế nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC cho biết, hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp và kế toán lúng túng trong việc trong thực hiện giảm thuế VAT do Nghị định số 15/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 28/1/2022, đây là thời điểm giáp tết Nguyên đán, kế toán và doanh nghiệp đã bước vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và chính thức quay lại làm việc từ ngày 7/2/2022 nên chưa có đủ thời gian để nghiên cứu và áp dụng cũng như chỉnh sửa lại phần mềm kế toán đang sử dụng để có phần thuế suất thuế VAT 8%.

Bên cạnh đó, việc căn cứ vào mã hàng hóa, dịch vụ để xác định đối tượng được áp dụng thuế VAT 8% là rất rộng. Nếu một doanh nghiệp kinh doanh văn phòng phẩm, kinh doanh siêu thị… có hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu mã hàng hóa, thì khâu tra cứu đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ của mình đang kinh doanh để biết nó có mã là gì theo quy định ở Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 sau đó đối chiếu với Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP mất rất nhiều thời gian và công sức của kế toán và doanh nghiệp.

“Trong quá trình áp dụng vào thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, kế toán nhầm lẫn giữa mã kinh tế và mã sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Điều đó làm họ hoang mang khi tra cứu, không biết doanh nghiệp mình có được giảm thuế hay không, thậm chí khi đã có hướng dẫn các bước tra cứu, đối chiếu rồi nhưng hầu hết các doanh nghiệp, kế toán vẫn không biết tra cứu như thế nào”, ông Nguyễn Văn Thức nêu thực tế.

Ông Thức cho rằng, để giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, kế toán sớm đưa chính sách nhân văn này vào cuộc sống thì doanh nghiệp và hộ kinh doanh cần bình tĩnh, đọc kỹ Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định thế nào để xác định xem doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh mình có những mặt hàng nào được áp dụng thuế VAT 8%, còn những mặt hàng nào áp dụng thuế VAT 10%.

Ngoài ra, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cũng cần xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết, dễ thực hiện để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát. Chính sách đã có hiệu lực, cơ quan thẩm quyền cần xử lý nghiêm các trường hợp không triển khai dù đã được phổ biến.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới