Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang bắt đầu đầu tư vào siêu vũ trụ số Metaverse. Tencent, Alibaba và ByteDance đồng loạt tăng tốc phát triển siêu vũ trụ số metaverse.
Metaverse tại Trung Quốc
Theo Morgan Stanley, tại Trung Quốc, tổng giá trị thị trường metaverse có thể lên tới 52 nghìn tỉ NDT, tương đương khoảng 8 nghìn tỉ USD, ông cho biết trong một bài viết vào tháng trước.
Các công ty như Tencent, NetEase, chủ sở hữu TikTok (ByteDance) và Alibaba có thể là những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng metaverse sẽ được ứng dụng ban đầu trong các lĩnh vực như thực tế ảo (VR), game và mạng xã hội. Điều này có thể bao gồm mua vật phẩm ảo trong trò chơi hoặc tạo hình đại diện kỹ thuật số để tham gia các cuộc họp ảo.
“Metaverse là tương lai của mạng xã hội”, Winston Ma, đối tác quản lý của CloudTree Ventures, cho biết. Tất cả những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đều phải nắm lấy cơ hội này để tìm ra những cách thức mới nhằm thu hút thế hệ người dùng Internet trẻ tuổi nhất, điều này rất quan trọng vào thời điểm các mô hình kinh doanh của họ trên điện thoại thông minh và Internet di động đã dần hoàn thiện.
Cuộc đua của những gã khổng lồ công nghệ
Trong một cuộc họp vào tháng 11, Giám đốc điều hành Tencent Pony Ma cho biết Metaverse sẽ là cơ hội để phát triển các ngành hiện có như game. Tencent là công ty trò chơi lớn nhất thế giới với danh mục lớn các trò chơi trên PC và di động.
Ngoài ra, Tencent cũng sở hữu WeChat, một dịch vụ nhắn tin với hơn một tỉ người dùng cũng là mạng truyền thông xã hội lớn nhất tại Trung Quốc. Pony Ma cho biết công ty có “rất nhiều công nghệ và bí quyết” để khám phá và phát triển Metaverse.
Trong khi đó, ByteDance đã mở rộng mạnh mẽ sang lĩnh vực chơi game trong năm ngoái. Vào tháng 8, công ty này đã mua lại nhà sản xuất tai nghe thực tế ảo Pico. ByteDance hiện cũng sở hữu TikTok, ứng dụng video dạng ngắn phổ biến tại Trung Quốc.
Alibaba năm nay cho biết họ có kế hoạch tung ra kính thực tế tăng cường (AR) cho các cuộc họp ảo. Tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, gã khổng lồ thương mại điện tử cũng đã tung ra một mô hình người ảo tên là Dong Dong, có khả năng trả lời các câu hỏi về sự kiện và quảng cáo các mặt hàng liên quan đến thế vận hội, sử dụng các cử chỉ và nét mặt giống như thật.
Công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu đã tung ra một ứng dụng metaverse vào năm ngoái có tên là XiRang, có thể chứa tới 100.000 người cùng một lúc, tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Ma Jie, phó chủ tịch của Baidu, cho biết sẽ mất khoảng sáu năm nữa để ứng dụng chính thức ra mắt.
Charles Mok, người sáng lập Tech For Good Asia cho biết metaverse có thể liên quan đến các trò chơi được hỗ trợ VR/AR và tạo ra môi trường tương tác xã hội mới. Đây rõ ràng sẽ là những lĩnh vực mà các ông lớn công nghệ Trung Quốc sẽ ưu tiên. Chẳng hạn, thanh toán và các dịch vụ trực tuyến tích hợp giống WeChat có thể được mở rộng và tích hợp vào metaverse.
Metaverse bị quản lý bởi Trung Quốc
Thị trường metaverse của Trung Quốc có thể rất khác so với các quốc gia khác do sự kiểm duyệt chặt chẽ, các quy định nghiêm ngặt về lĩnh vực công nghệ và sự gay gắt của Bắc Kinh đối với tiền điện tử.
Luật chống độc quyền mới cho các nền tảng Internet đã được đề xuất, trong khi luật bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được được thông qua. Bắc Kinh cũng đưa ra những quy định chặt chẽ để cắt giảm thời gian trẻ vị thành niên truy cập các trò chơi trực tuyến.
Các nhà phân tích cho biết những quy định hiện hành này có thể sẽ được sử dụng để điều chỉnh và kiểm soát các ứng dụng metaverse.
Hanyu Liu, nhà phân tích thị trường Trung Quốc tại Daxue Consulting, nói với CNBC: “ Với sự đa dạng của các ứng dụng metaverse việc phát triển một bộ chính sách phù hợp cho tất cả sẽ không khả thi. Mỗi ứng dụng cụ thể nên nhận được các bộ quy định riêng được xây dựng dựa trên cơ quan lập pháp hiện hành”.
T.P