Một tuần sau khi Nga tấn công Ukraine, một phái đoàn quốc phòng và an ninh cấp cao của Mỹ được Tổng thống Joe Biden cử đến Đài Loan. Động thái này của Mỹ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Một tuần sau khi Nga tấn công Ukraine, một phái đoàn quốc phòng và an ninh cấp cao của Mỹ được Tổng thống Joe Biden cử đến Đài Loan. Động thái này của Mỹ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Tại sao lại “quan tâm đặc biệt” khi thành phần của phái đoàn chỉ gồm các cựu quan chức? Thành phần cũng quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn, là sứ mệnh của phái đoàn được Nhà trắng giao: trấn an Đài Loan trong bối cảnh Nga mở cuộc tấn công Ukraine. Về điều này, người Mỹ chẳng hề úp mở. Cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen, người dẫn đầu đầu phái đoàn, đã tuyên bố: “Tôi hy vọng với việc xuất hiện ở đây với các bạn, chúng tôi có thể trấn an các bạn và người dân của các bạn, cũng như các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực, rằng Mỹ luôn kiên định với các cam kết của mình”.
Nói thế, nghĩa là Nhà trắng cũng như tổng thống Mỹ Joe Biden đã hiểu lắm tâm trạng của bà Thái Anh Văn.
Sự thực, thời điểm này, bà Thái Anh Văn, người được ví như “tài nữ” xứ Đài, đang dõi theo những gì diễn ra tại Ukraine trước cuộc tiến công bất ngờ, sấm sét của Nga một cách lo lắng. Bà lo lắng cho số phận của quốc gia Đông Âu này chăng? Có thể. Nhưng điều quan trọng hơn, “nhìn người ngẫm đến ta”, những hình ảnh khốc liệt, mù trời vì bom rơi, đạn nổ, người chết…ở Ukraine khiến bà Thái lo cho chính số phận Đài Loan của mình. Xét về hoàn cảnh, tuy không thể nói là giống nhau, nhưng Ukraine và Đài Loan vẫn có những điểm có thể liên hệ, trong đó, rõ nhất là Ukraine từng là thành viên Liên Xô (cũ), còn người Đài Loan không chỉ đồng chủng, mà hòn đảo này và Trung Quốc hiện thời, trước năm 1949, cùng là một quốc gia do nhà nước Trung Hoa dân quốc quản lý.
Từ nhiều chục năm nay, những rắc rối liên quan nguyên nhân lịch sử đó khiến Đài Loan chưa lúc nào xa rời tầm ngắm của Trung Hoa đại lục. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là ông Tập Cận Bình gắn với sự trỗi dậy thật sự của một cường quốc sau hàng trăm năm ngủ đông, luôn thể hiện khát vọng và khẳng định mục tiêu thu hồi Đài Loan như một phần lãnh thổ không thể tách rời.
Ý chí của Trung Quốc khiến Đài Loan lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công từ đại lục. Cùng với không lơi là cảnh giác, nâng cao năng lực quốc phòng, những nhà lãnh đạo Đài Loan ra sức tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh, nhất là Mỹ.
Trong bối cảnh lò lửa mới bùng phát tại Ukraine, bà Thái Anh Văn càng lo lắng hơn trước những động thái của Trung Nam Hải: không ủng hộ, nhưng cũng không phản đối hành động quân sự tấn công Ukraine của Kremlin, thể hiện qua tuyên bố của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Thậm chí, ông Vương Nghị, tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 năm 2022, còn tung ra những ngôn từ ví như “dòng nước ngược”, rằng: “Những quan ngại hợp lý của Nga cũng cần được tôn trọng và chú ý”.
Mới đây nhất, ngày 2/3/2022, tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc – một phiên họp khẩn cấp hiếm hoi về tình hình Ukraine, sau đó, với 141 phiếu thuận, đã ban hành nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự và “rút toàn bộ lực lượng vô điều kiện” khỏi lãnh thổ Ukraine trong biên giới được quốc tế công nhận, Trung Quốc đã một lần nữa thể hiện sự nhất quán quan điểm của mình bằng một “phiếu trắng”, khiến dư luận nghi ngờ rằng, lý do của lá phiếu đó hẳn liên quan đến câu chuyện Đài Loan. Nói cách khác, cường quyền để đạt mục tiêu – như Nga đang làm – là điều Trung Quốc muốn như một tiền lệ.
Thấu hiểu Bắc Kinh, thế nên, bà Thái Anh Văn, trước thời điểm Ukraine bị tấn công, đã kêu gọi các lực lượng vũ trang Đài Loan tăng cường giám sát và cảnh giác với các hoạt động quân sự quanh hòn đảo. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp còn nói rõ hơn, rằng, “Đài Loan đang giám sát rất kỹ để xem liệu Trung Quốc có lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để tấn công hay không”.
Chuẩn bị, theo dõi hay giám sát…điều đó đều gắn với nỗi lo lắng của giới lãnh đạo xứ Đài. Thế nên, một lời trấn an, nhắc lại cam kết của người Mỹ về việc bảo vệ đồng minh lúc này, với và Thái Anh Văn thật là cần thiết.
Và bà Thái cũng như giới lãnh đạo Đài Loan hẳn sẽ yên lòng hơn, nếu người Mỹ không chỉ “nói vọng”, mà còn cử hẳn một phái đoàn trực tiếp mang lời cam kết đến đúng vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng”.
T.V