Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ có thể phải chuyển hướng chính sách xoay trục sang châu...

Mỹ có thể phải chuyển hướng chính sách xoay trục sang châu Á

Tổng thống Biden đã không nhắc đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong Thông điệp Liên bang, báo hiệu chuyển hướng chính sách trước mắt của Mỹ, theo chuyên gia.

Trong Thông điệp Liên bang đêm 1/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden không nhắc đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, còn từ “châu Á” chỉ xuất hiện một lần, Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại tổ chức nghiên cứu chính sách chiến lược và tư vấn hàng đầu RAND ở Mỹ, nói với VnExpress.

“Ông Biden nói về ‘Trung Quốc’ hai lần, trong khi ‘nước Nga’ được đề cập đến 18 lần. Nga đã chính thức giữ vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden”, Grossman nhận định.

Grossman lưu ý chính phủ Mỹ qua liên tiếp ba đời tổng thống, từ Barack Obama đến Donald Trump và Joe Biden, đều thể hiện mong muốn đặt khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là ưu tiên chính sách hàng đầu. Cách chính quyền Biden công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào giữa tháng 2 cũng được đánh giá nhằm trấn an các đối tác khu vực rằng vấn đề Ukraine sẽ không làm chệch định hướng đối ngoại của Mỹ.

“Tuy nhiên, Mỹ hiện phải dành nhiều sự quan tâm hơn cho châu Âu. Câu hỏi quan trọng là chính phủ Mỹ sẽ nỗ lực như thế nào để quay lại với ưu tiên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Grossman nói. “Mỗi nước đều có giới hạn nhất định trong khả năng bao quát tình hình và vấn đề Ukraine hiện nay đòi hỏi sự tập trung lớn“.

Chuyên gia Mỹ nhận định nếu chính phủ Nga chấp nhận hạ nhiệt căng thẳng hoặc đàm phán thực chất trong thời gian tới, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington vẫn còn khả năng được triển khai mạnh mẽ trong năm 2022. Tuy nhiên, ông không quá lạc quan về viễn cảnh này, đặc biệt với diễn biến nhiều ngày qua tại Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2 tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine với mục tiêu “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” nước láng giềng và bảo vệ vùng ly khai ở Donbass. Chiến sự đã kéo dài sang ngày thứ 9, khi các lực lượng quân đội và dân quân Ukraine chống trả quyết liệt tại nhiều thành phố lớn.

Washington cùng các đồng minh, đối tác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn ngoại giao chưa từng có tiền lệ, gây sức ép để Moskva ngừng chiến dịch quân sự, đồng thời rút quân khỏi lãnh thổ nước láng giềng.

Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở châu Âu, trong khi NATO lần đầu tiên triển khai các lực lượng phản ứng khẩn cấp đến những nước thành viên ở sườn đông.

Xe đa dụng Tigr-M của quân đội Nga bị phá hủy tại thành phố Kharkov ngày 28/2. Ảnh: Reuters.
Xe đa dụng Tigr-M của quân đội Nga bị phá hủy tại thành phố Kharkov ngày 28/2. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, theo Grossman, khủng hoảng Ukraine có thể là cơ hội để các đối tác, đặc biệt tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đánh giá Mỹ sẽ duy trì các cam kết chiến lược như thế nào khi họ không có hiệp ước phòng thủ chung hay cơ chế hợp tác quân sự.

Trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ chỉ ký hiệp ước phòng thủ chung với 5 đồng minh, phần còn lại chủ yếu là đối tác với Washington. Grossman cho rằng những đối tác của Mỹ như đảo Đài Loan “hẳn cũng băn khoăn Mỹ sẽ đi xa đến mức nào trong cam kết hỗ trợ của mình”.

Grossman đánh giá trường hợp Ukraine đang mang đến lời đáp rõ ràng nhất cho câu hỏi này. Quốc gia châu Âu này không phải đồng minh của Mỹ và cũng không là thành viên NATO. Mối quan hệ giữa Ukraine và Mỹ ở mức đối tác, tương tự nhiều nước và vùng lãnh thổ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông nhận định Đài Loan có thể đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Ukraine và cách Mỹ cùng đồng minh phản ứng với cuộc khủng hoảng này.

Mỹ chuyển trang thiết bị quân sự hỗ trợ Ukraine lên máy bay vận tải C-17, cất cánh từ căn cứ không quân Travis ở California ngày 14/2. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.
Mỹ chuyển trang thiết bị quân sự hỗ trợ Ukraine lên máy bay vận tải C-17, cất cánh từ căn cứ không quân Travis ở California ngày 14/2. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Phát biểu trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ không triển khai lực lượng quân sự đến tham chiến ở Ukraine, tái khẳng định không muốn để xảy ra xung đột trực tiếp với lực lượng Nga. Những động thái triển khai lực lượng quân sự thời gian qua của Mỹ tại châu Âu chỉ nhằm bảo vệ các đồng minh NATO, đề phòng kịch bản chiến sự vượt khả năng kiểm soát và ảnh hưởng những thành viên NATO liền kề.

Theo Grossman, Washington đang hết sức thận trọng trong cuộc khủng hoảng tại châu Âu. Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ đang phải cạnh tranh mạnh mẽ cùng lúc với Nga và Trung Quốc, hai cường quốc có tiềm lực quân sự rất mạnh và đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong khi đó, Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và được dự báo có khả năng vượt mặt Mỹ trước khi thập kỷ 2020 kết thúc.

Grossman lưu ý Mỹ chưa từng phải ở trong tình thế như hiện nay và Washington chắc chắn rất lo lắng.

“Mỹ có khả năng phân tâm với khu vực và mở ra cơ hội cho Trung Quốc”, chuyên gia của tổ chức RAND cảnh báo. “Tôi không nghĩ điều đó có nhiều khả năng xảy ra, nhưng cũng không phải là bất khả thi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới