Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga có "ngấm đòn" trừng phạt?: 39 tỉ USD bốc hơi trong...

Nga có “ngấm đòn” trừng phạt?: 39 tỉ USD bốc hơi trong 24 giờ nhưng hãy nhìn lại năm 2014

9 năm trước, Nga từng đối mặt với hàng loạt cấm vận từ phương Tây, cũng do liên quan tới Ukraine – nhưng “gần như chẳng hề hấn gì”, nhà báo Mỹ kỳ cựu nhận định trên NYT.

39 tỉ USD bốc hơi, 1 nghìn tỉ USD ngừng giao dịch

Chưa đầy 24 giờ sau khi Mỹ công bố trừng phạt Moscow vì hành động quân sự của nước này ở Ukraine, 39 tỉ USD đã rơi khỏi túi giới siêu giàu Nga – nhiều hơn mức họ kiếm được trong năm nay, theo thống kê của Bloomberg. Chỉ số chứng khoán Nga MOEX giảm 33%.

Với một thị trường trị giá hơn 50 tỉ USD thì đây là mức sụt giảm nghiêm trọng nhất trong 35 năm, kể từ Ngày thứ Hai Đen tối năm 1987.

Wall Street Journal dự báo, giá trị của đồng rúp – vốn đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại, sẽ tiếp tục giảm.

Theo ông Daniel Fried, cựu điều phối viên Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách trừng phạt, người nắm vai trò chủ chốt trong chiến dịch đáp trả của phương Tây sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014, biện pháp cấm vận mới nhất áp lên Moscow là “một đòn lớn”.

Washington đã đóng băng tất cả tài sản của ngân hàng VTB có liên kết với hệ thống tài chính Mỹ, ngăn chặn giao dịch bằng đồng USD của Sberbank. Chỉ riêng 2 ngân hàng nhà nước nói trên đã nắm giữ tới gần 1 nửa tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng Nga.

80% giao dịch ngoại hối của Nga – vốn được thực hiện bằng đồng USD, nay sẽ bị gián đoạn. Ước tính, khoảng 1 nghìn tỉ USD tài sản trong hệ thống ngân hàng nước này sẽ không thể chảy qua Mỹ và hệ thống tài chính của các đồng minh.

Đường ống Nord Stream 2 trị giá 11 tỉ USD dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu không thể đi vào hoạt động do Đức tuyên bố ngừng phê duyệt. Công ty đứng sau nó bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt kinh tế.

Chuyên gia nghiên cứu chính sách trừng phạt Edward Fishman phát biểu với tờ The Washington Post rằng, các biện pháp mạnh tay phương Tây áp đặt lên Nga “không những gây thiệt hại lớn về mặt tài chính mà còn là tín hiệu cho thấy không có lĩnh vực nào của nền kinh tế Nga là bất khả xâm phạm”.

Hiệu quả ư? Có thể phải chờ vài năm

“Trừng phạt có tác dụng không? – Có. Nhưng thường là không”, nhà báo kì cựu David Leonhardt của tờ New York Times mở đầu như vậy khi phân tích những biện pháp hà khắc Mỹ áp lên Nga.

Năm 2014, Moscow đã phải gánh chịu hậu quả nhất định từ các đòn trừng phạt, sau khi sáp nhập Crimea. Nền kinh tế suy thoái. Giá đồng rúp lao dốc trên thị trường toàn cầu. Doanh nghiệp trong nước khó huy động tiền cho các dự án mới. Các công ty dầu mỏ vấp phải nhiều hạn chế khi làm việc với đối tác phương Tây.

Nhưng sau 2 năm, kinh tế Nga bắt đầu hồi phục. Quốc gia này ít phụ thuộc hơn vào các khoản vay, nợ nước ngoài thấp hơn, tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác từ các thị trường khác, trong đó có Trung Quốc. Tỉ lệ dự trữ bằng đồng USD giảm, thay vào đó là dự trữ bằng vàng.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/2 khẳng định Nga có đủ năng lực cần thiết để vượt qua thiệt hại do cấm vận mới nhất từ phương Tây. Giới quan sát cũng cho rằng, Moscow đã vững vàng hơn trước các đòn trừng phạt.

Trong khi đó, sức nặng của chúng đối với ông Putin đang bị chính nhóm quan chức Mỹ từng tham gia xây dựng các gói trừng phạt hoài nghi.

Một báo cáo do Bộ Tài chính Mỹ công bố hồi tháng trước thừa nhận, các đồng minh và đối thủ của Washington ngày càng quay lưng với đồng USD. Vì thế, cấm vận, vốn được Mỹ coi là công cụ an ninh quốc gia mạnh mẽ, dường như cũng không còn hiệu quả như trước.

Ông Brian O’Toole, cựu cố vấn cấp cao cho Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ (cơ quan chuyên kiểm soát, quản lý và thực thi trừng phạt kinh tế và thương mại), bày tỏ, cần phải có thời gian – thậm chí là vài năm để Nga cảm nhận được thiệt hại.

Ông lo ngại, “nếu không thấy ngay hệ quả, Putin có thể cho rằng lệnh trừng phạt ít gây đau đớn cho nền kinh tế hơn so với những gì ông ta dự đoán và nó sẽ thúc đẩy ông ta hành động mạnh mẽ hơn”.

Nga đi tiếp ở Ukraine, Mỹ sẵn sàng theo

Bloomberg cảnh báo, trong bối cảnh Nga là quốc gia hùng mạnh nhất phải đối mặt với cấm vận từ phương Tây tính tới thời điểm này, bất kì đòn đáp trả mạnh tay nào đủ sức thay đổi tính toán của Tổng thống Putin tại Ukraine đều có thể để lại hệ lụy lớn không kém cho cả Mỹ và EU.

Sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng Nga cũng như tình trạng lạm phát có xu hướng gia tăng ở Mỹ cũng góp phần giới hạn mức độ sát thương mà phương Tây có thể gây ra với Moscow.

Trên thực tế, dù làm mạnh tay với các ngân hàng Nga, Mỹ vẫn loại ngân hàng lớn thứ 3 của Nga Gazprombank khỏi danh sách cấm vận toàn diện do đây đang là kênh thanh toán chính cho nhiên liệu Nga.

Các ngân hàng Mỹ được phép thực hiện giao dịch thanh toán liên quan đến hoạt động khai thác, sản xuất, vận chuyển, mua bán dầu mỏ hoặc các sản phẩm có thể tạo ra năng lượng (bao gồm than đá, gỗ, uranium) của Nga thông qua trung gian là ngân hàng ở nước thứ 3, không bị áp trừng phạt.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden chấp nhận gánh chịu mất mát trong lần đối đầu này. Ông tuyên bố “Nếu Nga đi tiếp trong cuộc xung đột này, chúng tôi cũng sẵn sàng tiến thêm”.

Theo phóng viên Steven Erlanger của tờ New York Times, phương Tây đã đưa vào gói trừng phạt nhiều biện pháp mạnh mẽ, gây tổn hại quy mô lớn cho Nga, nhưng “vẫn chưa tung ra tất cả”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới