Washington đã cảnh báo các đồng minh phương Tây rằng phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn sẽ chỉ khiến người châu Âu dễ bị tổn thương hơn trước Moscow.
“Khi bạn bật lò sưởi trong nhà, bạn có thể không chú ý đến nguồn năng lượng đó đến từ đâu chứ đừng nói đến tiền bạn trả cho năng lượng sẽ về đâu. Đối với hàng triệu người sống ở châu Âu, tiền là rất có thể sẽ đến với chính phủ Nga”, CNN cho rằng, rất có thể phần lớn trong số đó được chuyển thành kinh phí quân sự mà Nga sẽ dùng trong chiến dịch ở Ukraine.
Nga đã xây dựng mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tự nhiên khắp châu Âu từ những năm 1960. Kể từ đó, Washington đã cảnh báo các đồng minh phương Tây rằng phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn sẽ chỉ khiến người châu Âu dễ bị tổn thương hơn trước Moscow.
Và giờ đây, khi xung đột Nga-Ukraine mới xảy ra hơn một tuần, Liên minh châu Âu EU đang phải vật lộn với “cơn nghiện” khí đốt của Nga do tác động từ các lệnh trừng phạt của EU.
Giá năng lượng tăng, phương Tây chịu áp lực
“Khi Nga tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine trong hơn một tuần, California đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ có giá xăng trung bình vượt quá 5 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít)”, CNN cho biết giá xăng gần đây của Mỹ tăng phi mã chưa từng có kể từ sau thiệt hại do cơn bão Katrina gây ra vào năm 2005. Bình quân giá dầu diesel cũng đang tăng chóng mặt, điều này sẽ trực tiếp dẫn đến chi phí vận chuyển của các công ty tăng cao .
Vào ngày 4/3 (theo giờ địa phương), do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine, giá dầu thô của Mỹ đã tăng 7,4% lần thứ 2 trong ngày, lên 115,68 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 22/9/2008.
Mặc dù Nhà Trắng và Cơ quan Năng lượng Quốc tế mới đây đã thông báo giải phóng khoảng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ dầu khẩn cấp để giảm bớt sự tăng vọt của giá dầu thô, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu thô của Mỹ đang vẫn cao hơn so với trước khi xảy ra chiến sự Nga-Ukraine gần 26%.
Một báo cáo khác của CNN cho rằng giá xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU đã tăng vọt lên khoảng 500 triệu euro (545 triệu USD)/ngày, tăng hơn gấp đôi từ 200 triệu euro (2,2 triệu USD) hồi tháng 2. Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, xuất khẩu dầu của Nga cũng đạt hàng trăm triệu USD sang châu Âu mỗi ngày.
“Kinh phí quân sự của Nga”
Trong bối cảnh giá năng lượng quốc tế tiếp tục tăng, châu Âu và Mỹ lại tìm cách cô lập Nga trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao, tài chính, nghệ thuật, thể thao và chăm sóc y tế, ngoại trừ xuất khẩu năng lượng.
Ngày 1/3 (theo giờ địa phương), Anh quyết định cấm tàu Nga vào các cảng của mình. Nhưng sau đó một số người dân Anh bắt đầu lo lắng rằng biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Anh. Vào ngày các lệnh trừng phạt được công bố, Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps đã nhanh chóng giải thích, các lệnh trừng phạt tập trung vào bản thân các con tàu chứ không phải hàng hóa trên đó. Ông Shapps cho biết dầu và khí đốt của Nga vẫn có thể được vận chuyển đến Anh trên các tàu từ các nước khác.
Nói với các phóng viên sau cuộc gặp với các quan chức ngành công nghiệp Đức tại Berlin vào ngày 3/3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho hay, ông sẽ không ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga và thậm chí sẽ lên tiếng phản đối vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước Đức.
Cùng ngày, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng cho biết, xét về mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine, Hungary sẽ không phủ quyết các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga bởi tinh thần đoàn kết của các nước thành viên là quan trọng nhất, nước này cũng phản đối hành động của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên mặt khác, ông nói rằng điều này sẽ không ảnh hưởng đến các thỏa thuận năng lượng giữa Hungary và Nga.
Tuần trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết: “Chúng tôi cũng như đồng minh trong khối EU, đang mua rất nhiều khí đốt và dầu của Nga. Tổng thống Putin đang lấy tiền từ chúng tôi, từ những người châu Âu”.
Tuy vừa nhập khẩu năng lượng từ Nga, vừa lo ngại Moscow sẽ được hưởng lợi, nhưng điều đó càng làm nổi bật tâm lý mâu thuẫn của người châu Âu. Trên thực tế, trong lĩnh vực năng lượng, châu Âu và Nga “cần nhau”.
Riêng về khí đốt, 27 quốc gia thành viên EU phụ thuộc vào Nga tới 40% nhu cầu.. Xét về quốc gia, Đức là khách hàng khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Bruegel, Bỉ, hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên của Đức được nhập khẩu từ Nga. Ngay cả Bộ trưởng Habeck cũng thừa nhận, hậu quả của các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể khiến các công ty Đức thiệt hại lên tới 20 tỷ euro. Hiện nay, 50% khí thiên nhiên nhập khẩu, 50% than đá nhập khẩu và 35% dầu mỏ nhập khẩu của Đức đều phụ thuộc vào Nga. Nước Đức cần tiếp tục tìm nguồn cung ứng từ Nga.
Theo số liệu của chính phủ Anh năm 2020, Nga là nguồn nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba, chiếm khoảng 11% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của nước này. Khí đốt của Nga chiếm 3% nhu cầu khí đốt của Vương quốc Anh.
Theo CNN, trái lại, Nga cũng cần tiền từ châu Âu. Theo Reuters, doanh thu từ dầu khí của Nga năm 2021 đạt khoảng 9,1 nghìn tỷ rúp, tương đương khoảng 119 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái vào tháng 1 năm nay, chiếm 36% ngân sách nhà nước của Nga.
“Năm ngoái, Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Sự gián đoạn trong xuất khẩu dầu sẽ đẩy chi phí lên cao trên toàn thế giới”, CNN cho rằng các lệnh trừng phạt này đang đánh vào nền kinh tế Nga, nhưng chúng vẫn chưa nhắm trực tiếp vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, vì các chính phủ phương Tây lo ngại về việc giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Không có dầu của Nga, châu Âu “lành ít dữ nhiều”
Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, châu Âu và Mỹ không phải là không hành động.
Fox News ngày 4/3 cho biết, các nghị sĩ Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cắt giảm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga của lưỡng đảng vì họ lo ngại việc tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga về cơ bản sẽ cung cấp cho Nga kinh phí quân sự ở Ukraine.
Hiện một số nhà lập pháp Mỹ đang thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden hành động nhanh chóng hơn. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Roger Marshall đã đề xuất dự luật vào ngày 1/3 yêu cầu Nhà Trắng cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga. Dự luật nhận được sự ủng hộ của Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Wyoming John Barrasso, thuộc Ủy ban năng lượng Thượng viện và ít nhất bảy thành viên đảng Cộng hòa khác tại Thượng viện.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết bà “hoàn toàn ủng hộ” lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Thượng nghị sĩ Joe Manchin, thành viên đảng Dân chủ bang Tây Virginia, nói: “Tôi rất vui khi trả thêm 10 xu/gallon”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 4/3 nói với các phóng viên rằng Mỹ đang cố gắng tìm cách giảm nhập khẩu dầu của Nga trong khi đảm bảo nguồn cung dầu thô toàn cầu ổn định. Bà tiết lộ rằng Nhà Trắng đang thảo luận với các thành viên của Quốc hội về vấn đề này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, các biện pháp trừng phạt được cho là sẽ có tác động lớn đến Nga và Tổng thống Putin trong khi giảm thiểu thiệt hại cho Mỹ, đồng minh và đối tác của Mỹ.
Nhưng ông cho rằng, “hậu quả tức thì” của các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga sẽ “đẩy giá xăng dầu của Mỹ” tăng vọt và sau đó Nga sẽ lợi dụng điều này để lấp đầy lợi nhuận của chính mình.
Mặc dù từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt xuất khẩu trực tiếp lên Nga nhưng theo Ngoại trưởng Mỹ, Nhà Trắng quan tâm đến việc làm suy giảm vị thế một nhà cung cấp năng lượng hàng đầu thế giới của Nga. Ông cho hay, hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực để xóa bỏ sự phụ thuộc của phương Tây vào năng lượng từ Nga.
Đối với châu Âu, Cao uỷ phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson ngày 3/3 cho biết EU sẽ công bố kế hoạch vào tuần tới để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga và đẩy nhanh việc áp dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn.
Ban đầu, Đức có kế hoạch đạt được mục tiêu chuyển đổi 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040, nhưng kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Đức hy vọng hoàn thành mục tiêu này trước 5 năm.
Liên minh châu Âu sẽ tiết kiệm 10 tỷ mét khối khí đốt nếu tất cả các tòa nhà ở EU giảm nhiệt độ sưởi ấm 1 độ C, theo một kế hoạch nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Con số đó gần tương đương với mức tiêu thụ khí đốt trong ba tháng ở thành phố New York, hoặc một năm tiêu thụ khí đốt ở Hungary.
Liệu Châu Âu và Mỹ có thực sự làm được điều này?
Hãng tin CNN cho rằng ngay cả khi Mỹ ban hành lệnh cấm đối với dầu khí của Nga thì nó cũng chỉ mang tính biểu tượng. Bởi vì rất ít dầu được sử dụng ở Bắc Mỹ đến từ Nga.
CNN chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng dầu mỏ là một trong số những cuộc khủng hoảng đưa nước Mỹ vào suy thoái trong thế kỷ trước. Nhưng ngày nay có một sự khác biệt cơ bản, Mỹ ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ và ô tô. “Giá dầu tăng có thể chỉ là một cơn đau cho nền kinh tế, nhưng không phải là một yếu tố thay đổi cuộc chơi dẫn đến suy thoái sâu”.
Tuy nhiên, so với việc các chính trị gia Mỹ sẵn sàng trả thêm chi phí nhiên liệu để trừng phạt Nga thì người dân Mỹ có cái nhìn khác.
Một cuộc thăm dò gần đây của The Washington Post và Quỹ Gia đình Kaiser cho thấy 64% người dân Mỹ phản đối việc tăng thuế nhiên liệu lên 10 xu/gallon, trong khi với đề xuất mức tăng 25 xu/gallon, tỷ lệ phản đối tăng lên 74%.
Theo một cuộc thăm dò khác do CNN thực hiện, 71% người Mỹ muốn chính phủ xem xét tác động lên giá khí đốt tự nhiên khi quyết định chính sách đối với Nga; hơn 1/3 số người được khảo sát cho biết đây là điều chính phủ nên cân nhắc khi hoạch định chính sách.
Đó là ở Mỹ, còn ở Châu Âu, tình hình thậm chí còn khác biệt hơn.
Tom Kloza, một nhà phân tích năng lượng toàn cầu cho biết: “Dầu của Nga không quan trọng đối với Mỹ, nhưng nó quan trọng đối với châu Âu. Tôi không biết châu Âu sẽ ra sao nếu không có dầu thô của Nga. Nếu không có dầu thô [của Nga], châu Âu lành ít dữ nhiều”.
CNN dẫn lời chuyên gia năng lượng cho rằng việc cắt hoàn toàn khí đốt tự nhiên không phải là một lựa chọn trong mùa sưởi ấm này. Kể cả trong tương lai, sẽ khó có thể thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga.
Ben McWilliams, một nhà phân tích khí hậu và năng lượng tại Viện Kinh tế Quốc tế Bruegel (Bỉ), tin rằng phương pháp giảm nhiệt độ sưởi ấm chỉ nên được sử dụng như một “phương án cuối cùng”, và châu Âu cần phải làm nhiều hơn thế, không chỉ cần tìm các nhà cung cấp khí đốt khác, chẳng hạn như Mỹ, Azerbaijan và Qatar, mà còn cần cắt giảm nhu cầu khí đốt và giảm hoạt động của các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và hóa chất.
Và tất cả những điều này sẽ cần thời gian để chứng minh.
T.P