Những công trình ‘làm nghèo’ đất nước tồn tại ở rất nhiều địa phương khiến dư luận bức xúc.
Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, nước sạch, văn hóa… sử dụng vốn ngân sách để đầu tư nhưng lại “đắp chiếu”, hoang phế… gây lãng phí lớn. Theo ghi nhận của Thanh Niên, những công trình “làm nghèo” đất nước như vậy tồn tại ở rất nhiều địa phương khiến dư luận bức xúc bởi nhiều hệ lụy phát sinh.
Cầu vượt chơ vơ 10 năm
“Đắp chiếu” hơn 10 năm nay, cây cầu vượt đường sắt bắc – nam khá bề thế tại tổ dân phố Khánh Mỹ (TT.Phong Điền, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) thuộc dự án đường cứu hộ cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt đầu tư với nguồn vốn 671 tỉ đồng, đã có dấu hiệu xuống cấp, hoang phế.
Cầu vượt này có thiết kế 3 nhịp, 8 trụ tròn đứng, 2 đầu là tường thành cao, xem như cầu đã hoàn thiện xong phần thô rất kiên cố. Tuy nhiên, điều khó hiểu là cây cầu này lại… không có đường dẫn, khiến khối bê tông cứ “sừng sững” giữa trời một cách vô dụng. Sau thời gian dài bỏ hoang, đến nay rong rêu đã phủ đen khối bê tông, các phần cốt thép bị gỉ sét, ăn mòn…
Theo người dân sống trong khu vực quy hoạch của dự án, khi cầu này xây xong rồi bỏ không, dự án “treo” lâu năm, người dân cảm thấy rất khổ sở. Có thể thấy, công trình chậm chạp một cách khó hiểu này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của những hộ dân nằm trong phạm vi dự án. Đến nay, họ vẫn sống trong cảnh chờ đợi và chưa biết dự án lúc nào sẽ triển khai, chuyện tái định cư cũng “treo” lơ lửng qua năm tháng.
Đã chi khoảng 212 tỉ đồng và chờ…
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, dự án cầu vượt đường sắt có điểm bắt đầu tại QL1 đi qua TT.Phong Điền, điểm cuối đến biển Điền Lộc (H.Phong Điền) dài 16,5 km. Theo dự án, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 212 tỉ đồng, khởi công từ năm 2012, đến nay đã thi công thông tuyến từ QL1 nối tỉnh lộ 4 của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Về lý do vì sao dự án đến nay cứ nằm chỏng chơ giữa nắng mưa như vậy mà không được tiếp tục thi công, ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND H.Phong Điền, cho biết đây là dự án lớn của tỉnh, do chưa bố trí được vốn nên chưa làm. Theo ông Bách, dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên-Huế làm chủ đầu tư, đã hoàn thành giai đoạn 1 nhưng giai đoạn 2 chưa tiếp tục vì do thiếu vốn.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đăng Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng giải thích do mấy năm nay tỉnh khó khăn không bố trí được nguồn vốn nên dự án không tiếp tục được.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết chi tiết hơn: Dự án được phê duyệt 671 tỉ đồng, đã thực hiện được 340 tỉ đồng thì địa phương gặp khó khăn. “Năm nay (tức 2022 – PV), UBND tỉnh đã bố trí thêm được 94 tỉ đồng, nên sắp đến sẽ khởi động lại dự án, với các phần hạng mục đền bù giải phóng mặt bằng để đầu tư tuyến đường dẫn vào 2 đầu cầu và tiếp tục hoàn thiện cây cầu. Để phấn đấu cuối năm hoàn thành đưa vào sử dụng”, ông Cường nói.
Xây dở dang rồi bỏ đó
Tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An… cũng không khó để tìm những dự án được đầu tư nhưng do giữa chừng thiếu vốn hoặc vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên đành phải bỏ hoang, chết yểu, hoặc công trình không mang lại hiệu quả, gây lãng phí.
Điển hình là dự án cầu làng Ngòn bắc qua sông Cầu Chày, nối TT.Ngọc Lặc với xã Ngọc Khê (H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa) có giá trị đầu tư gần 55 tỉ đồng.
Theo thiết kế, cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có chiều dài 113 m và hoàn thành trong thời gian không quá 5 năm (kể từ năm 2010). Cầu hoàn thành sẽ giúp người dân xã Ngọc Khê và TT.Ngọc Lặc không phải đi thuyền, bè qua sông Cầu Chày, hoặc không phải đi đường vòng xa gần 10 km để qua lại giữa đôi bên.
Chủ đầu tư của dự án là Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Sau khi được phê duyệt, dự án đã triển khai xây dựng, nhưng đến tháng 4.2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đột nhiên thông báo dự án phải dừng thi công do thiếu vốn.
Lúc dừng thi công, cầu làng Ngòn mới xây dựng được bệ, tường thân, tường cánh 2 mố, 2 trụ cầu và đắp được một phần đường dẫn lên cầu. Tổng giá trị xây lắp đã thực hiện được hơn 22 tỉ đồng (42% giá trị dự án). Kể từ đó đến nay, dự án chết yểu, bỏ hoang phế.
Theo quan sát của PV, hiện xung quanh các mố cầu, trụ cầu cây cối mọc um tùm; những phần thép lộ thiên hoen gỉ, hư hỏng… gây ra nhiều hệ lụy xấu cho địa phương và lãng phí tiền của đầu tư từ nguồn ngân sách.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND TT.Ngọc Lặc, cho hay: “Dự án dừng xây dựng không chỉ gây lãng phí tiền của nhà nước mà còn gây ra không ít hệ lụy cho địa phương. Người nghiện ngập hay tập trung đến khu vực cầu làng Ngòn sử dụng ma túy làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, rồi việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của bà con, của địa phương đã thực hiện xong, nay dự án nhiều năm không làm gây lãng phí tài nguyên đất đai. Vì dự án do cấp trên làm chủ đầu tư, quản lý, nên nhiều năm nay dù trong tình trạng bỏ hoang, chết yểu nhưng chúng tôi không biết khi nào nó mới được hồi sinh”.
Còn ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế – hạ tầng UBND H.Ngọc Lặc, cho biết suốt 11 năm qua, cấp xã rồi cấp huyện đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tìm hướng giải quyết cho xong dự án cầu làng Ngòn nhưng vẫn chưa có lối thoát. “Cấp xã nhiều lần họ đề nghị lên cấp huyện, cấp huyện đề nghị cấp tỉnh để xem xét, giải quyết, nhưng cho đến nay cũng chưa đâu vào đâu”, ông Tuấn nói.
Ông Lê Bá Hải, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Thanh Hóa), cho biết năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Xây dựng Thanh Hóa làm thủ tục quyết toán phần dự án đã hoàn thành để bàn giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, đến nay hồ sơ quyết toán mới được hoàn thành và vừa gửi cho Sở Tài chính Thanh Hóa thẩm định.
“Khoảng 2 năm trước tỉnh có giao cho Sở Xây dựng làm thủ tục quyết toán, việc làm hồ sơ có chậm là do dự án đã dừng thi công từ lâu, việc tiếp cận hồ sơ từ các nhà thầu gặp khó khăn. Mới đây, chúng tôi đã làm xong thủ tục quyết toán và mới gửi cho Sở Tài chính Thanh Hóa được mấy ngày để họ thẩm định, sau đó trình UBND tỉnh Thanh Hóa để xem xét, quyết định”, ông Hải nói.
Các công trình lãng phí, “làm nghèo” ngân sách nhà nước gây ra nhiều hệ lụy và bức xúc, nhưng đáng nói, khi đề cập đến trách nhiệm thuộc về ai, thì nhiều “địa chỉ” lãng phí lại bỏ ngỏ câu trả lời.
T.P