Monday, January 13, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLàm sao để bờ sông Sài Gòn không là "của riêng" người...

Làm sao để bờ sông Sài Gòn không là “của riêng” người giàu?

Sông Sài Gòn là một trong số ít không gian mở tự nhiên còn lại của thành phố nhộn nhịp và đông dân nhất cả nước. Nhưng bờ sông Sài Gòn ở hàng loạt khu vực đã không còn của số đông người dân như tính chất vốn có.

Ảnh minh họa

Ông Kỷ (70 tuổi, cư dân sinh sống lâu năm tại khu vực phường Thảo Điền) kể, khoảng 20 năm về trước, khu vực này thuộc quận 2 cũ (nay là thành phố Thủ Đức) có hầu hết diện tích ven sông là không gian xanh, những công trình kiên cố chưa xuất hiện dày đặc. Buổi chiều, những cư dân khu vực “bán đảo ngọc” có thể men theo những con đường mòn ra phía bờ sông dạo mát, câu cá.

Những hình ảnh ấy dần bị mờ đi trong trí nhớ người dân tại Thảo Điền, khi những người cũ chuyển đi, những người mới chuyển tới. Quá trình đô thị hóa đem lại cho khu vực bán đảo này không gian hiện đại với những tòa nhà cao tầng, những khu biệt thự, resort cao cấp, nhưng những lối đi ven sông khi ấy giờ nằm gọn trong bức tường ngăn cách, tấm vách tôn lạnh lẽo.

Là một người trẻ thuộc thế hệ mới, đam mê xê dịch và cảnh đẹp, anh Nguyễn Minh Lực (21 tuổi) chọn Thảo Điền là nơi cư trú từ năm 2019. Sau khoảng 3 năm ở đây, anh cho rằng, vấn đề bờ sông không còn là của chung chỉ có tăng chứ không có giảm. Để có “view” bờ sông hút mắt tại nơi mình sống, anh và nhiều người khác chỉ có lựa chọn đi xa hơn về phía bờ kè đầu đường Nguyễn Văn Hưởng, hoặc một con hẻm nhỏ ở giữa con đường. Phương án còn lại, anh và mọi người phải bỏ tiền để vào các quán cà phê, nhà hàng ven sông.

Không nên lấy vấn đề của lịch sử làm cớ cho hiện tại

Năm 2004, UBND TPHCM ban hành Quyết định 150 về ban hành quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn. Tuy nhiên, trước khi quyết định trên có hiệu lực, nhiều dự án đã được cấp phép xây dựng.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của phóng viên về thực trạng nhiều công trình xây sát bờ sông, không còn chỗ cho người dân đi bộ, Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố cho biết, yếu tố lịch sử là một trong những yếu tố dẫn đến thực trạng trên. Nhiều khu vực do quá trình đô thị hóa khiến hình thành những công trình, nhà ở sát bờ sông Sài Gòn.

TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, phân tích rõ hơn, Quyết định 150 thời điểm đó do Sở Giao thông Công chính biên soạn, lấy cơ sở hành lang an toàn bờ sông theo mép bờ cao từng khu vực. Trước thời điểm đó, việc cấp phép, quy hoạch bờ sông dù cần xét duyệt, căn cứ các quy hoạch nhưng chỉ mang tính cục bộ, không có quy định chung.

Tuy nhiên, vị phó kiến trúc sư trưởng ngày ấy cho rằng, không có bản quy hoạch nào hoàn chỉnh tuyệt đối, cũng không thể đòi hỏi vị trí của mọi công trình đều đúng chỗ. Việc giải quyết các vấn đề đồng loạt cùng lúc là không thể, nhưng tùy theo ý nghĩa, tầm quan trọng công trình mà thành phố có thể đưa ra giải pháp hợp lý, không có gì quá khó khăn.

Đồng quan điểm này, KTS Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia công tác quy hoạch tại nhiều thành phố trên thế giới có nhiều điểm tương đồng với TPHCM, nhận xét, khu vực bờ sông Sài Gòn hiện tại chưa xứng tầm với đô thị hơn 10 triệu dân. Đây là điều cấp bách, đã để quá lâu nhưng chưa có chuyển biến.

“Không nên lấy lý do bởi các công trình lấn chiếm mà không thực hiện. Những tồn tại của lịch sử không phải chuyện khó để giải quyết. Cần bắt tay làm luôn, chứ không nên nói rồi để đấy nữa”, ông Ngô Viết Nam Sơn góp ý.
Đừng hiểu đường bờ sông là phải nằm sát sông

Cả 2 nhà làm công tác quy hoạch đều đồng quan điểm, với những đặc điểm hiện tại của TPHCM, không nên giữ ý kiến rằng đường bờ sông phải bắt buộc nằm sát mép sông. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hình thành những con đường xuyên suốt, không bị ngắt quãng để phục vụ người dân.

“Bờ sông không thể chỗ nào cũng cấm công trình mà dứt khoát phải có hạ tầng mới có thể phát triển hướng ra sông, tận dụng tiềm năng của sông nước. Hành lang bảo vệ sông không phải lúc nào cũng cần đúng 50m”, ông Võ Kim Cương nêu ý kiến.

Việc quy hoạch đồng bộ nhưng linh hoạt, không cứng nhắc là điều nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM đề cập tới. Cụ thể, đối với những địa điểm cần thiết, đường công cộng bờ sông có thể mở rộng diện tích cần giải tỏa lên thành 100m tùy theo quy mô, tính chất.

Đối với các công trình được cấp phép trước khi Quyết định 150 ra đời, điểm mấu chốt là thành phố cần bồi thường thỏa đáng với giá trị nhà đầu tư bỏ ra. Ông Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh nguyên tắc trong việc bồi thường là phải bằng hoặc lớn hơn lợi ích người dân được hưởng trước đó.

“Không phải đường bờ sông lúc nào cũng bám theo sông mà cần linh hoạt, chấp nhận khoảng ra, khoảng vào. Đường bám sát bờ sông chỉ thực hiện ở nơi có thể, khu vực còn vướng công trình hoặc không đủ sức bồi thường có thể bố trí đường vòng ra phía sau”, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TPHCM nêu giải pháp.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc chấp nhận những khoảng lùi không đồng nghĩa với thỏa hiệp với công trình lấn chiếm sông trái phép. Khu vực nào dễ thực hiện thì làm trước, nơi khó làm sau, công trình có giấy tờ hợp pháp có thể mua lại nhưng quan trọng là phải bắt tay thực hiện.

“Các tuyến đường dọc 2 ven sông là điều cấp bách, cần thực hiện, hình thành trước để phục vụ nhu cầu cấp bách của người dân. Việc xử lý các công trình sai phạm, đặt chưa đúng chỗ cần nhiều thời gian hơn, có thể xử lý sau. Hiện tại, người dân muốn có con đường để đạp xe, chạy bộ quãng đường dài cũng chưa có”, ông Ngô Viết Nam Sơn nhận xét.

“Nói đến nhiều nhưng chưa làm được” là điều vị kiến trúc sư trăn trở khi nhắc đến vấn đề quy hoạch khu vực bờ sông Sài Gòn, và những định kiến này là có cơ sở. Những năm qua, TPHCM đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với hàng loạt ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà nghiên cứu liên quan đến việc cải tạo lại khu vực bờ sông Sài Gòn.

Gần đây nhất, TPHCM đã tổ chức hội thảo quốc tế “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn, sông, kênh nội thành cùng các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông, kênh vào năm 2025”, hồi tháng 9 năm 2019. Tuy nhiên, sau hàng chục bài tham luận dài được in trong cuốn kỷ yếu, thực trạng của bờ sông Sài Gòn chưa có nhiều cải thiện.

Ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng, việc thu hút được nhiều ý tưởng nhưng chưa thể đi vào thực tế cần phải xem xét lại. Trước hết, thành phố phải tìm ra, xác định được cơ quan, cá nhân có trách nhiệm để định hướng, sàng lọc và vận dụng, định hướng tổ chức các ý kiến đóng góp.

Nếu không, mỗi ngày cứ trôi qua, các ý kiến chỉ nằm trong tủ giấy, các quyết định thay đổi diện mạo bờ sông Sài Gòn vẫn ở thì tương lai.
TPHCM nhận được gì khi bờ sông Sài Gòn “ngăn nắp”?

So với thời điểm còn giữ chức vụ phó Kiến trúc sư trưởng, sau đó là Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (1995-2004) đến nay, TS Võ Kim Cương cho rằng, diện mạo khu vực bờ sông Sài Gòn ít nhiều có sự thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy không như kỳ vọng, dự kiến ban đầu.

Với sự đa dạng, phong phú về cảnh quan, TPHCM có tiềm năng để tạo điểm nhấn từ không gian đô thị đến nông thôn, từ thiên nhiên đến hiện đại. Nếu làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức, bờ sông Sài Gòn hiện hữu sẽ hình thành những mảng khối hài hòa, thu hút khách du lịch.

“Quy hoạch Thủ Thiêm định hình một công viên lớn phía Nam, gần bờ sông Sài Gòn vào năm 2020 nhưng đến giờ vẫn là bãi đất trống. Khu vực bờ sông phía Tân Thuận, quận 7 chủ yếu là nhà xưởng. Những điểm nhấn duy nhất đã thành hình là khu Ba Son hay Landmark khu Tân Cảng vẫn mang tính cục bộ, chưa có nhiều công trình khác lân cận để tạo thành một cảnh quan chung”, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM nêu thực tại.

Về khía cạnh kinh tế, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khi bờ sông Sài Gòn được quy hoạch bài bản, diện mạo của TPHCM sẽ có sự thay đổi lớn, các công trình ven sông vì vậy mà được làm tăng giá trị. Mặt khác, người dân sinh sống ven sông và cả những khu vực khác được tạo điều kiện tiếp cận mặt sông dễ dàng.

“Một điều quan trọng nữa là chính những con đường ven sông sẽ giúp TPHCM giảm áp lực về giao thông. Thay vì đi xe máy, xe hơi đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu trung tâm thành phố hay những địa điểm khác dọc sông, người dân có thể lựa chọn gửi xe ở bãi xe dọc đường ven sông, đi bộ hoặc dùng xe đạp công cộng để đến đích”, vị kiến trúc sư đưa ra ý tưởng.

Với đặc điểm là thành phố hiện đại, nhộn nhịp và đông dân, sông Sài Gòn là một trong số ít không gian mở tự nhiên còn lại của TPHCM. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy, không chỉ tại khu vực phường Thảo Điền, bờ sông Sài Gòn tại hàng loạt khu vực khác không còn là của số đông người dân như tính chất vốn có.

Vấn đề của khu vực bờ sông Sài Gòn, để giải quyết được, có lẽ thời gian không tính bằng tuần, bằng tháng mà bằng cả nhiệm kỳ hay cả nhiều chục năm. Tuy nhiên, để đạt được những thay đổi đột phá, những bước đi khởi đầu cần thực hiện ngay từ thời điểm hiện tại.

Đến lúc đó, khung cảnh tự nhiên, hoang sơ trong hoài niệm của người dân sống lâu năm gần bờ sông Sài Gòn có lẽ sẽ không quay lại. Tuy nhiên, những công dân mới của thành phố, thế hệ trẻ sẽ có nhiều cơ hội hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của một biểu tượng thầm lặng, gắn liền với TPHCM, thay vì ngắm nhìn bờ sông qua con hẻm, đoạn đường ngắn hay khung cửa nhà hàng, quán cà phê như tình trạng phổ biến hiện nay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới