Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Tập nói "chiến tranh" ở Nga - Ukraine

Ông Tập nói “chiến tranh” ở Nga – Ukraine

Trung Quốc dường như đang thay đổi giọng điệu về chiến sự ở Ukraine, trong lúc nước này đang chịu sức ép vì bảo vệ Nga, nước đang bị cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chịu sức ép phải lên án hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

Trong hôm thứ Ba tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với lãnh đạo Đức và Pháp rằng Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế để “ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang, hoặc thậm chí là vượt tầm kiểm soát”, trong bình luận mạnh mẽ nhất mà ông từng đưa ra về chiến sự ở Ukraine.

Nói về sự lo ngại ngày càng tăng của Trung Quốc về chiến dịch quân sự của Nga, ông Tập cũng kêu gọi các bên “kiềm chế tối đa để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn”, trong khi con số thường dân thiệt mạng và bị thương, trong đó có trẻ em, đang tăng.

Đây là “phản ứng gián tiếp mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh trước hành động bạo lực leo thang của Moscow ở Ukraine”, hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group của Mỹ viết trong một bản báo cáo.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng lần đầu tiên sử dụng cụm từ “chiến tranh”, theo văn bản tuyên bố bằng tiếng Anh mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố. Trước đó, giới chức nước này vẫn sử dụng cách mô tả của Nga khi nói về cuộc xung đột ở Ukraine: “Chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Mặc dù ông Tập vẫn tránh đưa ra lời hứa hẹn rằng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải theo như Ukraine đề nghị, nhưng ông khen ngợi những nỗ lực của chính quyền Paris, Berlin trong việc giải quyết cuộc xung đột này thông qua con đường đàm phán.

“Cái giá của việc bảo vệ Điện Kremlin đang tăng dần khi mà các hành động tàn bạo của Nga tăng lên, và các lệnh trừng phạt sẽ gây tổn thương nền kinh tế vốn khát năng lượng của Trung Quốc” – John Ciorciari, Giáo sư chuyên ngành chính sách công tại ĐH Michigan, nói với Nikkei Asia.

Trung Quốc hiện là một trong số ít các quốc gia không lên án cuộc chiến của Nga nhằm vào nước láng giềng, và cũng bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm lên án Kremlin hồi tuần trước.

Trong hôm đầu tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng quan hệ giữa họ với Nga vẫn “vững chắc” bất chấp hàng loạt lời chỉ trích nhằm vào Moscow. Cuộc họp báo của ông Vương diễn ra chỉ một tháng sau khi Nga và Trung Quốc tuyên bố về một khối đồng minh “không giới hạn”, được xem là nhằm đối phó với phương Tây và sự mở rộng của NATO.

“Đối với một số người trong giới chính sách, đây được xem là một bước tiến quá xa” – Thomas Zhang, chuyên gia về Trung Quốc đến từ hãng tư vấn Mỹ FrontierView, đánh giá về khối liên minh này. “Giờ đây, cuộc chiến (ở Ukraine) tạo cho Trung Quốc một cơ hội để thoái lui và thay đổi hướng đi.”

Nga đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ngày càng tăng vì thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, vì tấn công bằng các nhà máy điện hạt nhân và bệnh viện, và việc sử dụng các loại vũ khí không phân biệt. Tòa Tội phạm Quốc tế đã mở cuộc điều tra các lực lượng Nga nhằm làm rõ các cáo buộc tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền.

Trong cuộc thảo luận trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Ba trong tuần, Chủ tịch Tập đã thể hiện quan ngại về tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với toàn cầu, cùng lúc chỉ trích các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với nền kinh tế vốn đã khó khăn của Nga.

“Các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng tới tài chính, năng lượng, giao thông và sự bình ổn của các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, và gây tác động tới kinh tế toàn cầu vốn đang suy yếu vì đại dịch” – ông Tập nói – “Và đây không phải lợi ích của một ai cả.”

Trung Quốc hiện là một trong số những khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp dầu khí Nga, với lượng mua trong 9 tháng đầu năm 2021 lên tới 36 tỉ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021; theo Trung tâm Thương mại Quốc tế trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.

Sản phẩm năng lượng của Nga chiếm khoảng 13% tổng lượng mà Trung Quốc nhập khẩu, trong khi hai nước đang thắt chặt mối quan hệ kinh tế.

“Do sản phẩm của Nga chiếm tỷ lệ cao trong tổng lượng nhập khẩu dầu thô và khí đốt của Trung Quốc, nên chắc chắn họ sẽ chịu ảnh hưởng khi chi phí nhập tăng” – Lian Weiliang, Phó Giám đốc Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, nhận định.

Một số ngân hàng của Nga cũng đã bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, điều này khiến Nga gặp khó khăn trong việc thanh toán và thực hiện các hoạt động tài chính. Cũng do vậy mà khả năng xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt của Nga như dầu, than và khí tự nhiên bị suy yếu.

“Đây là khía cạnh tài chính của các lệnh trừng phạt mà phía chính phủ Trung Quốc lo ngại hơn, bởi các thể chế tài chính Trung Quốc có kết nối sâu với hệ thống tài chính toàn cầu” – ông Zhang nói.

Trung Quốc cũng lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp giữa một bên là Nga và bên còn lại là các đồng minh phương Tây của Ukraine, theo ông Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa, trụ sở tại BẮc Kinh.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến điều này xảy ra, và nó gây sốc không chỉ với những người dân bình thường trên phố mà với cả giới tinh hoa của Trung Quốc” – ông Wang, cố vấn chính sách của chính phủ Trung Quốc, nói.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc có cam kết đóng vai trò lớn hơn trong khủng hoảng Ukraine hay không, và một số nhà phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình khó có thể đưa ra bất kỳ cam kết nào có nguy cơ gây tổn hại cho mối quan hệ với Moscow.

Trung Quốc rất có thể sẽ ủng hộ một thỏa thuận hòa bình mà trong đó tính đến cái mà họ từng mô tả là “những lợi ích an ninh hợp pháp” của Nga.

“Ông Tập có thể ủng hộ việc gỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga để tạo điều kiện cho đàm phán, nhưng điều này sẽ khiến Mỹ không hài lòng” – Eurasia Group cho hay – “Quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây dự kiến sẽ còn suy giảm nữa, trừ khi Bắc Kinh tăng sức ép với Moscow.”

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới