Saturday, May 4, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐài Loan “trả miếng”?

Đài Loan “trả miếng”?

Cùng thời gian cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông từ ngày 4 đến 15/3, Đài Loan sắp tổ chức tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà họ đang kiểm soát. Động thái này Đài Loan thể hiện thông điệp gì?

Tàu tuần tra của Cảnh sát biển Đài Loan ở khu vực gần đảo Ba Bình.

Cuộc tập trận của Trung Quốc được Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo diễn ra ở Biển Đông từ ngày 4-15/3. Thông báo không nêu rõ quy mô của cuộc tập trận, chỉ cấm tàu thuyền vào khu vực liên quan. Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khi trả lời câu hỏi của cánh báo chí nước ngoài tại Hà Nội, cùng với khẳng định Việt Nam luôn theo sát các diễn biến tại khu vực Biển Đông và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), đã phản đối Trung Quốc vì một phần khu vực thông báo hàng hải nêu trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cáo buộc đó như hành động làm phức tạp tình hình, gây mất ổn định ở khu vực Biển Đông.

Một số cơ quan truyền thông nước ngoài, trong đó có RFA còn như đổ dầu vào lửa, khi cho biết: Nếu đối chiếu các toạ độ được MSA đăng với bản đồ Google thì vùng tập trận gần với thành phố Huế của Việt Nam hơn là khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc. Khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế (của Việt Nam) ước tính khoảng 100 km. Chắc chắn, Việt Nam không đợi RFA chỉ mới biết, nhưng không nói không có nghĩa là bỏ qua. Hà Nội hẳn đang lặng lẽ theo dõi để trong trường hợp cần thiết sẽ hô hoán, làm ầm lên trên truyền thông như một cách “quốc tế hóa” sự kiện nếu Trung Quốc làm quá, như đã từng làm trong vụ Tư Chính hay vụ Giàn khoan HD 981 trước đây.

Không chỉ Việt Nam phản ứng. Đài Loan cũng không thể không theo sát động thái quân sự trên biển của Bắc Kinh. Cơ quan tình báo Đài Loan ngày 10/3 đã cho biết một máy bay quân sự của Trung Quốc đã bị rơi ở Biển Đông vào đầu tháng này. Đây có thể là lời giải thích cho việc Trung Quốc cấm đi lại ở một phần Vịnh Bắc Bộ gần đảo Hải Nam. Dù vậy, người đứng đầu cơ quan tình báo Đài Loan Chen Ming-tong vẫn cảnh báo rằng: Trung Quốc đang lợi dụng việc thế giới đang tập trung sự chú ý vào cuộc chiến ở Ukraine để “kiểm tra giới hạn chịu đựng của Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.

Dường như cảm thấy thế vẫn là chưa đủ, liền đó, Đài Loan thông báo sẽ tổ chức tập trận bắn đạn thật ở ven biển đảo Ba Bình, từ ngày 16 đến 17/3 và từ ngày 26 đến 31/3. Dư luận vẻ như chú ý có mức độ phản ứng thông lệ của Hà Nội trong các trường hợp tương tự rằng: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Ba Bình thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (…); coi động thái tập trận của Đài Loan là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam….”. Điều quan tâm thực sự của các chuyên gia quốc tế là: bà Thái Anh Văn định thể hiện thông điệp gì, khi tổ chức một cuộc tập trận, kế ngay sau cuộc tập trận của Trung Quốc, và mục tiêu của nó là chống các hoạt động đổ bộ trên biển…?

Thực ra, trong một thời điểm đầy nhạy cảm như hiện nay, khi Bắc Kinh đang ra mặt thân thiện, ủng hộ Moscow tấn công Ukraine, nhiều người có thể tự trả lời câu hỏi mà họ nêu ra. Trước đó, khi chiến tranh Ukraine phát nổ, bà Thái Anh Văn chẳng đã lệnh cho quân đội cảnh giác đó sao; đồng thời gắn nó với những lời đe dọa thu hồi hòn đảo tự trị 24 triệu dân về đại lục của ông Tập Cận Bình. Các nhà lãnh đạo Đài Loan cũng không hề lo xa khi nghĩ tới khả năng Trung Quốc đang coi những gì diễn ra tại Ukraine là ván bài của ông Putin. Nếu ông Putin thắng trước sự bất lực của Mỹ và Nato, ông Tập Cận Bình rất có thể cũng sẽ chơi ván bài đó với Đài Loan…

Thế nên, cảnh giác không thừa nhưng chưa thể coi là đủ trước một ông Tập Cận Bình tham vọng và đầy toan tính.

Vậy thì, liền ngay khi Bắc Kinh kết thúc cuộc tập trận quân sự kéo dài 10 ngày, Đài Bắc cho rằng, một cuộc tập trận bắn đạn thật thể hiện năng lực tác chiến chống đổ bộ của họ ven đảo Ba Bình, ngoài việc nêu yêu sách chủ quyền với các bên liên quan, sẽ có ý nghĩa như một sự “trả miếng” và cảnh cáo cần thiết nếu Bắc Kinh định dùng sức mạnh.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới