Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ quyết không để TQ giúp Nga thoát trừng phạt

Mỹ quyết không để TQ giúp Nga thoát trừng phạt

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng do chiến tranh giữa Nga và Ukraine, các quan chức cấp cao của hai nước sẽ hội đàm tại Rome vào ngày 14/3.

Hai ông Dương Khiết Trì (trái) và Sullivan sẽ gặp nhau tại Rome (Italy) ngày hôm nay (14/3).

Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 14/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sẽ có cuộc gặp ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Rome hôm nay (14/3) vào lúc một quan chức Mỹ tiết lộ với truyền thông: Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp vũ khí thiết bị quân sự. Ông Sullivan cảnh báo nếu Bắc Kinh giúp Moscow né tránh các lệnh trừng phạt toàn diện do cuộc chiến Ukraine, họ sẽ phải chịu hậu quả.

Lo ngại Trung Quốc bí mật hỗ trợ Nga, Mỹ dọa trừng phạt

Ngày 13/3 Sullivan nói với Đài CNN, Mỹ tin rằng Trung Quốc đã biết trước Nga đang lên kế hoạch cho một số hành động ở Ukraine trước khi tấn công, mặc dù họ có thể không biết toàn bộ nội dung của kế hoạch.

Ông nói, hiện Washington đang theo dõi sát sao mức độ mà Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ kinh tế hoặc vật chất cho Nga, nếu điều đó xảy ra, Washington sẽ áp đặt hậu quả.

Ông Sullivan cho biết: “Chúng tôi đang liên lạc trực tiếp và riêng tư với Bắc Kinh, cho họ thấy cần hiểu rõ những nỗ lực trốn tránh lệnh trừng phạt quy mô lớn hoặc hỗ trợ Nga thực hiện các lệnh trừng phạt sẽ gây ra hậu quả cho chính Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không để điều này tiếp tục, cũng sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào trên thế giới giúp cho Nga duy trì mệnh sống trong các biện pháp trừng phạt kinh tế này”.

Theo Reuters, một quan chức cấp cao của chính quyền Joe Biden giấu tên cho biết cuộc chiến Ukraine và tác động của nó đối với an ninh khu vực và toàn cầu sẽ là một “chủ đề quan trọng” trong cuộc gặp của Sullivan với Dương Khiết Trì, vì Trung Quốc đang tiến tới liên minh “chiến đấu với Nga” để thúc đẩy tầm nhìn của họ về trật tự thế giới.”

Quan chức này cho biết, cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ lâu, là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Washington và Bắc Kinh nhằm giữ các đường dây liên lạc cởi mở và quản lý sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nguồn tin này nói thêm, không có kết quả cụ thể nào được dự kiến.

Trong thời gian ở Rome, ông Sullivan cũng sẽ gặp Luigi Mattiolo, cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Italy Mario Draghi, để tiếp tục điều phối phản ứng toàn cầu đối với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Vai trò của Trung Quốc như thế nào?

Thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra về cuộc gặp Dương Khiết Trì – Sullivan không đề cập đến Ukraine, chỉ nói “trọng tâm của cuộc gặp này là thực hiện sự đồng thuận quan trọng đạt được trong cuộc họp trực tuyến giữa các nguyên thủ quốc gia Trung Quốc và Mỹ vào tháng 11 năm ngoái.”

“Hai bên sẽ trao đổi quan điểm về quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Trong một chuyên mục trên The New York Times ngày 13/3, ông Vương Huy Diệu (Wang Huiyao), Chủ tịch tổ chức tư vấn “Trung Quốc và Toàn cầu hóa” và là cố vấn của chính phủ Trung Quốc, cảnh báo Ukraine và Nga về một “vòng xoáy ốc leo thang” và nói rằng Trung Quốc “ở một vị thế độc đáo để hành động như một người trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine được phương Tây hậu thuẫn” để kết thúc chiến tranh.

Ông viết: “Mặc dù một số người ở phương Tây có thể thấy ý tưởng này không hay ho, nhưng bây giờ là lúc để đề nghị các nhà lãnh đạo Nga xuống thang với sự giúp đỡ của Trung Quốc”.

“Nếu Sullivan nghĩ rằng có thể thuyết phục Trung Quốc tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga, ông ta sẽ thất vọng”, Hồ Tích Tiến, cựu Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu truyền thông của nhà nước Trung Quốc, viết trên Twitter.

Moscow yêu cầu Bắc Kinh cung cấp vũ khí? Mỹ dọa lãnh hậu quả

Financial Times và The Washington Post ngày 13/3 dẫn lời các quan chức Mỹ đưa tin, Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công Ukraine vào ngày 24/2 và Nhà Trắng lo ngại rằng Bắc Kinh có thể phá hoại nỗ lực của phương Tây nhằm giúp quân đội Ukraine phòng vệ quốc gia.

Khi được hỏi về tin này, ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, cho biết. “Tôi chưa bao giờ nghe nói về điều này”. Ông nói, Trung Quốc cho rằng tình hình Ukraine hiện nay “khiến người ta bất an” và nói thêm: “Chúng tôi ủng hộ và khuyến khích mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng”.

Ông nói: “Cần gắng mọi nỗ lực lớn nhất có thể để hỗ trợ Nga và Ukraine thúc đẩy các cuộc đàm phán trong hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo ra một kết quả hòa bình”.

Hôm 12/3, Mỹ cho biết sẽ khẩn cấp viện trợ vũ khí bổ sung trị giá lên tới 200 triệu USD cho các lực lượng Ukraine vì họ đang phải cố gắng chống lại các trận pháo kích của Nga trong cuộc chiến tranh lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai.

Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện, chưa từng có đối với Nga và cấm nhập khẩu năng lượng của nước này, đồng thời cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo.

Họ kêu gọi Trung Quốc, các quốc gia vùng Vịnh và các quốc gia không lên án sự xâm lược của Nga, nay hãy tham gia vào việc cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng của Nga, đã từ chối gọi hành động của Nga là “một cuộc xâm lược”, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước sau cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Pháp Macron, đã kêu gọi “kiềm chế tối đa ở Ukraine”.

Ông Tập cũng bày tỏ lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt đối với tài chính, nguồn cung cấp năng lượng, vận tải và chuỗi cung ứng toàn cầu, vì ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây đang hạn chế khả năng Trung Quốc mua dầu của Nga.

Tuần trước, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, cuộc khủng hoảng có thể khiến Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay. Bà nói, đã nói chuyện với Thống đốc ngân hàng trung ương tối cao của Trung Quốc và dự kiến áp lực lên Nga sẽ ngày càng gia tăng để chấm dứt cuộc chiến tranh này. Năm 2020, mậu dịch chiếm khoảng 46% nền kinh tế Nga, trong đó Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của nước này.

Các báo Washington Post của Mỹ và Financial Times của Anh hôm Chủ nhật (13/2) dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, Nga đã tìm kiếm viện trợ và cung cấp vũ khí từ Trung Quốc.

Các quan chức liên quan không cho biết người Nga yêu cầu vũ khí gì cũng không tiết lộ họ có biết Trung Quốc trả lời như thế nào hay không. Các báo dẫn lời các quan chức Mỹ khác nói rằng, Mỹ đang chuẩn bị cảnh báo các đồng minh rằng Trung Quốc có thể chuẩn bị giúp Nga khi cuộc giao tranh ở Ukraine tiếp tục bước sang tuần thứ ba và có dấu hiệu cho thấy Nga sắp cạn một phần vũ khí. Ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói Washington đã cảnh báo trực tiếp và riêng tư với Bắc Kinh rằng nếu Trung Quốc giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt, sẽ có những hậu quả nhất định.

Nga trông chờ Trung Quốc giúp họ thoát khỏi khó khăn

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 13/3 thừa nhận: gần một nửa số lượng vàng và ngoại hối dự trữ của Nga bị phong tỏa do các Chính phủ trừng phạt của Mỹ và phương Tây, nhưng Nga sẽ dựa vào Trung Quốc để thoát khỏi tình cảnh khó khăn.

Ông Anton Siluanov cho biết: “Chúng tôi có một phần dự trữ vàng và ngoại hối tính bằng đồng Nhân dân tệ. Chúng tôi cũng thấy rằng các nước phương Tây đang gia tăng sức ép lên Trung Quốc nhằm hạn chế mối quan hệ thương mại song phương giữa chúng tôi với Trung Quốc”.

“Nhưng tôi nghĩ rằng quan hệ đối tác giữa chúng tôi và Trung Quốc vẫn có thể cho phép chúng tôi duy trì mối quan hệ hợp tác hiện có, không chỉ duy trì, mà thậm chí gia tăng, đặc biệt là trong tình hình thị trường phương Tây bị đóng cửa.”

Kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào ngày 24/2, các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với hệ thống kinh tế và tài chính của Nga.

Reuters chỉ ra rằng những nhận xét của Bộ trưởng Tài chính Nga trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình là tín hiệu rõ ràng nhất về đề nghị giúp đỡ của Nga cho đến nay, yêu cầu Trung Quốc giúp nước này chống lại tác động của các lệnh trừng phạt.

Hiện tại, cả Trung Quốc và Nga đều đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ các nước phương Tây về các vấn đề như nhân quyền. Trong bối cảnh đó, hai nước đã tăng cường quan hệ hợp tác. Vào ngày 4/2 năm nay, ông Putin khi đến thăm Bắc Kinh, đã ra một tuyên bố cùng ông Tập Cận Bình, nói rằng hai bên sẽ tăng cường hợp tác chiến lược, nhấn mạnh Trung Quốc và Nga “hữu nghị không có hồi kết và hợp tác không có vùng cấm”.

Việc phương Tây phong tỏa tài sản dự trữ của Nga ở nước ngoài là một trong những biện pháp trừng phạt gây thiệt hại nặng nề nhất cho nền kinh tế nước này. Một tháng trước, ông Siluanov từng cho biết Nga có thể chịu được các lệnh trừng phạt do có lượng dự trữ dồi dào và thậm chí còn cân nhắc việc cung cấp trái phiếu châu Âu cho các nhà đầu tư nước ngoài sau khi biến động thị trường lắng xuống.

Nhưng hôm 13/2, vị Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết các lệnh trừng phạt đã khiến lượng vàng và ngoại tệ dự trữ của Nga trị giá 300 tỷ USD bị đóng băng. Tổng tài sản dự trữ của nước này vào khoảng 640 tỷ USD.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới