Thursday, April 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiToàn ngành du lịch "thức giấc"

Toàn ngành du lịch “thức giấc”

Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 chính là dấu mốc để toàn ngành du lịch bừng tỉnh sau “kỳ ngủ đông”, hướng tới giai đoạn phục hồi và khởi sắc.

Doanh nghiệp tin tưởng sự kiện mở cửa giúp toàn ngành du lịch nhộn nhịp hơn.

Mở cửa du lịch, mở ra “đường sống”

Khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại, guồng máy du lịch sẽ được vận hành “trơn tru” hơn và mang đến nhiều cơ hội, giúp toàn bộ chuỗi cung ứng du lịch được hưởng lợi từ lữ hành, khách sạn, nhà hàng, điểm đến, vận chuyển, cộng đồng làm du lịch…

Theo dự báo của PGS.TS Phạm Trương Hoàng (Trưởng khoa Du lịch – Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), khách du lịch quốc tế sẽ trở lại Việt Nam nhưng khó tăng nhanh trong 1 – 2 tháng vì chưa có đủ thông tin. Dù có thể lượng khách chưa lớn ngay sau khi mở cửa, nhưng như vậy cũng mở ra “đường sống” cho doanh nghiệp.

“Đóng cửa tức là đóng sập cơ hội với doanh nghiệp, ngược lại mở ra thì còn đường sống. Lượng khách tăng dần, doanh nghiệp sẽ biết cách điều chỉnh quy mô và chiến lược kinh doanh. Khi lượng khách đông hơn thì các dịch vụ sẽ dần quay lại, không khó để kết nối vì cơ sở hạ tầng du lịch ở Việt Nam liên tục phát triển trong thời gian qua” – PGS.TS Phạm Trương Hoàng nói.

Ông Đỗ Văn Thức – Phó Giám đốc Công ty Đất Việt Tour cho biết mặc dù lượng khách quốc tế sẽ không đến ồ ạt, nhưng khi cả ngành du lịch cùng vận hành sẽ khai thông dòng tiền. Việc mở cửa giúp toàn ngành du lịch nhộn nhịp hơn, các công ty tuyển dụng trở lại, các điểm nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí cũng tự tin mở cửa.

“Khi mở cửa, điều doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên là ổn định tâm lý khách hàng rằng dịch bệnh đã ổn, đã được kiểm soát để họ không quá lo lắng và bắt đầu cân nhắc việc đi du lịch. Khách quốc tế đến cũng giúp khôi phục các đường bay tới Việt Nam và tour Việt Nam đi nước ngoài. Sau đó, những khoản tiền doanh nghiệp đang bị kẹt tại các hãng hàng không trước đây, nhất là hãng hàng không quốc tế sẽ dần được giải phóng và đưa vào kinh doanh” – ông Đỗ Văn Thức nói.

Ông Dieter Schenk – Giám đốc điều hành khách sạn TUI BLUE Nam Hoi An nhận định, khách quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng với du lịch Việt Nam nói chung và với chiến lược phát triển của TUI BLUE Nam Hoi An nói riêng. Việt Nam là một điểm đến vốn được yêu thích trên toàn thế giới, và việc tạm ngừng đón khách quốc tế trong 2 năm qua gây ra những ảnh huởng vô cùng lớn đối với tất cả doanh nghiệp du lịch.

“Khách quốc tế không chỉ đem lại nguồn ngoại tệ mà còn là sức mạnh lớn giúp quảng bá du lịch Việt Nam. Khách quốc tế đến với Việt Nam sẽ giúp đất nước phát triển trên nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, giáo dục, cung ứng, nhân lực,… Chúng tôi vẫn sẽ phát triển song song thị trường nội địa, tuy nhiên sức chi tiêu của thị trường nội địa không đủ lớn để chúng tôi chi trả những chi phí vận hành và nhân lực cần thiết” – ông Dieter Schenk nói.

Thức giấc sau kỳ ngủ đông

Một trong những nhóm dịch vụ “nhớ” du khách quốc tế nhất là các mô hình du lịch cộng đồng ở vùng núi phía Bắc, vốn rất khó chuyển sang đón khách nội địa. Bà Đinh Thị Hảo – Giám đốc Công ty CP Du lịch cộng đồng Đà Bắc (Hòa Bình) cho biết Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại là một tin mừng cho các hộ dân ở Đà Bắc, là động lực cũng như niềm tin để các hộ dành thời gian, nguồn lực củng cố và xây dựng các sản phẩm du lịch. Hiện nay, các mô hình du lịch cộng đồng tại Đà Bắc đã thiết lập chương trình tour, báo giá và hợp đồng hợp tác với các đơn vị lữ hành quốc tế năm 2023 và 2024.

Với TUI BLUE Nam Hoi An (Quảng Nam), sau 2 năm cố gắng với thị trường nội địa, đơn vị này đang chuẩn bị mọi thứ tại khu nghỉ dưỡng để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế. Từ việc bảo dưỡng, bảo trì cơ sở hạ tầng cho tới việc duy trì số lượng nhân viên cốt cán và đào tạo họ. Các khu vực đều được nâng cấp và hoàn thiện trong thời gian qua để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu nghỉ dưỡng đa dạng của khách nước ngoài, như chăm sóc sức khỏe và trị liệu chuyên biệt, các hoạt động thể thao, các chương trình dã ngoại, ẩm thực…

Đại diện Vietravel Airlines – hãng hàng không du lịch đầu tiên tại Việt Nam cho biết ngay khi có các chính sách và chủ trương của Chính phủ, hãng đã chủ động bổ sung nguồn lực chất lượng cao với việc tuyển dụng và đào tạo một loạt các vị trí. Theo lộ trình, Vietravel Airlines sẽ nâng số lượng tàu bay lên thành 6 chiếc trong năm 2022, hướng đến mở rộng mạng bay nội địa từ 10 chặng bay lên thành 20 chặng bay, nối các thành phố lớn đến các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, nhằm góp phần thúc đẩy du lịch nội địa trong giai đoạn phục hồi. Song song đó, hãng cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á để nhanh chóng mở chặng bay quốc tế đến các quốc gia này trong quý 3/2022.

Việc mở cửa du lịch quốc tế cũng có ý nghĩa rất lớn với các doanh nghiệp lữ hành, giúp nhiều doanh nghiệp chuyên đón khách quốc tế (inbound) trở lại thị trường. Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết: “Việc mở cửa du lịch quốc tế có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp du lịch nói chung và các hội viên CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội nói riêng. Chúng tôi đánh giá việc mở cửa du lịch hoàn toàn là đúng đắn, đúng thời điểm, là phương án tối ưu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời gian dịch bệnh”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, đây là thời điểm thích hợp để nhiều doanh nghiệp lữ hành trở lại thị trường, dù vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn lực đã cạn kiệt sau 2 năm. Dù vậy các doanh nghiệp vẫn đang tích cực tập huấn kiến thức phòng chống dịch Covid-19, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu du lịch, chuẩn bị tuyển dụng nhân sự và hoàn thiện bộ máy. Các doanh nghiệp lữ hành hiện rất cần tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay, truyền thông sản phẩm cũng như hỗ trợ từ các địa phương nhằm kết nối dịch vụ, sao cho các sản phẩm tour có mức giá phù hợp nhất.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới