Trung Quốc thực hiện các biện pháp phong tỏa trên diện rộng do số ca mắc Covid tăng vọt, như một loạt biện pháp được thực hiện ở trung tâm công nghệ phía nam của Thâm Quyến. Điều này có thể ảnh hưởng đến một nửa tổng sản phẩm quốc nội của đất nước này.
Chủ nhật vừa qua, các nhà chức trách Trung Quốc đã phong tỏa 17,5 triệu cư dân Thâm Quyến ít nhất 1 tuần trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong thành phố. Thượng Hải tạm dừng học trực tiếp và đóng cửa dịch vụ xe buýt liên tỉnh. Trong khi trung tâm công nghiệp phía đông bắc của Trường Xuân, ở Cát Lâm đã bị đóng cửa vào tuần trước. Đây là một thành phố có khoảng 9 triệu dân và chiếm khoảng 11% tổng sản lượng xe hơi hàng năm của Trung Quốc vào năm 2020.
Dịch bệnh lây lan nhanh chóng
Theo các nhà kinh tế tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd, khi các ca nhiễm tăng vọt ở những nơi khác, một nửa GDP và dân số Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát mới nhất. Bloomberg Economics cho biết trong một lưu ý gần đây rằng tính đến ngày 9/3, có 14 tỉnh có vùng nguy cơ cao hoặc trung bình, chiếm 54,4% GDP trên toàn đất nước Trung Quốc.
Nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc đại lục tại ANZ Raymond Yeung cho biết trong một bài viết hôm thứ Hai: “Các thành phố khác có thể làm theo cách thức phòng dịch của Thâm Quyến”. Ông lưu ý về quyết định đóng cửa giao thông công cộng và ngăn chặn mọi người ra vào thành phố này. “Nếu lệnh phong tỏa được kéo dài, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể”.
Trong khi ông Yeung cho biết ANZ vẫn chưa điều chỉnh dự báo cho năm 2022, họ tỏ ra “thận trọng” với các biện pháp hạn chế tiếp theo. ANZ dự báo tăng trưởng GDP 5% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu của chính phủ khoảng 5,5%.
Ông Yeung cho biết: nếu các tỉnh trọng điểm dọc theo bờ biển và ở phía đông bắc làm theo cách thức của thành phố Thâm Quyến và phong tỏa trong 1 tuần, thì tổn thất kinh tế có thể lên tới 0,8 điểm phần trăm.
Nomura Holdings Inc. cho biết phí tổn kinh tế của cách tiếp cận Zero Covid (Không Covid) tại Trung Quốc rất cao và nhà đầu tư có thể đã quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm nay. Ngân hàng dự kiến tăng trưởng GDP trong năm nay là 4,3%, thấp hơn nhiều so với ước tính đồng thuận của các nhà kinh tế là 5,2%.
Trung Quốc đang phải đối mặt với các ổ dịch biến thể omicron có khả năng lây nhiễm cao. Số ca mắc mới mỗi ngày trong tuần trước chỉ từ hơn 300 tăng lên hơn 3.300 vào thứ bảy vừa qua. Sự gia tăng này đặt ra một thách thức chưa từng có đối với chiến lược Zero Covid của quốc gia này. Cho tới thời điểm hiện tại, chiến lược này vẫn bảo vệ được nhiều ngành công nghiệp của họ nhưng đồng thời cũng làm giảm sức tiêu thụ.
Mặc dù GDP của Thâm Quyến chỉ chiếm 2,7% tổng sản lượng quốc gia Trung Quốc, thành phố này lại là nơi đặt trụ sở của những gã khổng lồ công nghệ như Tencent Holdings và Huawei. Foxconn cũng đặt trụ sở tại khu vực này. Công ty đã tạm dừng hoạt động tại Thâm Quyến, bao gồm cả một địa điểm sản xuất iPhone, để tuân thủ theo lệnh phong tỏa.
Đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi vi-rút xuất hiện tại Vũ Hán
Các công ty tài chính lớn, bao gồm Ping An Insurance Group Co. và China Merchants Bank Co. cũng có trụ sở chính tại thành phố này. Một số ngân hàng nước ngoài như UBS Group AG và HSBC Holding cũng đã mở các chi nhánh trong khu vực nói trên.
Theo thông báo và báo cáo trên phương tiện truyền thông địa phương, các công ty môi giới và các ngân hàng nhà nước lớn trong thành phố đã đình chỉ các dịch vụ trực tiếp sau khi phong tỏa.
Thâm Quyến là cảng quan trọng thứ hai ở Trung Quốc sau Thượng Hải. Ở đây xử lý khoảng 10% công-te-nơ được vận chuyển từ Trung Quốc trong mọi thời điểm. Một phần của cảng đã bị đóng cửa trong nhiều tuần vào giữa năm 2021 để ngăn chặn sự bùng phát Covid cục bộ. Nhưng ngay cả khi đó, cảng đã có thể vận chuyển gần 2 triệu công-te-nơ vào tháng 6/2021.
Cảng Diêm Điền cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng họ đang hoạt động bình thường sau khi Thâm Quyến thắt chặt kiểm soát vi-rút.
Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings cho biết rằng: mặc dù cho đến nay Zero Covid chưa dẫn đến sự gián đoạn kinh tế lớn, nhưng các hạn chế đang khiến nền kinh tế “đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến thể dễ lây lan hơn là Omicron”.
Ông Kuijs nói thêm: “Trên thế giới, tác động kinh tế của Covid đang giảm dần khi các chính phủ nới lỏng các hạn chế. Nhiều người hướng tới cách tiếp cận “sống chung với Covid” hơn.” Tuy nhiên đối với Trung Quốc, Omicron là một rủi ro chính đối với nhu cầu, sản lượng trong nước, thậm chí là cả với chuỗi cung ứng”.
T.P