Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngDự báo về tình hình Biển Đông trong năm 2022

Dự báo về tình hình Biển Đông trong năm 2022

Năm 2021 đã đi qua để lại những mối lo âu về các hành vi đơn phương của Trung Quốc sử dụng lực lượng chấp pháp nhằm can thiệp, cản trở, các hoạt động kinh tế biển (bao gồm hoạt động khai thác dầu khí, khai thác hải sản hay hoạt động vận tải trên biển) của các quốc gia ven biển cũng như việc sử dụng lượng lớn tàu dân quân biển núp dưới danh nghĩa tàu cá để tạo nguyên trạng mới thúc đẩy các yêu sách phi lý.

Mặt khác, năm 2021 cũng chứng kiến sự can dự mạnh mẽ của các nước ngoài khu vực từ châu Âu qua châu Á tới châu Mỹ vào Biển Đông cả trên thực địa lẫn trên mặt trận pháp lý. Vậy năm 2022 tình hình Biển Đông sẽ ra sao? Nhiều nhà dự báo chiến lược đã đưa ra nhiều nhận định rất đáng quan tâm.

  1. Năm 2022, có thể tiếp diễn những xu hướng đã diễn ra trong năm 2021, theo đó, dự báo tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và dậy sóng do những hành vi trái phép của Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Trong những ngày cuối năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cùng Hải cảnh Trung Quốc công bố quy định mới về xử phạt đối với các ngư dân nước ngoài. Điểm đáng chú ý là Trung Quốc quy định những tàu cá nước ngoài có thể bị áp dụng chế tài này gồm các tàu cá hoạt động trong khu vực mà nước này gọi là “vùng biển thuộc quyền tài phán”.
    Quy định kể trên có hiệu lực từ ngày 26/12/2021. Theo đó, các ngư dân nước ngoài bị phát hiện hoạt động trong “vùng biển thuộc quyền tài phán” (vùng đặc quyền kinh tế) có thể bị phạt 400.000 Nhân dân tệ (tương đương 62.700 USD), bị Hải cảnh trục xuất và bị tịch thu ngư cụ cùng hải sản đánh bắt; các ngư dân nước ngoài bị phát hiện hoạt động trong lãnh hải hoặc nội thủy có thể bị phạt đến 500.000 nhân dân tệ (tương đương 78.300 USD), bị trục xuất và tịch thu tàu.
    Điều cần nhấn mạnh là các bộ luật và quy định của Trung Quốc liên quan đến biển thời gian qua đều áp dụng trong phạm vi cái gọi là “vùng biển thuộc quyền tài phán”, hàm ý vùng biển mà Trung Quốc ngang ngược yêu sách trong phạm vi “đường lưỡi bò” ở Biển Đông đã bị bác bỏ trong Phán quyết ngày 12/7/2016 về vụ kiện Biển Đông của Philippines. Việc triển khai trên thực tế quy định này sẽ dẫn đến tình trạng tàu cá các nước hoạt động trong vùng biển của nước mình song nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh sẽ bị bắt giữ. Điều này chắc chắn khiến căng thẳng ở Biển Đông leo thang lên một mức độ mới, có thể “dậy sóng” trong năm 2022.
    Giới chuyên gia cảnh báo với mục tiêu xuyên suốt khống chế, độc chiếm Biển Đông, trong năm 2022, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “vùng xám” để thúc đẩy yêu sách của họ ở Biển Đông với việc đẩy mạnh các hoạt động của lực lượng dân quân biển dưới sự yểm trợ của hải cảnh nước này; tăng cường hoạt động của hải quân, không quân ở Biển Đông; gia tăng các hoạt động biểu dương lực lượng và tập trận quân sự quy mô lớn để uy hiếp các nước láng giềng ven Biển Đông; tiếp tục uy hiếp, ngăn cản hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của các nước ven Biển Đông. Mức độ các hành vi của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các nước ven Biển Đông và của cộng đồng quốc tế.
    Năm 2022, Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Điều này sẽ có tác động nhất định tới tình hình Biển Đông. Liên quan đến vấn đề này có hai luồng ý kiến trái chiều nhau: luồng ý kiến thứ nhất cho rằng do cần giữ ổn định môi trường xung quanh để tổ chức Đại hội thành công, Bắc Kinh có thể phải điều chỉnh chính sách cứng rắn của mình, giảm bớt các hành động hung hăng tập trung chuẩn bị cho Đại hội; luồng ý kiến thứ hai cho rằng hiện nội bộ Trung Quốc tiềm ấn nhiều vấn đề bất trắc cả về đối ngoại và kinh tế lẫn các vấn đề dân tộc do vậy không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ có hành đông phiêu lưu mới ở Biển Đông nhằm “xì hơi” cho những vấn đề nội bộ và khẳng định bản lĩnh của giới cầm quyền ở Bắc Kinh với hạt nhân là ông Tập Cận Bình, giành sự ủng hộ của giới quân sự nước này khi chuẩn bị Đại hội.
    Đáng chú ý, năm 2022 Campuchia sẽ giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng Campuchia để tác động, phân hóa nội bộ ASEAN trên vấn đề Biển Đông như họ đã từng làm cách đây 10 khiến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần đầu tiên không ra được Tuyên bố chung. Đã có dấu hiệu cho thấy Phnôm Pênh đang chịu chi phối lớn của Bắc Kinh khi giới chức Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ hy vọng đàm phán COC kết thúc trong năm 2022 bất chấp việc ASEAN và Trung Quốc còn bất đồng trên hầu hết các vấn đề mấu chốt.
    Từ những gì đã xảy ra cách đây 10 năm, giới phân tích nhận định rằng mặc dù Campuchia khó có thể đi ngược lại những nội dung chính mà các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận liên quan đến vấn đề Biển Đông, song dưới tác động của Bắc Kinh, các hội nghị và văn kiện của ASEAN khó có thể giữ được những cuộc thảo luận sôi nổi với nội dung đậm nét về Biển Đông như những năm vừa qua.
  2. Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, những xu hướng nổi trội tích cực trong năm 2021 sẽ tiếp tục phát triển như xu hướng quốc tế hóa với sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế và can dự ngày càng sâu hơn của các nước, các tổ chức khu vực vào Biển Đông; đặc biệt, xu hướng đề cao luật pháp quốc tế ở Biển Đông sẽ có bước tiến mới. Vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục được thảo luận tại các cuộc gặp song phương, đa phương và các diễn đàn quốc tế, kể cả tại Liên hợp quốc. Trước hết, Biển Đông sẽ là một đề tài quan trọng tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – ASEAN sắp tới mà Tổng thống Mỹ Biden đã mời các nhà lãnh đạo ASEAN tới Washington. Chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định không chấp nhận việc Trung Quốc thao túng, thôn tính Biển Đông; không chấp nhận việc Trung Quốc cưỡng ép, bắt nạt các nước ven Biển Đông; cam kết cùng với các nước đồng minh và đối tác bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
    Biển Đông trong năm 2022 sẽ vẫn là một nội dung quan tâm hàng đầu tại các hội nghị của Nhóm “Bộ Tứ”, G7, EU, kể cả NATO hay trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nhiều nước châu Âu. Điểm mới đáng chú ý trong năm 2021 là Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ và các nhóm nước G7, EU có ý gắn kết vấn đề hòa bình ổn định, duy trì nguyên trạng eo biển Đài Loan với vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm gây sức ép lên Trung Quốc. Điều này sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong năm 2022 và rõ ràng có lợi cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc bởi Bắc Kinh cùng lúc phải ứng phó trên nhiều mặt trận.
    Mặt khác, mặt trận pháp lý xung quanh vấn đề Biển Đông với việc đề cao vai trò của UNCLOS 1982 trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, đề cao giá trị phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài về Biển Đông và yêu cầu các bên tranh chấp tuân thủ phán quyết sẽ tiếp tục nổi trội trong năm 2022 bởi UNCLOS và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài chính là cơ sở pháp lý để Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ hành động trên thực địa ở Biển Đông.
    Tóm lại, năm 2022 được giới phân tích dự báo cuộc cạnh tranh chiến lược ở Biển Đông và trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa một bên là Mỹ và các đồng minh với bên kia là Trung Quốc sẽ quyết liệt hơn tạo ra những thách thức mới cho các nước ven Biển Đông và trong khu vực. Sự tập trung một số lượng lớn tàu chiến ở Biển Đông của Mỹ và đồng minh là yếu tố quan trọng kiềm chế, ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh, song cũng khiến cho bầu không khí ở Biển Đông thêm “ngột ngạt” và những lớp sóng ngầm ở Biển Đông có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Mặt khác, giới chuyên gia cũng nhận định rằng, tuy cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt ở Biển Đông, song cả hai phía sẽ tiếp tục kiềm chế để tránh xảy ra xung đột quân sự. Điều này được phản ánh trong phát biểu của cả Tổng thống Mỹ Biden lẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm thượng đỉnh trực tuyến Mỹ – Trung trung tuần tháng 11/2021.
    Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông cần kiên trì sự độc lập tự chủ, không đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở Biển Đông; tranh thủ thúc đẩy sự đan xen lợi ích giữa các nước, nhóm nước ở Biển Đông; khai thác tối đa những cơ hội được tạo ra trong hợp tác kinh tế để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực quản lý và phòng thủ trên biển. Đặc biệt, các nước ven Biển Đông cần giương cao ngọn cờ pháp lý ở Biển Đông trong năm 2022 này bởi đây là “cái gậy” quan trọng nhất mà các nước ven Biển Đông có thể dựa vào để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích trên biển. Hy vọng một năm mới 2022 sẽ tốt đẹp hơn ở Biển Đông.

Hoàng Trường

RELATED ARTICLES

Tin mới