Monday, December 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiGiá xăng tăng kỷ lục, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thua...

Giá xăng tăng kỷ lục, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thua lỗ: “Truy” trách nhiệm của Bộ Công Thương

Nhiều chuyên gia cho biết việc giá xăng tăng kỷ lục, nhập lậu xăng dầu có trách nhiệm của Bộ Công Thương, đặc biệt việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thua lỗ cần phải làm rõ với bộ này.

TS Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Bộ Công Thương quá “bảo thủ”, không nghe ý kiến góp ý!

Tại tọa đàm “Làm gì khi giá xăng dầu tăng kỷ lục?” do báo Dân Việt tổ chức, TS Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nêu rõ, để mất cân đối cung cầu là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Từ đó, dẫn tới hệ lụy là việc giá xăng tăng, các cây xăng treo biển hết xăng.. . Vì vậy, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm cho việc này.

“Chúng ta chỉ cần hình dung, Hà Nội hay TP.HCM mất xăng dầu một ngày thôi thì tình hình kinh tế sẽ nhốn nháo như thế nào? Do vậy, bảo đảm cân đối cung cầu cũng là nguyên tắc cơ bản của điều hành giá trong thời buổi kinh tế thị trường”, ông Thỏa nêu quan điểm và nhấn mạnh, đã mất cân đối cung cầu thì điều hành giá không thể bình ổn ở mức hợp lý.

Đối với nội dung sửa đổi văn bản của Bộ Công Thương, ông Thỏa không đánh giá chất lượng văn bản kém, mà vị Chủ tịch này cho rằng Bộ Công Thương “bảo thủ”, không tiếp thu ý kiến đóng góp. Điều đó thể hiện ở việc chu kỳ điều chỉnh giá xăng.

“Tôi đã góp ý 3 điều, nhưng Bộ Công Thương chỉ tiếp thu một, là nhà nước đừng biến cái giao quyền cho doanh nghiệp định giá. Nhưng ông lại thay quy định mức giá cụ thể bằng tỉ lệ. Chu kỳ tôi đề nghị rút xuống hằng ngày, trước mắt chưa được thì còn 5 ngày theo đúng thông lệ mua bán của thương nhân đầu mối với nước ngoài theo hình thức 2 -1 -2. Nhưng kết quả vẫn giữ 10 ngày”, ông Thỏa cho hay.

Chưa hết, theo ông Thỏa, trong quy định có một đoạn không minh bạch rằng “khi giá tăng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định”. Tuy nhiên quy định tăng bao nhiêu % thì ảnh hưởng, hay tiêu chí ảnh hưởng đến anh sinh xã hội là tiêu chí cụ thể gì lại không được đề cập.

“Ví dụ lạm phát mấy %, giảm GDP mấy %, ví dụ đời sống nhân dân khó khăn thế nào? Những quy định cụ thể như vậy không có, dẫn đến điều hành chủ quan. Không rõ lúc nào là cần phải ra biện pháp bình ổn giá như luật đã quy định”, ông Thỏa băn khoăn.

Cuối cùng, quay trở lại chu kỳ, ông Thỏa cho biết không có từ ngữ nào là cơ chế xin cho, nhưng hình hài là cơ chế xin cho.

“Dù nói là doanh nghiệp được quyền quyết định giá trên cơ sở giá cơ sở. Nhưng không doanh nghiệp nào dám quyết định giá khi Bộ Công Thương chưa công bố giá cơ sở. Chỉ khi nào Bộ Công Thương công bố giá cơ sở thì các doanh nghiệp mới dám công bố giá bán lẻ. Điều này đồng nghĩa với việc bản thân Bộ Công Thương đã vi phạm cái ông nói – tức là trao quyền định giá cho doanh nghiệp”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Câu chuyện nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thua lỗ cần làm rõ với Bộ Công Thương

Liên quan đến vấn đề này, TS Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế thừa nhận, thị trường xăng dầu ở Việt Nam không thể thả nổi, phải có sự can thiệp rất lớn của Nhà nước, bởi còn liên quan đến an ninh năng lượng, liên quan đến giá và thu ngân sách.

Riêng về trách nhiệm của Bộ Công Thương, “chắc chắn không thể chối bỏ trách nhiệm” – theo ông Ánh. Bởi Bộ này liên quan đến toàn bộ thị trường xăng dầu từ khâu sản xuất, nhập khẩu, dự trữ, quản lý hệ thống phân phối…

“Nguồn cung xăng dầu của chúng ta cũng có vấn đề, bên cạnh đó là tình trạng buôn lậu xăng dầu cũng là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Việc các cây xăng gián đoạn nguồn cung, treo biển không bán, hết xăng… nhưng đến giờ Bộ này cũng không có câu trả lời rõ việc vì sao họ ngừng bán? Có đúng là họ hết xăng không, giấy tờ nhập xăng có đúng không?”, ông Ánh đặt vấn đề.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc quan trọng nhất của Bộ Công Thương lúc này là phải đảm bảo nguồn cung trên phạm vi cả nước chứ không phải chỉ là chuyện điều hành giá. Theo đó, Bộ Công Thương phải cân đối phải đảm bảo nguồn cung, gắn với những dự án liên quan.

“Hiện nay, Việt Nam không chỉ có hai nhà máy Lọc Dầu Dung Quất và Nghi Sơn, mà còn có một nhà máy ở phía Nam là Nhà Máy Lọc Hóa Dầu Long Sơn. Theo đó, cơ quan chức năng cần phải đưa hết các nhà máy cân đối về tính tổng thể”, TS Vũ Đình Ánh cho hay.

Liên hệ tới câu chuyện cắt giảm công suất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thời gian qua vì lý do khó khăn về tài chính, vị chuyên gia này cho rằng, không phải hiện giờ Nghi Sơn mới lỗ mà lỗ đã được dự tính trước. Thậm chí đã bố trí nguồn để giữ. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại làm như vậy? Đến thời điểm này phải làm rõ câu chuyện này với Bộ Công Thương.

Về điều hành giá, theo ông Ánh nên cân nhắc việc có nên để Liên Bộ điều hành giá hiện nay.

“Tôi nghĩ nên bỏ đi. Bộ Tài chính căn cứ vào đâu để quản lý giá, trong khi thị trường và sản xuất Bộ khác quản lý. Vậy quản lý giá từ đâu?. Tôi cho rằng, nên giao Bộ Công Thương quản lý giá, còn Bộ Tài chính thiết kế lại các khoản thu ngân sách đối với xăng dầu. Tất cả nên giao về một đầu mối để gắn với trách nhiệm. Việc Liên Bộ cùng quản lý rất khó để biết, việc này của ai, Bộ nào, trách nhiệm ra sao”, ông Ánh nêu kiến nghị.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới