Friday, January 24, 2025
Trang chủĐiểm tinWaPo: Nói "ông Putin và nước Nga bị cả thế giới cô...

WaPo: Nói “ông Putin và nước Nga bị cả thế giới cô lập” có thể không chính xác

141 nước thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thuận thông qua nghị quyết kêu gọi Nga lập tức rút quân khỏi Ukraine. Nhưng kết quả này không phản ánh câu chuyện phức tạp bên trong.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vào tháng 11/2019 tại thủ đô Brasilia của Brazil. Ảnh: AFP

Tờ Washington Post của Mỹ ngày 10/3 đã đăng một bài báo với tựa đề “Bên ngoài phương Tây, ông Putin không bị cô lập như chúng ta nghĩ”.

Theo Washington Post, tại Ấn Độ, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi không hề lên án “chiến dịch đặc biệt” của Nga ở Ukraine, mà gọi đây là “ân oán” giữa Moscow và NATO.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết, Brazil “sẽ không đứng về phía nào” trong cuộc xung đột. Một quan chức cấp cao của Nam Phi vẫn gọi Nga là “người bạn thực sự”.

“Nước Nga bị cô lập” là quan điểm ​​của phương Tây
Tờ Washington Post viết, theo quan điểm của phương Tây, có thể dễ dàng nghĩ rằng cả thế giới đang chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đang rất căng thẳng, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu liên tục trừng phạt Moscow.

Nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt và phần lớn đã bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Tuần trước, phương Tây cũng đã “tấn công” lĩnh vực năng lượng rất quan trọng của Moscow.

Tuy nhiên, theo Washington Post, khi xem xét kỹ hơn, nói rằng “ông Putin bị cô lập” có thể vẫn mang hơi hướng phương Tây. Đây là một giả thuyết dựa trên định nghĩa về “thế giới” chủ yếu bao gồm các khu vực đặc quyền như Mỹ, châu Âu, Canada, Australia và Nhật Bản.

Trong số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, 141 quốc gia đã bỏ phiếu thuận để thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine. Nhưng kết quả bỏ phiếu này không phản ánh câu chuyện bên trong phức tạp hơn nhiều.

Richard Gaughan – Trưởng nhóm Khủng hoảng Quốc tế của Liên hợp quốc – cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rằng sự ủng hộ đối với nghị quyết này là khá thấp ở nhiều nước không phải phương Tây”.

Khoảng cách với phương Tây ngày càng lớn
Tờ Washington Post nhận định, nhiều nước đang phát triển trên thế giới – bao gồm cả một số đồng minh thân cận nhất của Nga – đang cảm thấy khó xử. Một số quốc gia – bao gồm Ấn Độ và Nam Phi – đã “đặt cược” cho cả hai bên. Ngay cả một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thái độ mập mờ, đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles đối với tất cả các tàu chiến.

Theo Washington Post, sự lưỡng lự đối với ông Putin gợi nhớ đến Phong trào Không liên kết trong Chiến tranh Lạnh, khi các nước tìm kiếm một lập trường trung lập trong bối cảnh các siêu cường đối địch nhau.

Chris Landsberg – Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Johannesburg (Nam Phi) – cho biết: “Trong khi ngày càng nhiều quốc gia mong muốn tăng cường hợp tác với phương Tây và thậm chí cần sự hỗ trợ từ phương Tây, nhưng họ càng muốn duy trì sự độc lập của mình. Họ muốn gửi đi thông điệp là không thích bị kiểm soát bởi người khác, và cũng không thích bị ép buộc đứng về phía nào”.

Các nước mới nổi không muốn đối địch với ông Putin
Ấn Độ xác định có quan hệ chiến lược từ thời Chiến tranh Lạnh với Nga và từ chối ủng hộ các nghị quyết của Liên hợp quốc. New Delhi coi Moscow là đối trọng với Trung Quốc, hơn 60% vũ khí của Ấn Độ đến từ Nga.

Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của Liên hợp quốc trong một bản báo cáo mới đây cho biết, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, Ấn Độ đã trả lời câu hỏi về “chiến dịch đặc biệt” của Nga đối với Ukraine bằng thái độ thực tế, thẳng thắn của một cường quốc mới nổi đầy tham vọng.

Như ông Modi đã nói, họ không muốn bị kẹt giữa Nga và NATO.

Nam Phi là một trong 17 quốc gia châu Phi bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên hợp quốc lên án “tấn công” của Nga đối với Ukraine.

“Nga là người bạn thực sự của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không quay lưng lại với mối quan hệ mà chúng tôi vốn có”, Bộ trưởng Phát triển Xã hội Nam Phi Lindiwe Zulu – người từng có thời gian du học ở Moscow – nói với các phóng viên.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng tuyên bố: “Chúng tôi không thể từ bỏ Ukraine, và cũng không thể từ bỏ Nga”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới