Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐài Loan “dọa” TQ (!)

Đài Loan “dọa” TQ (!)

Trong khi dư luận quốc tế cho rằng, Trung Quốc có thể lợi dụng cuộc chiến Nga-Ukraine để bất ngờ tấn công Đài Loan, thì thật bất ngờ chính Đài Loan lại chủ động “dọa” Trung Quốc.

Theo tin của Reuters, hôm 16/3, Đài Loan đã tiến hành tập trận bắn đạn thật trên đảo Đông Dẫn. Đảo này nằm ở cực bắc của Đài Loan và có vị trí rất gần Trung Quốc đại lục, cụ thể là vùng ngoài khơi thành phố Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến-Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 1, lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính nói rằng Bắc Kinh có thể rút ra bài học từ cuộc xung đột ở Ukraine và “tăng tốc” cho bất kỳ cuộc tấn công Đài Loan nào. Đại lục có thể bắt đầu bằng việc tấn công các đảo nhỏ cách xa đảo chính Đài Loan, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào các mục tiêu trên đảo chính.

Phía Đài Loan cho hay, cuộc tập trận trên đảo Đông Dẫn tiến hành theo định kỳ. Quả là có thế, nhưng cần lưu ý, động thái trên diễn ra trong bối cảnh Đài Loan nâng mức cảnh báo sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Việc lo xa của Đài Bắc là có cơ sở. Và cuộc tập trận lần này được tiến hành khá sát thực tế chiến đấu. Các binh sĩ nã đạn pháo vào một mô hình chữ thập đỏ nổi trên mặt nước biển. Mô hình này mô phỏng lực lượng địch đang tấn công.

Hôm 5/2, Trung Quốc đã điều một máy bay tiến đến rất gần đảo Đông Dẫn. Đài Loan nghi ngờ Trung Quốc đã sử dụng máy bay dân sự để kiểm tra phản ứng của lực lượng phòng vệ hòn đảo này.

Mặc dù không công khai chi tiết số quân đồn trú trên đảo Đông Dẫn nhưng Bộ Tư lệnh khu vực Đông Dẫn được coi là tuyến đầu của hệ thống phòng thủ Đài Loan từ những năm 50 của thế kỷ trước. Trên đảo có khoảng 1.100 người. Đảo nằm trên tuyến đường trọng yếu đối với bất kỳ lực lượng Trung Quốc nào đi về phía nam từ tỉnh Chiết Giang.

Lực lượng phòng vệ tại đảo Đông Dẫn được trang bị tên lửa chống hạm Hsiung Feng II do Đài Loan tự chế tạo, và tên lửa đất đối không Sky Bow II. Vì vậy, Đông Dẫn trở thành “hòn đảo chiến lược quan trọng nhất” trong hệ thống phòng thủ của Đài Loan. Đây là mối đe dọa trực tiếp đối với các hoạt động không quân và hải quân của Trung Quốc”.

Không rõ vì sao Đài Bắc lại tỏ ra cứng rắn như vậy, vào giữa lúc mà Bắc Kinh có thể “mượn gió bẻ măng”? Chúng ta có thể lý giải qua những lời này của Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương: “Đài Loan phải cảnh giác. Trung Quốc ngày càng vượt lên dẫn trước. Thế giới cũng đã chứng kiến Trung Quốc nhiều lần lặp lại những hành động gây tổn hại tới hòa bình khu vực và gây áp lực đối với Đài Loan”.

Ông Tô không úp mở, nói thẳng rằng: “Đài Loan cần phải tự tăng cường sức mạnh và đoàn kết lại. Chỉ có như vậy, kẻ nào muốn thôn tính Đài Loan mới không dám dễ dàng sử dụng vũ lực. Chỉ khi chúng ta tự giúp mình, người khác mới có thể giúp chúng ta. Hy vọng Trung Quốc xem trọng nhân quyền của 23 triệu dân Đài Loan, không nên cứ cho rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc như một món đồ. Đài Loan là một quốc gia dân chủ, Đài Loan không phát động chiến tranh với Trung Quốc, hy vọng Trung Quốc cũng không phát động chiến tranh với Đài Loan”.

Chuyện của Đài Loan có nhiều gợi ý cho Việt Nam cũng như các nước đang có tranh chấp về biển đảo. Trung Quốc không chỉ đặt mục tiêu vào Đài Loan mà còn âm mưu chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng những tiền đồn ở đây để biến thành các căn cứ quân sự. Vì vậy, Trung Quốc đã điều động những tàu hải cảnh rất lớn và đe dọa các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc đang lấn lướt, tìm cách cấm cản các nước này khai thác các nguồn tài nguyên ở vùng biển mà trên thực tế thuộc chủ quyền của họ theo Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982, bao gồm cả quyền đánh bắt cá và khai thác năng lượng. Họ cũng sử dụng các căn cứ quân sự này để báo hiệu rằng Bắc Kinh có thể có một số yêu sách vượt ra ngoài các tuyên bố về quyền hàng hải hợp pháp.

Thái độ cứng rắn của Đài Bắc sẽ là một liệu pháp tinh thần tốt cho các nước lân cận để chống lại sự đe dọa của chủ nghĩa bành trướng. Nếu Đài Bắc “nằm im”, Bắc Kinh thôn tính Đài Loan bằng vũ lực thì sẽ dẫn tới việc Trung Quốc tiếp tục xâm chiếm những thực thể mà Việt Nam đang nắm giữ ở Trường Sa.

Nhưng không phải chỉ có Đài Loan, gần đây Việt Nam, Philippines, Indonesia đều bày tỏ thái độ cứng rắn không để Trung Quốc lấn lướt và đưa ra những đòi hỏi phi lý, giẫm đạp lên luật pháp quốc tế. Việc quân đội các quốc gia nêu trên tham gia tập trận chính là một giải pháp tích cực để phòng vệ và răn đe Trung Quốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới