Trung Quốc đang phải chống chọi với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong 2 năm với số ca mắc tăng lên hơn 10.000 người kể từ đầu tháng 3 tại 27 tỉnh và thành phố. Quốc gia này hiện vẫn áp dụng chính sách “zero-Covid”, thực hiện phong toả và kiểm tra nghiêm ngặt, xét nghiệm diện rộng để đối phó với dịch bệnh.
Đợt bùng dịch tệ nhất trong vòng 2 năm
Kể từ đầu tháng 3, đã có tổng số 27 địa phương cấp tỉnh của Trung Quốc báo cáo về việc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Từ ngày 1/3 đến 13/3, tổng số ca nhiễm bệnh mới trong nước được ghi nhận đã vượt mốc 10.000 ca, trở thành đợt bùng phát dịch lớn nhất tại quốc gia tỷ dân trong vòng 2 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 13/3, Trung Quốc bắt đầu ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới mỗi ngày, gần như gấp đôi so với các ngày trước đó. Ngày 14/3, theo trang worldometers, quốc gia này đã ghi nhận 1.436 trường hợp nhiễm bệnh mới.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), các tỉnh bùng phát dịch gần đây vẫn chưa đạt tới đỉnh dịch, đồng thời khuyến cáo chính phủ cần có các biện pháp nhanh hơn, nhanh hơn, chặt chẽ hơn để đối phó với biến thể Omicron, hiện là biến thể chính lưu truyền trong nước.
Nhiều nơi, bao gồm cả các đô thị lớn như Thâm Quyến và Thượng Hải đã phản ứng bằng các biện pháp nghiêm ngặt nhất trong việc giảm tiếp xúc xã hội để hạn chế lây nhiễm virus trong thời gian ngắn.
Khi tỉnh Cát Lâm tại khu vực đông bắc Trung Quốc ghi nhận 895 trường hợp vào ngày 14/3, người dân trong tỉnh, đặc biệt là những người ở thành phố Trường Xuân và Cát Lâm, hai thành phố ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất, bị cấm rời khỏi thành phố và ra khỏi tỉnh.
“Thủ phủ” công nghệ Thâm Quyến với khoảng 17,5 triệu dân cũng đã bị phong toả, triển khai 3 vòng xét nghiệm diện rộng bắt đầu từ ngày 13/3.
Một thành phố khác đang ứng phó với sự bùng phát Covid-19 bằng các biện pháp nghiêm ngặt là Thượng Hải, với số ca nhiễm tăng lên từng ngày, dù không quá nhiều. Từ cuối tuần trước, Thượng Hải đã cấm người dân rời khỏi thành phố trừ khi cần thiết và cũng phải có xét nghiệm âm tính.
Một số trường học ở Bắc Kinh đã yêu cầu một số học sinh có nguy cơ lây nhiễm cao phải ở nhà. Các biện pháp được áp dụng cho thấy áp lực ngày càng lớn mà thủ đô phải đối mặt với việc đối phó với bệnh dịch.
Theo một mô hình nghiên cứu từ Đại học Lan Châu, với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và kịp thời, đợt bùng phát này sẽ bước đầu được kiểm soát vào đầu tháng 4, với khoảng 35.000 ca nhiễm.
Số trường hợp nhiễm bệnh tăng đột biến một phần là do biến thể Omicron rất dễ lây lan và các chủng của nó được phát hiện ở nhiều nơi ở Trung Quốc khiến người dân khó phát hiện hơn. Đồng thời, các biến thể này cũng có thời gian ủ bệnh ngắn hơn nhiều so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, theo một chuyên gia cao cấp thân cận với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), đại dịch kéo dài 2 năm đã khiến một số quan chức địa phương lơ là với việc chống dịch, dẫn tới việc phản ứng chậm đối với các đợt bùng phát và áp dụng muộn các biện pháp phòng chống, trì hoãn việc cách ly các bệnh nhân.
Chuyên gia CDC nhận định, việc nhiều quốc gia đang giảm hoặc đã bỏ các biện pháp phòng chống nghiêm ngặt với Covid-19 và sẵn sàng “chung sống với virus” cũng đặt ra thách thức lớn cho Trung Quốc, đặc biệt là ở các thành phố biên giới.
Chính sách “zero-Covid” có còn phù hợp?
Theo các chuyên gia CDC, chính sách “không Covid” (zero-Covid) hiện vẫn là chiến lược tốt nhất đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, các biện pháp của chính sách này cũng đang dần được thay đổi để phù hợp với tình hình mới, ví dụ như việc Trung Quốc cho phép sử dụng bộ dụng cụ tự kiểm tra kháng nguyên Covid-19.
Chen Xi, một phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Yale, nói với Global Times rằng lần bùng dịch với biến chủng chính là Omicron này cần có sự linh hoạt nhất định trong khi vẫn bám sát mục tiêu zero-Covid để giảm bớt tác động lên nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng điều chỉnh không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn chính sách Covid-19. Việc dỡ bỏ nhanh chóng các biện pháp phòng dịch có thể dẫn đến gia tăng số ca bệnh, áp đảo hệ thống y tế và làm tê liệt các hoạt động xã hội cho dù tỷ lệ tử vong có thấp đến đâu
Chuyên gia CDC cho biết, tiền đề để Trung Quốc nới lỏng chính sách là nhằm xây dựng khả năng miễn dịch mạnh hơn, đồng nghĩa với việc tỷ lệ bao phủ vắc xin cao hơn.
Một tiền đề khác là để xã hội đạt được sự đồng thuận về các chính sách nới lỏng, và tránh hoang mang cho người dân. Theo đó, chính phủ Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức để thoát khỏi đại dịch với tỷ lệ tử vong thấp nhất.
T.P